Đánh thức tiềm năng du lịch Tam Đường

Thứ ba - 03/01/2017 21:56 1.065 0
(BLC) - Với lợi thế có nhiều khu di tích, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nét văn hóa độc đáo đã tạo cho Tam Đường sức lôi cuốn kỳ lạ, thu hút du khách đến tham quan, khám phá. Đây là cơ sở để huyện hướng tới phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch tham quan mạo hiểm.
Bà con bản Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường) chăm sóc địa lan.
Bà con bản Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường) chăm sóc địa lan.

Mảnh đất tiềm năng

Từ lâu thiên nhiên vốn ưu đãi, kiến tạo cho Tam Đường nhiều tiềm năng du lịch phong phú, hấp dẫn với cảnh quan thiên nhiên đẹp được công nhận là danh lam thắng cảnh như: Động Tiên Sơn, Thác Tác Tình, Thác Cầu Mây. Tôi còn nhớ ngày mới lên Tây Bắc được cùng Đoàn khảo sát của tỉnh đi tham quan Động Tiên Sơn (xã Bình Lư) và bất ngờ trước vẻ đẹp huyền bí của hang động. Động có 49 cung nối tiếp nhau chạy dài thông qua 2 sườn núi với nhiều thạch nhũ đủ sắc màu, hình thù kỳ thú, huyền ảo. Ngoài ra, Thác Tác Tình cũng là lựa chọn của nhiều gia đình vào ngày nghỉ cuối tuần. Thác bắt nguồn từ dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, cao chừng 130m, dưới chân là hồ nước rộng chừng 200m2. Cùng với sự đầu tư xây dựng, nâng cấp tuyến đường lên thác đã thu hút du khách đến tham quan, thưởng ngoạn ngày một nhiều.

 

2 năm trở lại đây, du lịch leo núi thám hiểm đỉnh Pu Ta Leng (xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường) thu hút nhiều phượt thủ ưa mạo hiểm. Nếu có thời gian lướt qua facebook, google, hình ảnh chia sẻ về đỉnh Pu Ta Leng luôn được các bạn trẻ yêu thích và ai cũng mong muốn chinh phục được độ cao này. Mặc dù chưa có con số thống kê cụ thể nhưng theo cấp ủy chính, quyền xã Hồ Thầu, năm 2015 có 24 đoàn với 191 người đến tham quan khám phá đỉnh Pu Ta Leng và con số này đã tăng lên từ 50 - 70 đoàn năm 2016. Chúng tôi tìm đến nhà anh Lù Văn Thành (bản Phô, xã Hồ Thầu) - người chuyên dẫn đường cho đoàn du khách muốn khám phá đỉnh Pu Ta Leng. Theo chia sẻ của anh, Pu Ta Leng có độ cao 3.049m so với mặt nước biển được mệnh danh là “Nóc nhà thứ 2 của Đông Dương”, hiện chưa có sự tác động của con người nên là điểm đến hấp dẫn khách du lịch ưu thích sự mạo hiểm. Muốn chinh phục được đỉnh Pu Ta Leng, thông thường du khách phải trải qua hành trình 3 ngày 2 đêm vượt qua nhiều bản làng của người Mông, Dao, cánh rừng nguyên sinh, khe suối. Hiện UBND huyện cũng đã cử đoàn đi khảo sát, sắp tới sẽ xây dựng các hạng mục cơ bản như: biển báo, biển chỉ đường, thùng rác và mở các lớp tập huấn về hướng dẫn viên du lịch cho những người chuyên dẫn đường cho khách như anh Thành.

Tập trung phát triển du lịch cộng đồng

Bên cạnh khai thác tiềm năng du lịch sẵn có, tại Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 – 2020, huyện Tam Đường đã đề ra Nghị quyết về chương trình phát triển dịch vụ du lịch đến năm 2020, trong đó tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng. Trên cơ sở phát triển nhân rộng mô hình bản du lịch cộng đồng ở bản Hon (xã Bản Hon) và Nà Luồng (xã Nà Tăm), huyện triển khai xây dựng thêm 2 điểm du lịch cộng đồng tại bản Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu), Lao Tỷ Phùng (xã Nùng Nàng).

Tết này bà con ở Sì Thâu Chải thêm niềm vui mới khi được công nhận là bản du lịch cộng đồng. Đây là nỗ lực cố gắng của 62 hộ đồng bào dân tộc Dao và cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đây. Với độ cao trên 1.500m, mùa này đến với bản Sì Thâu Chải bạn sẽ bị mê hoặc bởi sắc vàng của hoa dã quỳ, nét đẹp hoang sơ của những ngôi nhà trình tường. Gặp chúng tôi, anh Lù A Nghi - Trưởng bản Sì Thâu Chải khoe: “Thực hiện chủ trương xây dựng bản thành điểm du lịch, điều dân bản hạnh phúc nhất là có chương trình xây dựng nông thôn mới, Nhà nước hỗ trợ ximăng, bà con bỏ công sức nên trong tháng 10/2016 đã bêtông hóa 5km đường vào bản. Các hộ trồng, chăm sóc 1.000 chậu địa lan, quy hoạch vùng tập trung trồng 8ha cây lê, hồng, sơn tra. Bà con sống đoàn kết, bảo ban nhau giữ gìn vệ sinh môi trường để xây dựng bản thành điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay 10 gia đình trong bản đã tự nguyện đăng ký làm du lịch bằng cách sửa sang lại nhà cửa, đầu tư xây dựng các công trình nhà vệ sinh, nhà tắm, học tập và chế biến các món ăn truyển thống để tiếp đón du khách ở lại. Bản thành lập đội văn nghệ gồm 16 người thường xuyên tập luyện các bài hát dân ca, điệu múa của dân tộc Dao để quảng bá, giới thiệu đến du khách.

Để xây dựng bản Lao Tỷ Phùng (xã Nùng Nàng) trở thành bản du lịch cộng đồng, xã tập trung tuyên truyền, vận động bà con làm hàng rào đá, đầu tư xây dựng guồng nước, trồng hoa tam giác mạch, cây ăn quả ôn đới. Hướng dẫn người dân tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mông như: cung bắn đá, vòng cổ, gùi để quảng bá, giới thiệu đến du khách. Hy vọng không bao lâu nữa bản sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn, mở ra hướng làm giàu mới.

Vẫn còn thách thức

Năm 2016, lượng khách đến huyện Tam Đường đạt trên 12.800 người, trong đó khách quốc tế chiếm trên 4.000 lượt người. Doanh thu từ du lịch ước đạt 6,8 tỷ đồng. Toàn huyện có 2 khách sạn, 6 nhà nghỉ, trên 10 cơ sở lưu trú, 13 nhà hàng phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Thọ Trung - Bí thư Huyện ủy Tam Đường thì khó khăn hiện nay trong phát triển du lịch huyện là lượng khách đến với Tam Đường ít so với tiềm năng vốn có. Một phần do cơ sở hạ tầng, giao thông đi lại tại các điểm du lịch còn khó khăn; người dân ở các bản chưa được trang bị kỹ năng đón tiếp, phục vụ khách; các sản phẩm lưu niệm còn ít, đơn điệu. Công tác tuyên truyền, quảng bá về du lịch Tam Đường chưa được làm nổi bật nên khó khăn cho khách tham quan cũng như các doanh nghiệp lữ hành.

Với mong muốn đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, đẩy nhanh quá trình xóa đói giảm nghèo, huyện đang tập trung phát triển đa dạng các loại hình du lịch phù hợp với lợi thế của huyện như: du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa tâm linh. Quan tâm bảo tồn và đầu tư phát triển những sản phẩm làng nghề truyền thống, các sản vật địa phương phục vụ du khách như: làng nghề miến dong Bình Lư, nghề dệt thổ cẩm (xã Bản Hon, Nà Tăm), nấu rượu (xã Bản Giang, Sùng Phài). Đồng thời kết nối, xây dựng các tour, tuyến du lịch. Triển khai nhiều chính sách ưu tiên, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư hình thành các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí ở các khu, điểm du lịch. Tăng cường công tác liên kết với các địa phương, nhất là phối hợp với huyện SaPa liên kết các tour, tuyến, điểm du lịch. Mở các lớp bồi dưỡng tập huấn về thương mại, dịch vụ tại huyện nhằm xây dựng đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch có năng lực, trình độ.

Nếu thực hiện tốt các giải pháp đề ra, chắc chắn thời gian không xa, Tam Đường sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn thu hút nhiều khách trong và ngoài nước, là “viên ngọc sáng” về lĩnh vực du lịch.


 

Tác giả: Hương Ly

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

128/QĐ-SKHĐT

Quyết định ban hành Quy chế thực hiện dân chủ của Sở Kế hoạch và Đầu tư

Thời gian đăng: 25/01/2024

lượt xem: 83 | lượt tải:18

105/QĐ-SKHĐT

Quyết định Công khai dự toán thu, chi ngân sách năm 2022

Thời gian đăng: 14/02/2023

lượt xem: 395 | lượt tải:207

78/NQ-CP

Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 20 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ chuyên đề về phòng, chống dịch COVID-19.

Thời gian đăng: 26/07/2021

lượt xem: 1836 | lượt tải:233

01/QĐ-SKHĐT

QĐ về việc ban hành Lịch tiếp công dân năm 2021 của Sở Kế hoạch và Đầu tư

Thời gian đăng: 04/08/2021

lượt xem: 1567 | lượt tải:199

114/QĐ-SKHĐT

QĐ công khai dự toán thu, chi NS năm 2021

Thời gian đăng: 22/08/2021

lượt xem: 1620 | lượt tải:206
Đường dây nóng
  • Đang truy cập99
  • Hôm nay17,015
  • Tháng hiện tại463,637
  • Tháng trước:447,481
  • Tổng lượt truy cập11,101,705
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down