Phát biểu khai mạc Hội thảo, Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh, Hội thảo là dịp để các đại biểu cùng nhau thảo luận về thực trạng hoạt động của logistics ở Việt Nam; nhận diện những khó khăn, vướng mắc, bất cập đối với hoạt động logistics. Từ đó, đưa ra các đề xuất, kiến nghị để hoàn chỉnh hệ thống chính sách, pháp luật, thủ tục hành chính, cách thức quản lý liên quan để thúc đẩy hỗ trợ, khuyến khích phát triển dịch vụ logistics, giảm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh, những năm gần đây, hằng năm Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nhằm tăng cường công tác quản lý điều hành và giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương trong việc tiếp tục tháo gỡ các rào cản, giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp. Đồng thời cho biết, Chính phủ đang tiếp tục đưa ra các giải pháp thúc đẩy kinh doanh, trong đó có lĩnh vực logistics nhằm tìm kiếm, tận dụng những cơ hội để ngành logistics phát triển hiệu quả hơn trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Cố vấn trưởng, Giám đốc Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô và tăng trưởng xanh, GIZ Michael Krakowski phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI |
Tại Hội thảo, Cố vấn trưởng, Giám đốc Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô và tăng trưởng xanh, GIZ Michael Krakowski cho biết, GIZ luôn đồng hành cùng quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Đồng thời nhấn mạnh, trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường việc quan trọng nhất là thực hiện cấu trúc nền kinh tế một cách phù hợp. Các hoạt động hỗ trợ của GIZ chủ yếu tập trung thực hiện chính sách nhằm mục tiêu giúp Việt Nam tăng trưởng bền vững, tránh được bẫy thu nhập trung bình, gia tăng năng suất đối với các yếu tố sản xuất. Đặc biệt, trong bối cảnh khoa học công nghệ trên thế giới đang phát triển nhanh chóng và quá trình số hóa theo cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mở ra nhiều cơ hội mới để gia tăng năng suất hiệu quả.
Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, để tận dụng lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại thì phải tiếp cận theo từng ngành, lĩnh vực, khu vực cụ thể. Điều này có nghĩa, chúng ta phải xác định được rào cản đặc thù của từng ngành, lĩnh vực, qua đó đưa ra các biện pháp để xử lý, vượt qua các rào cản một cách phù hợp cho từng ngành, lĩnh vực. Trong bối cảnh đó, GIZ đã phối hợp với CIEM cùng nghiên cứu một số ngành được quan tâm của Việt Nam, trong đó có ngành logistics.
Thực tế cho thấy khả năng, tiềm năng tăng năng suất của ngành logistics vẫn còn rất lớn. Quá trình chuyển đổi của ngành logistics đang diễn ra hết sức mạnh mẽ so với xu hướng số hóa cũng như sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, gia tăng mức độ của chuỗi cung ứng,… tác động đáng kể đến sự phát triển của ngành này. Và để tận dụng được tất cả các lợi thế do khoa học kỹ thuật, công nghệ mới mang lại chúng ta cần phải gạt bỏ những rào cản ngăn trở sự dịch chuyển các yếu tố sản xuất giữa các ngành, lĩnh vực khác nhau.
Trình bày về thực trạng năng lực cạnh tranh ngành logistics: Một số vấn đề và kiến nghị chính sách, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, CIEM Nguyễn Minh Thảo cho biết, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, logistics là xương sống của thương mại quốc tế. Dịch vụ logistics có chi phí thấp và khả năng đáp ứng cao yêu cầu của khách hàng thúc đẩy thương mại trong và ngoài nước và kinh tế quốc gia phát triển. Đối với các nước có cùng thu nhập đầu người thì quốc gia nào có hoạt động logistics tốt nhất có sự gia tăng về tăng trưởng 1% GDP và 2% thương mại.
Nhận thấy tầm quan trọng của ngành logistics, Chính phủ Việt Nam xác định nâng cao hiệu quả, giảm chi phí của ngành này là nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, các văn bản liên quan đến lĩnh vực này đã được ban hành. Chỉ số hiệu quả của logistics (LPI) trong năm qua có cải thiện tốt và được xếp vào nhóm trên và chỉ số thuận lợi hóa thương mại của Việt Nam thuộc nhóm giữa trên toàn cầu. Mức độ cải thiện thứ hạng LPI của Việt Nam năm 2016 xếp thứ 64 và năm 2018 xếp thứ 39, là mức cải thiện cao nhất trong hơn thập niên qua.
So với các nước trong ASEAN, LPI của Việt Nam từ vị trí thứ 5 lên vị trí thứ 3. Việt Nam là một trong những thị trường có hiệu suất dịch vụ logistics tốt hơn các thị trường có mức thu nhập tương đương. Tuy nhiên, áp lực về ngành dịch vụ có chi phí đắt đỏ chưa giảm, thời gian thông quan vẫn còn dài, chi phí cao, thủ tục quản lý chuyên ngành vẫn còn nhiều làm ảnh hưởng tới hoạt động logistics. Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh của ngành logistics vẫn còn nhiều trở ngại như cơ sở hạ tầng phát triển không đồng đều, thiếu kết nối; thành phần dịch vụ logistics lớn nhất là vận tải biển chủ yếu thuộc về các hãng tàu biển quốc tế với phụ phí của các hãng tàu ngày càng tăng; quy mô doanh nghiệp logistics nhỏ, năng lực cạnh tranh quốc tế hạn chế, chủ yếu cung cấp các dịch vụ đơn giản; đăng ký kinh doanh, quản lý chuyên ngành và các thủ tục hành chính vẫn là rào cản đối với doanh nghiệp logistics; phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong các doanh nghiệp logistics trong nước chưa rộng, chủ yếu ở mức độ giản đơn;...
Để thúc đẩy áp dụng các giải pháp công nghệ, theo bà Nguyễn Minh Thảo, Chính phủ cần tạo hành lang pháp lý hỗ trợ phát triển và ứng dụng giải pháp công nghệ trong ngành logistics; Xây dựng chính sách thúc đẩy liên ngành thương mại điện tử và logistics. Đồng thời, có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp logistics đầu tư vào công nghệ.
Bên cạnh đó, để cắt giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics, cần thực hiện rà soát hệ thống cầu, đường bộ gắn biển báo tải trọng thấp, đồng thời có giải pháp phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện vận chuyển hàng hóa hoạt động. Thực hiện việc quy hoạch xây dựng bãi xe containers, xe tải đảm bảo thuận lợi cho vận tải hàng hóa, góp phần giảm chi phí cho logistics. Thực hiện nghiêm túc việc cắt giảm 50% các điều kiện kinh doanh, cắt giảm 50% các mặt hàng phải kiểm tra theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, đảm bảo thực chất và hiệu quả. Đồng thời, thực hiện xây dựng và phát triển sàn giao dịch vận tải, tận dụng vận chuyển hai chiều, hạn chế container rỗng. Đặc biệt, các bộ, ngành phải thực hiện kết nối tất các thủ tục hành chính qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, tránh trường hợp vừa thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến vừa nộp hồ sơ giấy.
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI |
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, đánh giá về những khó khăn, vướng mắc, bất cập đối với hoạt động logistics từ nhiều góc độ khác nhau nhằm hướng đến mục tiêu chung phát triển ngành logistics của Việt Nam./.
Tác giả: Tùng Linh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Ý kiến bạn đọc