Công trình đã khẳng định dấu ấn trí tuệ Việt, từ các khâu quy hoạch, thiết kế, thi công xây lắp, giám sát, lắp máy, quản lý vận hành... đều do các kỹ sư, công nhân trong nước đảm nhận.
Công trình thủy điện Lai Châu đã hiện hữu giữa đại ngàn huyện Nậm Nhùn, tỉnh biên giới Lai Châu. Dòng sông Đà hung dữ ngày nào giờ đây lại thêm một con đập sừng sững bắc ngang. Đại công trường trước đây ngổn ngang sắt thép, bê tông, nay đã được thay thế bằng những con đường nội bộ trải nhựa và xung quanh phủ kín cây xanh.
Sau khi ba tổ máy hết thời gian chạy thử, thì công tác sửa chữa, bảo dưỡng cũng đã được đơn vị lắp máy LILAMA 10 thực hiện hoàn thành. Hiện nay, toàn bộ kỹ sư, công nhân còn lại trên công trường của các đơn vị đang hối hả tập trung cho các phần việc cuối cùng, như sơn sửa thiết bị phụ trợ, hoàn thiện hệ thống điện chiếu sáng... để hướng tới ngày khánh thành.
Kỹ sư Nguyễn Thanh Oai, Phó Giám đốc Ban Điều hành Công ty Cổ phần lắp máy LILAMA 10 cho biết: Các tổ máy về đích sớm, an toàn là nhờ sự nỗ lực ngày đêm của hàng vạn cán bộ, công nhân các nhà thầu, trong đó có cán bộ, công nhân và lao động của công ty.
Có thời điểm đơn vị đã phải huy động tới 1.200 cán bộ, công nhân chia làm 3 ca ngày đêm lao động trên công trường. Đến nay, các phần việc kiểm tra, sửa chữa, bảo dưỡng để đảm bảo an toàn cho các tổ máy đã được thực hiện xong. Các phần sửa chữa, bảo dưỡng các hạng mục phụ trợ khác cũng đã được đơn vị thực hiện và cơ bản hoàn thành.
Các phần việc cuối cùng như sơn sửa, dọn vệ sinh... đang được gấp rút thực hiện để hướng tới ngày khánh thành toàn bộ công trình
Ông Nguyễn Thanh Oai nói: “Ở thủy điện Lai Châu, phần tuốc bin máy phát đòi hỏi tính thiết bị, độ chính xác rất cao. Thế nhưng, với đội ngũ công nhân lành nghề, cũng như đội ngũ kỹ sư kỹ thuật có trình độ đã thi công nhiều công trình, cho nên công việc lắp đặt đối với lắp máy không có vấn đề gì. Tất cả Ban lãnh đạo, cũng như cán bộ, công nhân viên đơn vị rất phấn khởi khi hoàn thành vượt tiến độ”.
Trong căn phòng điều khiển Trung tâm, hàng chục cán bộ, kỹ sư trẻ người Việt Nam tập trung cao độ, thực hiện phần việc quản lý, vận hành toàn bộ nhà máy. Tất cả họ đều thuộc thế hệ 9X, có tuổi đời từ 23 đến 25 và hầu hết là lần đầu tiên tiếp cận với công việc vận hành một thủy điện lớn.
Công trình thủy điện Lai Châu đã để lại dấu ấn lớn khi hàng vạn kỹ sư, công nhân người Việt làm chủ
Mặc dù tuổi đời còn trẻ, nhưng họ đã đảm nhận rất tốt khâu chuyển giao công nghệ từ các chuyên gia nhà thầu và làm chủ toàn bộ các thiết bị hiện đại của nhà máy.
Kỹ sư trẻ Nguyễn Văn Tiệp, Quản đốc Phân xưởng vận hành Lai Châu thuộc Công ty Thủy điện Sơn La cho biết: “Quá trình vận hành dây chuyền sản xuất của nhà máy thủy điện Lai Châu, đến thời điểm hiện tại, tất cả các hệ thống thiết bị chính và thiết bị phụ trợ đều đáp ứng tốt các yêu cầu về kỹ thuật, vận hành ổn định. Sau khi đưa tổ máy 3 và toàn bộ hệ thống thiết bị phụ trợ của nhà máy vào vận hành, anh em đều đáp ứng tốt được công việc. Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã sản xuất được trên 3,8 tỷ kWh điện để cung cấp cho hệ thống điện quốc gia”.
Nhà máy Thủy điện Lai Châu được khởi công đầu năm 2011, với quy mô 3 tổ máy và có tổng công suất thiết kế 1.200 MW. Khi vận hành đồng bộ 3 tổ máy, sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 4,7 tỷ kWh/năm. Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, việc công trình hoàn thành sớm 1 năm sẽ giúp cung cấp thêm cho hệ thống điện quốc gia khoảng 4,7 tỷ kWh.
Sản lượng điện này nhân với giá thành hiện hành, cùng với nhiều chi phí tiết kiệm khác do rút ngắn thời gian thi công sẽ làm lợi cho Nhà nước khoảng 7.000 tỷ đồng.
Nhà máy sẽ do gần 150 cán bộ, kỹ sư trẻ người Việt Nam tiếp quản, vận hành
Ông Bùi Phương Nam, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Nhà máy thủy điện Sơn La - Lai Châu cho biết: “Thủy điện Lai Châu là dự án trọng điểm quốc gia nên nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và đặc biệt là Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Toàn bộ lực lượng tham gia quản lý, thi công trên công trường đều đã được “tôi luyện” qua việc thực hiện dự án thủy điện Sơn La. Ngoài việc nội địa hóa thiết bị thủy công đạt 55%, thì nhân lực vận hành thủy điện Lai Châu đã được đào tạo, học sơ đồ nguyên lý ở thủy điện Sơn La.
Ngay từ năm 2010, Công ty thủy điện Sơn La đã có kế hoạch tuyển dụng cũng như đào tạo và anh em học sơ đồ nguyên lý ở thủy điện Sơn La. Bắt đầu từ 2015, khi tiếp nhận tổ máy số 1, cũng như tiếp nhận tổ máy số 2, số 3 là anh em đã tiếp cận và vận hành ngay từ đầu. Điều này đã được chứng minh qua mùa lũ 2015 – 2016, công tác vận hành đã an toàn cho cả thiết bị lẫn con người”.
Thủy điện Lai Châu - công trình thủy điện lớn thứ 3 Đông Nam Á đã chính thức hoàn thành vượt tiến độ trước một năm. Cùng với thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Nhà máy thủy điện Lai Châu đi vào hoạt động sẽ giúp nâng tổng công suất các nhà máy thủy điện trên dòng chính sông Đà lên trên 5.500 MW, cung cấp khoảng hơn 23 tỷ kWh cho lưới điện quốc gia mỗi năm.
Trong đó, riêng thành quả tại thủy điện Lai Châu còn mang một ý nghĩa lớn lao, khi từ các khâu thiết kế, thi công, lắp đặt thiết bị đến quản lý vận hành phần lớn do những kỹ sư, công nhân người Việt làm chủ.
Ý kiến bạn đọc