Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, vào cuối tháng 12/2016, Nhà máy Thủy điện Lai Châu sẽ chính thức khánh thành.
Trước đó, ngày 9/11/2016, Tổ máy số 3 - tổ máy cuối cùng của Nhà máy Thủy điện Lai Châu đã chính thức phát điện, hòa vào lưới điện quốc gia. Cùng với việc Tổ máy số 1 phát điện vào ngày 14/2/2015 và Tổ máy số 2 phát điện ngày 20/6/2016, Nhà máy Thủy điện Lai Châu đã mang thêm nguồn năng lượng sạch, bổ sung kịp thời cho nhu cầu điện của đất nước.
Việc đưa Nhà máy Thủy điện Lai Châu vào vận hành sớm 1 năm mang lại nhiều hiệu quả to lớn cho đất nước và cho ngành điện.
Nhà máy Thủy điện Lai Châu sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 4,7 tỷ kWh/năm. Ảnh: Đức Thanh
Theo tính toán, công trình Thủy điện Lai Châu hoàn thành sớm 1 năm sẽ giúp cung cấp thêm khoảng 4,7 tỷ kWh cho hệ thống điện quốc gia. Sản lượng này nhân với giá thành điện cùng với nhiều chi phí tiết kiệm khác, do rút ngắn thời gian thi công, sẽ mang lại giá trị làm lợi cho đất nước khoảng 7.000 tỷ đồng.
So với quy mô vốn đầu tư Dự án Thủy điện Lai Châu khoảng 35.700 tỷ đồng, càng thấy rõ hơn lợi ích của công trình này mang lại khi vào vận hành sớm 1 năm so với tiến độ được phê duyệt.
Nhà máy Thủy điện Lai Châu được khởi công vào ngày 5/1/2011 với quy mô 3 tổ máy có tổng công suất thiết kế 1.200 MW. Nhà máy khi vận hành toàn bộ, sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 4,7 tỷ kWh/năm. Đây cũng là 1 trong 4 dự án thủy điện trên hệ thống sông Đà và là dự án thủy điện cuối cùng trong quy hoạch trên dòng sông này.
Xét về quy mô, Thủy điện Lai Châu là công trình thủy điện lớn thứ ba tại Đông Nam Á, chỉ sau Nhà máy Thủy điện Sơn La (2.400 MW) và Nhà máy Thủy điện Hòa Bình (1.920 MW). Cùng với Thủy điện Hòa Bình và Thủy điện Sơn La, công trình thủy điện Lai Châu đi vào hoạt động giúp nâng tổng công suất các nhà máy thủy điện trên sông Đà đạt 6.500 MW, cung cấp khoảng 25 tỷ kWh điện mỗi năm.
Để tiến độ công trình Nhà máy Thủy điện Lai Châu về đích sớm hơn kế hoạch 1 năm, không thể thiếu nỗ lực của địa phương trong công tác di dân tái định cư.
Với nhiệm vụ thực hiện bồi thường, tổ chức di chuyển các hộ dân tái định cư thuộc vùng ngập của lòng hồ thủy điện có khối lượng công việc rất lớn, yêu cầu tiến độ khẩn trương, phạm vi giải phóng lòng hồ rộng, lại nằm trên địa bàn 2 huyện thuộc diện đặc biệt khó khăn là Nậm Nhùn và Mường Tè, người dân tái định cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số đã sinh sống lâu đời tại khu vực ven sông Đà, Tỉnh ủy Lai Châu đã ban hành Nghị quyết lãnh đạo công tác di dân, tái định cư.
Kinh nghiệm di chuyển hơn 3.600 hộ tái định cư của Dự án Thủy điện Sơn La trước đó cũng được tỉnh Lai Châu vận dụng để triển khai đồng bộ công tác bồi thường, di dân tái định cư Dự án Thủy điện Lai Châu và đã hoàn thành di chuyển ra khỏi vùng ngập lòng hồ thủy điện Lai Châu đúng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo cho việc tích nước hồ thủy điện Lai Châu.
Trước khi Tổ máy số 1 đi vào vận hành, tỉnh Lai Châu đã cơ bản hoàn thành 8 khu, 17 điểm tái định cư tập trung để bố trí tái định cư cho gần 2.000 hộ/8.400 nhân khẩu.
Các chính sách về bồi thường, hỗ trợ tái định cư được thực hiện đầy đủ; cuộc sống của người dân tái định cư tại nơi ở mới được các đoàn giám sát của Quối hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đánh giá cao, đời sống vất chất, tỉnh thần của nhân dân sau tái định cư ngày một ổn định và từng bước được nâng lên.
Việc di chuyển các hộ dân ra khỏi vùng ngập lòng hồ đúng theo các mốc tiến độ, góp phần quan trọng, quyết định thành công cho việc khởi công công trình ngăn sông đợt 1, phát điện Tổ máy số 1 và sắp tới là khánh thành toàn bộ công trình vào cuối năm 2016.
Ông Phạm Hồng Phương, Giám đốc Ban quản lý dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La cho hay, Dự án Thủy điện Lai Châu là dự án trọng điểm quốc gia nên được sự quan tâm của Ban chỉ đạo Nhà nước về Dự án Nhà máy thủy điện Sơn La - Lai Châu, các bộ, ngành và đặc biệt là EVN, nên dự án có điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai.
“Toàn bộ lực lượng tham gia thi công trên công trường, từ Ban quản lý Dự án, đơn vị tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công đều được đã được “tôi luyện” qua việc thực hiện công trình Thủy điện Sơn La. Vì thế, những bài học kinh nghiệm, những phương án thi công tối ưu nhất đều được ứng dụng trong xây dựng Thủy điện Lai Châu.
Bên cạnh đó, sự nỗ lực cố gắng của các nhà thầu tham gia xây dựng trên công trường, vượt qua những khó khăn về thời tiết khắc nghiệt ở vùng Tây Bắc, cùng sự phối hợp chặt chẽ với tinh thần cao nhất để hoàn thành mục tiêu của nhà máy và vượt tiến độ đề ra.
Đồng thời, sự vào cuộc tích cực và quyết liệt của chính quyền địa phương tỉnh Lai Châu, cũng như sự ủng hộ của nhân dân các dân tộc trong tỉnh khi đã nhanh chóng di dời đến nơi ở mới, nhường đất cho thủy điện. Tất cả các yếu tố đó đã giúp công trình vượt tiến độ so với kế hoạch”, ông Phương nói.
Ý kiến bạn đọc