Với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, thời gian qua, các tỉnh vùng Tây Bắc đã được Đảng, Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển toàn diện. Nhiều chính sách ưu đãi, cùng lượng vốn lớn của hệ thống ngân hàng đã được “dồn” về đây. Tuy nhiên, Tây Bắc vẫn được coi là vùng "lõi nghèo" của cả nước. Công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống người dân trong vùng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
“Đòn bẩy” thoát nghèo
Vùng Tây Bắc (thuộc phạm vi chỉ đạo trực tiếp của Ban Chỉ đạo Tây Bắc) bao gồm tám tỉnh phía đông bắc, bốn tỉnh phía tây bắc và 21 huyện phía tây của hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An, diện tích tự nhiên 109 nghìn km2 (chiếm khoảng một phần ba diện tích tự nhiên cả nước), số dân hơn 11,6 triệu người thuộc hơn 30 dân tộc. Với vị trí, địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, Tây Bắc thời gian qua đã được Đảng, Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển toàn diện. Cùng nhiều giải pháp khác, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) được coi như một công cụ quan trọng để thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo của cả nước nói chung và vùng Tây Bắc nói riêng. Theo số liệu từ NHCSXH, đến ngày 31-8-2016, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại khu vực Tây Bắc đạt 32.184 tỷ đồng, với hơn 1,2 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang vay vốn. Tỷ lệ nợ quá hạn chiếm 0,25% tổng dư nợ. Nguồn tín dụng chính sách này đã góp phần giúp hơn 318 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm mới cho gần 114 nghìn lao động, góp phần đáng kể đưa tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn 2011-2015 tại vùng Tây Bắc giảm từ 34,58% (cuối năm 2010) xuống còn 14,97% (năm 2015). Đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc đánh giá, để đạt mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ nghèo của Tây Bắc giảm xuống mức trung bình của cả nước, thì chính sách tín dụng sẽ là đòn bẩy nòng cốt, nhưng quan trọng nhất là phải hướng dẫn người dân sử dụng nguồn vốn đúng mục đích.
Ở huyện Thuận Châu (tỉnh Sơn La), gia đình anh Lò Văn Lả, sống tại bản Nà Xa, xã Phổng Lăng nhiều năm liên tục bị cái nghèo đeo bám. Nhờ nguồn lực hỗ trợ quan trọng từ ngân hàng, đến nay, nhà anh đã thoát khỏi cảnh nghèo “như trong mơ”. Anh Lả cho biết, trước đây, mặc dù vợ chồng anh có sức khỏe, với 1.500 m2 ruộng trồng lúa và hơn 1 ha nương rẫy khai hoang, nhưng không có vốn để đầu tư vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Sau khi mạnh dạn đề nghị vay vốn tín dụng ưu đãi vào năm 2007, anh đã được Tổ tiết kiệm và vay vốn họp bình xét cho vay 20 triệu đồng để phát triển chăn nuôi bò sinh sản. Với lưng vốn ban đầu, gia đình anh đã mua được ba con bò, làm chuồng trại, tập trung chăm sóc. Tiếp đó, để nâng cao điều kiện sống và bảo đảm vệ sinh môi trường nông thôn, năm 2014, gia đình anh vay thêm tám triệu đồng từ chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Đến nay, gia đình anh Lả đã hoàn trả hết số nợ vay của ngân hàng và thoát diện hộ nghèo vào năm 2015.
Mong manh ranh giới tái nghèo
Những tấm gương thoát nghèo như anh Lò Văn Lả ở Sơn La chính là động lực, là mục tiêu để công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững trong vùng Tây Bắc được các cơ quan chức năng hướng tới. Tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng giảm nhanh gần 4% mỗi năm, từ hơn 34% năm 2010 xuống còn khoảng 15% năm 2015, là kết quả rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, đây chỉ là tỷ lệ hộ nghèo khi xét theo tiêu chuẩn cũ, còn theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ở khu vực này lại vọt lên ở mức cao nhất nước. Toàn vùng vẫn còn gần 30% là hộ nghèo và hơn 10% là hộ cận nghèo; trong đó nhiều tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 40% như Điện Biên, Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc nhấn mạnh: “Chuẩn nghèo đa chiều mới đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi những cơ chế chính sách mới để tiếp tục thực hiện thành công mục tiêu xóa đói, giảm nghèo”. Nhìn từ thực tiễn, công tác giảm nghèo tại Tây Bắc còn nhiều hạn chế, bất cập, làm cho kết quả giảm nghèo chưa mang tính bền vững, tốc độ giảm nghèo giữa các tỉnh, huyện không đồng đều, nguy cơ tái nghèo còn cao. Chưa kể những điều kiện tự nhiên khắc nghiệt của vùng (như mưa lũ, rét đậm, rét hại, băng tuyết, thiên tai, dịch bệnh,...) thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và hiệu quả sử dụng vốn tín dụng của các hộ vay. Đơn cử, chỉ trong một buổi sáng đầu tháng 8-2016, sau trận lũ quét kinh hoàng, tỉnh Lào Cai đã gánh chịu thiệt hại nặng nề lên tới 500 tỷ đồng; trong đó, ước tính 40% thiệt hại từ những hộ đang vay vốn của NHCSXH. Điều này đồng nghĩa nhiều hộ dân vừa mới thoát nghèo sẽ tái nghèo và cũng sẽ có thêm nhiều đối tượng nghèo mới. Bên cạnh hạn chế chưa đáp ứng được mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, hoạt động chính sách tại vùng Tây Bắc còn gặp nhiều vướng mắc như: nguồn vốn địa phương của các tỉnh trong vùng dành để cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn còn hạn chế; việc phối hợp với hoạt động khuyến nông và tiêu thụ sản phẩm chưa tốt;…
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Lào Cai Hà Văn Bàn cho rằng, để đồng vốn đầu tư cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thật sự có hiệu quả, cần phải kết hợp công tác vay vốn với tập huấn khuyến nông, khuyến lâm, áp dụng khoa học - kỹ thuật cho người vay hiểu biết để áp dụng, đầu tư đúng mục đích, phù hợp thực tế của từng hộ và từng vùng, tạo năng suất và giá trị cao cho cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất, tạo thu nhập. Ông Bàn cũng kiến nghị, Chính phủ nên tăng nguồn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác để đẩy mạnh phát triển sản xuất, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, mở rộng đối tượng được vay vốn chương trình học sinh, sinh viên với hộ không phải hộ nghèo nhưng có hai đến ba con đang theo học đại học. Kiến nghị xem xét nghiên cứu nâng mức cho vay đối với đối tượng thuộc chương trình tín dụng học sinh, sinh viên, Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) Bùi Văn Sơn cũng đề nghị mở rộng đối tượng chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Để giảm nghèo bền vững vùng Tây Bắc, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch ngành, sản phẩm nông nghiệp, phát huy lợi thế từng địa phương, sản xuất theo chuỗi giá trị; hoàn thành việc giao đất, giao rừng gắn với định canh, định cư; xây dựng thương hiệu vùng của một số lĩnh vực, sản phẩm, phát triển các loại hình du lịch đặc thù,… Đồng thời, tập trung ưu tiên nguồn lực xây dựng và nâng cấp hệ thống đường bộ, khai thác tốt các tuyến đường thủy nội địa; xây dựng hệ thống thủy lợi, hạ tầng nước sạch, điện lực, viễn thông; giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa, đào tạo nguồn nhân lực. Phấn đấu hằng năm, toàn vùng giảm bình quân 3 đến 4% số hộ nghèo (theo chuẩn mới), đến năm 2020 có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (khoảng 1.160 xã),…
Ý kiến bạn đọc