“Số phận” TPP ảnh hưởng như thế nào tới Việt Nam?

Thứ ba - 22/11/2016 03:11 643 0
Theo các chuyên gia kinh tế, dù Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có được thông qua hay không thì Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục quá trình cải cách để cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư và thực thi cũng như tiếp tục đàm phán các hiệp định khác.
Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục quá trình cải cách để cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư và thực thi cũng như tiếp tục đàm phán các hiệp định khác
Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục quá trình cải cách để cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư và thực thi cũng như tiếp tục đàm phán các hiệp định khác

Khó khăn nào Việt Nam phải đối mặt?

Một vấn đề đang được quan tâm trong bối cảnh ông Donald Trump vừa đắc cử Tổng thống Mỹ đó là việc TPP có được thông qua hay không.

Tờ Wall Street Journal hôm 10/11/2016 dẫn lời các trợ lý trong chiến dịch tranh cử của ông D.Trump cho biết, trong 100 ngày đầu tiên kể từ sau nhậm chức, chính quyền của Tổng thống đắc cử sẽ xem xét lại Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và rút việc thông qua TPP.

Cũng trong ngày 10/11, Hạ viện Nhật Bản đã thông qua Hiệp định TPP, bất chấp triển vọng phê chuẩn TPP tại Mỹ giảm dần sau chiến thắng của ông Donald Trump. Sau khi được chấp thuận tại Hạ viện, TPP sẽ tự động có hiệu lực sau 30 ngày, kể cả nếu Thượng viện không bỏ phiếu thông qua.

Vậy, nếu TPP không được thông qua có ảnh hưởng ra sao tới tiến trình hội nhập của ViệtNam?

Trả lời phóng viên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, đối với Việt Nam, cần lưu ý những khó khăn sẽ xảy ra, như: việc thâm nhập thị trường Hoa Kỳ trong thời gian tới, bởi xu hướng của ông Trump không những không thông qua TPP, mà có vẻ sẽ siết chặt lại việc nhập khẩu từ bên ngoài hoặc yêu cầu các công ty Mỹ trở lại sản xuất ở trong nước chứ không đưa ra đặt hàng ở bên ngoài. Như vậy, nhập khẩu từ các nước như Việt Nam sẽ bị hạn chế đi, đặc biệt là ở các ngành, như: may mặc, giày dép...

Trên thực tế, trong thời gian qua, đầu tư vào lĩnh vực dệt may tại Việt Nam (kể cả của doanh nghiệp nước ngoài cũng như doanh nghiệp trong nước) tăng nhanh khi các nhà đầu tư kỳ vọng vào cơ hội mà TPP đem lại cho lĩnh vực này. Theo đó, nếu TPP bị trì hoãn hoặc thậm chí không được thông qua thì việc này sẽ ảnh hưởng đến tinh thần của không ít nhà đầu tư tại Việt Nam.

Điển hình như về tình hình đầu tư vào ngành dệt nhuộm, dẫn lời ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA) trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, từ năm 2000 đến cuối năm 2013, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong ngành dệt may của Việt Nam chỉ đạt 8,2 tỷ USD, trong đó 5 tỷ USD là đầu tư vào sản xuất hàng may mặc và 2 tỷ USD vào sản xuất kéo sợi.

Tuy nhiên, chỉ trong hai năm, từ năm 2014 đến cuối 2015, có đến 5,8 tỷ USD vốn FDI đăng ký đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam, trong đó 3,3 tỷ USD là đầu tư vào sản xuất vải. Các đầu tư này chủ yếu đến từ các công ty Hong Kong, Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc.

 

Trong khi đó, với góc nhìn rộng hơn, dẫn lời TS. Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) trên Báo điện tử VietnamNet cho biết, khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống thì có thể tăng cường thêm chủ nghĩa bảo hộ, tức là sẽ chỉ đạo cho các cơ quan như Bộ Thương mại Mỹ gia tăng chống bán phá giá hơn nữa, tăng cường việc xây dựng các hàng rào kỹ thuật hơn nữa, gây khó khăn cho Việt Nam. Như vậy, việc ông Trump trúng cử sẽ gây ra 2 ảnh hưởng tới Việt Nam, một là TPP khó được thông qua, hai là hàng rào bảo hộ của Mỹ có thể sẽ tăng lên.

Cũng cảnh báo những khó khăn mà Việt Nam phải đối mặt khi TPP không được thông qua, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính sách (VEPR), Việt Nam có thể sẽ đối đầu với những yêu cầu về cải cách, chất lượng thương mại, đầu tư nhiều hơn, cao hơn.

Việt Nam vẫn cần tiếp tục cải cách môi trường kinh doanh

Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rằng, tiến trình hội nhập và những cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục diễn ra nếu không có TPP.

Trên diễn đàn Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "Chúng ta còn nhiều hiệp ước kinh tế khác, đảm bảo quá trình hội nhập kinh tế thế giới. Không tham gia TPP hay có tham gia TPP, thì chúng ta vẫn tiếp tục hội nhập sâu rộng với quốc tế”.

Trả lời vấn đề này trên Báo điện tử Chính phủ bên lề Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Việt Nam có quan điểm, chính sách nhất quán trong việc hội nhập chủ động, sâu rộng với thế giới.

Nếu TPP tiếp tục triển khai thuận lợi thì chắc chắn cơ hội cho nền kinh tế chúng ta, các ngành kinh tế có lợi thế cạnh tranh, như: dệt may, thủy sản, da giày sẽ có điều kiện thuận lợi…

Nhưng nếu không thì chúng ta vẫn có các thị trường trên thế giới, các ngành kinh tế này vẫn có sự cạnh tranh.

TPP chỉ là một trong những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia. Bên cạnh TPP, Việt Nam có rất nhiều hiệp định khác đã và đang được ký kết. 

Theo người đứng đầu ngành Công Thương, còn rất sớm để đoán định tương lai của TPP, nhưng cho dù trong trường hợp nào, Việt Nam cũng luôn sẵn sàng vì hội nhập, không chỉ phụ thuộc vào TPP mà nó là yêu cầu, đồng thời là động lực thúc đẩy sự phát triển.

Tại hội nghị Kinh tế đối ngoại Việt Nam năm 2016 diễn ra ngày 03/11/2016, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng khẳng định, Việt Nam quyết định tham gia thương lượng và ký kết Hiệp định TPP với mong muốn thúc đẩy tự do hóa thương mại giữa các nước trong khu vực Thái Bình Dương, mở ra cơ hội cho kinh tế Việt Nam cũng như các nền kinh tế thành viên TPP.

Phó Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn các nước, trong đó có Hoa Kỳ, sẽ sớm phê chuẩn TPP, đồng thời khẳng định Việt Nam đang trong quá trình xem xét phê chuẩn Hiệp định này.

Nếu được thông qua, Hiệp định sẽ mang lại lợi ích chung cho các nước thành viên, chứ không chỉ riêng Việt Nam. Còn nếu không được thông qua, với Việt Nam, mặc dù có thiệt hại bởi bỏ ra nhiều công sức, nhưng nước ta vẫn còn có các hiệp định thương mại khác (FTA) với các đối tác khác, như: Liên minh châu Âu (EU), Liên minh Kinh tế Á – Âu… ViệtNam cũng đang cùng với các nước ASEAN thảo luận hiệp định RCEP. Trong APEC cũng đang khởi động đàm phán FTA khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Cũng tại Hội nghị Kinh tế đối ngoại Việt Nam năm 2016, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, đến nay Việt Nam có 10 FTA đã đi vào hiệu lực, có một FTA đã ký nhưng chưa có hiệu lực và đang đàm phán các FTA khác nữa. TPP chiếm đến 40% kinh tế toàn cầu, nên khi có hiệu lực, hiệp định này sẽ mở ra nhiều cơ hội tích cực cho Việt Nam cũng như các thành viên khác.

Tuy nhiên, TPP mang tính dài hạn, mặc dù tất cả các nước mong đợi sớm hoàn tất TPP, nhưng nếu hiệp định này chưa được phê chuẩn cũng sẽ không làm thay đổi chính sách kinh tế hội nhập của Việt Nam.

Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng, TPP chỉ là một kênh hội nhập quốc tế, chứ không phải là kênh duy nhất. Vì vậy, khả năng hội nhập quốc tế của Việt Nam đối với các kênh khác vẫn còn.

Riêng đối với Hoa Kỳ, nếu không có TPP thì quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ cũng còn những nền tảng khác, như: Hiệp định thương mại song phương BTA và những cam kết thông qua WTO.

Bà Lan cũng lưu ý, trong giai đoạn hiện nay, nếu Việt Nam không thúc đẩy mạnh công cuộc cải cách của mình thông qua những chương trình, như: tái cơ cấu nền kinh tế đổi mới mô hình tăng trưởng, cam kết cải cách mạnh doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng… thì Việt Nam sẽ không thể nào phát triển lên được.

TS. Lê Quốc Phương cũng cho rằng: “Giả sử TPP không thành công thì những sự đầu tư để đón đầu TPP cũng là tạo điều kiện cho công nghiệp hỗ trợ phát triển, nâng cao giá trị hàng xuất khẩu”.

Nhìn TPP dưới góc độ địa chính trị, TS. Nguyễn Đức Thành đánh giá: Bản thân TPP là sợi dây kết nối giữa Mỹ và Việt Nam cũng như các nước khác. Bản thân kết nối ấy cũng quan trọng với Mỹ, nó như một mạng lưới giăng ra cân bằng sức mạnh với Trung Quốc ở khu vực châu Á Thái Bình Dương. Cho nên nếu không có TPP sẽ có một thứ khác tương tự như TPP, thậm chí còn có thể còn mạnh mẽ hơn để đối chọi lại thế cân bằng./.

 

Tác giả: Lê Vân

Nguồn tin: kinhtevadubao.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

128/QĐ-SKHĐT

Quyết định ban hành Quy chế thực hiện dân chủ của Sở Kế hoạch và Đầu tư

Thời gian đăng: 25/01/2024

lượt xem: 662 | lượt tải:3201

105/QĐ-SKHĐT

Quyết định Công khai dự toán thu, chi ngân sách năm 2022

Thời gian đăng: 14/02/2023

lượt xem: 768 | lượt tải:333

78/NQ-CP

Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 20 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ chuyên đề về phòng, chống dịch COVID-19.

Thời gian đăng: 26/07/2021

lượt xem: 2500 | lượt tải:281

01/QĐ-SKHĐT

QĐ về việc ban hành Lịch tiếp công dân năm 2021 của Sở Kế hoạch và Đầu tư

Thời gian đăng: 04/08/2021

lượt xem: 2013 | lượt tải:267

114/QĐ-SKHĐT

QĐ công khai dự toán thu, chi NS năm 2021

Thời gian đăng: 22/08/2021

lượt xem: 2219 | lượt tải:262
Đường dây nóng
  • Đang truy cập70
  • Hôm nay18,383
  • Tháng hiện tại331,684
  • Tháng trước:639,542
  • Tổng lượt truy cập15,744,112
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down