Về sản xuất công nghiệp, giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) năm 2016 ước đạt 3.088,9 tỷ đồng, đạt 138% kế hoạch, tăng 2,68 lần so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước là do thủy điện Lai Châu đã hoàn thành phát điện sớm hơn so với dự diến với công suất là 1.200 MW. Một số sản phẩm sản xuất chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra: Chè các loại 4.650 tấn, vượt 20,9% kế hoạch; đá xây dựng 568.215 m3, đạt 100% kế hoạch; điện phát ra 4.150,23 triệu kwh, vượt 98,1% kế hoạch; nước máy sản xuất 3,8 triệu m3, đạt 100% kế hoạch; xi măng 12.500 tấn, vượt 108% kế hoạch.
Số xã, phường, thị trấn được sử dụng điện lưới Quốc gia là 108/108 xã, đạt 100%; số hộ được sử dụng điện lưới Quốc gia là 83.294/91.717 hộ, đạt 90,8%, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước.
Về hoạt động thương mại, tình hình thị trường trên địa bàn tỉnh trong năm 2016 ổn định, hàng hóa trên thị trường phong phú, chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của Nhân dân. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ năm 2016 đạt 4.285 tỷ đồng, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng chủ yếu cung ứng: Điện tiêu dùng 123 tỷ đồng; xăng dầu bán lẻ 860 tỷ đồng.
Khu vực biên giới, các sở, ban, ngành và các lực lượng quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu biên giới của tỉnh Lai Châu đã thực hiện tốt công tác phối hợp quản lý hoạt động mua bán, tái xuất hàng hóa, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện thông quan hàng hóa theo đúng quy định của pháp luật. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và tái xuất hàng hóa qua cửa khẩu, lối mở của tỉnh chấp hành tốt các quy định của pháp luật và quy chế quản lý, điều hành hoạt động xuất nhập khẩu và tái xuất hàng hóa của Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu. Nộp đầy đủ các loại phí, lệ phí theo quy định, đảm bảo công tác vệ sinh môi trường và an ninh trật tự tại khu vực cửa khẩu biên giới. Qua đó thúc đẩy phát triển các dịch vụ thương mại, thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng kho bãi tập kết phương tiện và hàng hóa, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống của Nhân dân khu vực biên giới, tăng thu cho nguồn ngân sách địa phương và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Về hoạt động xuất nhập khẩu, tổng giá trị xuất nhập khẩu trên địa bàn năm 2016 ước đạt 14,91 triệu USD, đạt 174,4% kế hoạch, giảm 23,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó giá trị xuất khẩu hàng hóa của địa phương đạt 5,35 triệu USD, đạt 100% kế hoạch, giảm 14,1% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của địa phương, gồm: Thảo quả 100 tấn, trị giá 0,6 triệu USD; chè 800 tấn, trị giá 1,76 triệu USD; hàng hóa khác 11.300 tấn, trị giá 2,99 triệu USD.
Về công tác quản lý thị trường, đã phát hiện và xử lý 323 vụ vi phạm, trong đó: Vi phạm hàng cấm 12 vụ; vi phạm hàng nhập lậu 23 vụ; vi phạm về hàng giả và quyền sở hữu trí tuệ 23 vụ; vi phạm về đầu cơ, găm hàng và sai phạm trong lĩnh vực giá 02 vụ; vi phạm trong kinh doanh 178 vụ; vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, chống dịch 85 vụ. Tổng số tiền xử phạt thu nộp ngân sách và trị giá hàng hóa tịch thu là 835,31 triệu đồng, trong đó: tiền xử phạt vi phạm hành chính là 552,849 triệu đồng; tiền bán hàng tịch thu 56,046 triệu đồng; trị giá hàng tịch thu là 226,415 triệu đồng.
Năm 2017, kinh tế nước ta được kỳ vọng sẽ có nhiều khởi sắc, kinh tế - xã hội của tỉnh Lai Châu vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá. Tuy nhiên, theo dự báo diễn biến thị trường hàng hóa đầu vào cho sản xuất thường xuyên biến động, diễn biến thời tiết phức tạp... Ngành Công thương tỉnh nhà xác định các một số nhiệm vụ, giải pháp là: Triển khai thực hiện giải pháp của Bộ Công Thương, HĐND và UBND tỉnh về những giải pháp phát triển kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại trên địa bàn tỉnh; tiếp tục triển khai thực hiện các quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt; kịp thời rà soát các quy hoạch để đề nghị điều chỉnh, bổ sung các mục tiêu, nhiệm vụ trong quy hoạch cho phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh. Hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Lai Châu giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035 trình Bộ Công Thương, UBND tỉnh phê duyệt; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư xây dựng thủy điện về tiến độ đầu tư xây dựng và thực hiện các quy định về an toàn đập, kiến nghị xử lý kịp thời với các dự án chậm tiến độ triển khai hoặc chủ đầu tư không đủ năng lực. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra hoạt động khai thác, chế biến và xuất khẩu khoáng sản; công tác quản lý vật liệu nổ công nghiệp; chủ động theo dõi diễn biến cung cầu hàng hoá; thực hiện nhiệm vụ dự trữ các mặt hàng thiết yếu bình ổn thị trường phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác dự trữ hàng hóa thiết yếu và kế hoạch dự trữ hàng hóa trong mùa mưa lũ; phối hợp với các lực lượng chức năng và UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; tăng cường chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; kiểm tra điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép, hoạt động mua bán, xuất lậu khoáng sản…
Tác giả: Dũng Lê
Ý kiến bạn đọc