Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Chậm tái cơ cấu, nền kinh tế sẽ khó vượt bẫy thu nhập trung bình

Thứ sáu - 04/11/2016 04:24 302 0
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thực sự sốt ruột với các kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế. Ông đã nói, nếu trì hoãn hoặc chậm tái cơ cấu nền kinh tế thì chúng ta sẽ rất khó vượt qua bẫy thu nhập trung bình...
. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Thưa Bộ trưởng, khi góp ý cho Kế hoạch Tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, nhiều quan điểm cho rằng, nhiều mục tiêu đang được đưa ra quá cao cho một giai đoạn ngắn?

Nếu chúng ta không đặt mục tiêu cao, thậm chí là tham vọng thì chúng ta không thể có động lực và sự thúc ép để thực hiện tái cơ cấu nhanh, quyết liệt được.

Vì mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế là để thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Mô hình tăng trưởng trong giai đoạn tới là tăng trưởng dựa trên nâng cao năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế hướng tới phát triển nhanh, bền vững. Để đạt được, năng suất lao động trong 5 năm tới sẽ phải tăng 5,5%/năm; hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (hệ số ICOR) dự kiến khoảng 5-5,5; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế dự kiến gia tăng lên mức 32-35%.

Đặc biệt, về năng lực cạnh tranh, Kế hoạch Tái cơ cấu nền kinh tế đặt mục tiêu đưa Việt Nam nằm trong nhóm 4 hoặc 5 nước đứng đầu ASEAN về năng lực cạnh tranh, nằm trong nhóm 3 hoặc 4 nước đứng đầu ASEAN về môi trường kinh doanh trong giai đoạn 2016-2020...

Cũng phải nói rõ, Kế hoạch Tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 là bước tiếp nối và cụ thể hóa nhằm thực hiện Đề án Tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020 một cách nhanh hơn, hiệu quả hơn, thiết thực hơn, có trọng tâm, trọng điểm.Không dễ đạt được các chỉ tiêu này, nhưng nếu chúng ta không có nhận thức đúng, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm có ý nghĩa sống còn để hành động quyết liệt hoặc nếu làm chậm quá trình tái cơ cấu nền kinh tế thì chúng ta sẽ rất khó vượt qua được bẫy thu nhập trung bình; ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; tận dụng cơ hội của hội nhập quốc tế; và nhất là thu hẹp khoảng cách phát triển với thế giới, trong khi chúng ta đang tụt hậu xa hơn so với thế giới và khu vực...

Về thực chất, nội dung của Kế hoạch chính là các giải pháp để thực hiện Đề án tổng thể trên.

Vậy còn những câu hỏi xung quanh nguồn lực thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế thì sao?

Tôi muốn nhấn mạnh, nguồn lực dự kiến thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế không phải là nguồn lực riêng, mà đặt trong khuôn khổ tổng thể nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020.

Mức dự kiến 10,5 triệu tỷ đồng mà Kế hoạch Tái cơ cấu nhắc tới chính là mục tiêu cần đạt được để tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5-7%, với hệ số ICOR dự kiến là 5-5,5. Đặt mục tiêu phấn đấu 10,5 triệu tỷ đồng là để quyết tâm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế mạnh mẽ, quyết liệt hơn.

Nhưng cũng phải nói rõ, thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế nếu chỉ dựa vào số lượng nguồn lực là chưa đủ, mà điều quan trọng là phải sử dụng hiệu quả nguồn lực, trước hết là nguồn lực của Nhà nước.

Huy động thêm nguồn lực là cần thiết, nhưng mục tiêu của Kế hoạch là không quá tập trung vào việc làm thế nào để huy động thêm nhiều nguồn lực hơn, mà cần tập trung vào các giải pháp tái cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, trước hết là hiệu quả đầu tư. Từ đó, sẽ tạo ra sức lan tỏa cũng như niềm tin để khu vực tư nhân, khu vực FDI tự tham gia, mở rộng đầu tư, làm cho tổng vốn đầu tư tăng lên.

Nếu chúng ta làm tốt tái cơ cấu, thì tổng vốn đầu tư toàn xã hội có thể còn tăng cao hơn mục tiêu chúng ta đặt ra. Nếu làm không tốt tái cơ cấu kinh tế, thì thậm chí mục tiêu 9 triệu tỷ đồng cũng khó đạt được.

Thưa Bộ trưởng, nhìn nhận giai đoạn tái cơ cấu nền kinh tế vừa qua, cũng không thể né tránh rằng, nhiều mục tiêu chưa đạt được không phải quá cao, mà là do thực hiện chưa tốt?

Yếu kém trong tổ chức thực hiện thậm chí được xác định rõ là nguyên nhân trực tiếp làm cho tái cơ cấu nền kinh tế tiến hành chậm, không đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra.

Vì vậy, kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế lần này tập trung, quan tâm nhiều hơn đến khâu tổ chức thực hiện với một số điểm đáng lưu ý. Một là, kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên với mục tiêu, giải pháp chính sách cụ thể, bố trí nguồn lực thích hợp. Hai là, yêu cầu các bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương phải coi tái cơ cấu kinh tế trên phạm vi ngành, lĩnh vực và địa phương là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, Chính phủ cần có bộ phận chuyên trách, chỉ đạo tập trung và liên tục đối với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế; sẽ theo dõi, đánh giá tình hình và kết quả tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và tái cơ cấu trên phạm vi ngành, lĩnh vực và địa phương nói riêng; định kỳ hàng năm báo cáo Quốc hội...

Bên cạnh những yếu kém trong thực hiện, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đang đối mặt với không ít rào cản, thách thức.

Những giải pháp quyết liệt có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của một số bộ, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan. Do đó, nguy cơ bị trì hoãn hoặc thực hiện không nhất quán, không quyết liệt, không thực chất là rất lớn, làm chậm quá trình tái cơ cấu kinh tế nói chung.

Ngoài ra, cần có một khung khổ pháp lý phù hợp hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu kinh tế. Vì vậy, một số luật và văn bản pháp luật khác phải được bổ sung, sửa đổi phù hợp và kịp thời. Đây là công việc không dễ, bởi nó đòi hỏi phải đổi mới tư duy, phải có sự đồng thuận cao và phải thực hiện nhanh trong thời gian ngắn.

Để làm được, đòi hỏi lãnh đạo của các ngành, các cấp cần vượt qua được chính mình, vượt qua được tư duy nhiệm kỳ, thiếu khát vọng, e ngại khó khăn, không dám đối mặt với khó khăn để tận dụng cơ hội, thậm chí biến khó khăn, thách thức thành cơ hội để đạt mục tiêu cao hơn; vượt qua lợi ích cục bộ của ngành, địa phương để hướng tới sự liên kết chặt chẽ giữa các ngành, giữa các địa phương một cách hiệu quả hơn, tránh bị cát cứ, chia cắt. Có vậy, mới thực hiện thành công tái cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Tác giả: Bảo Phương

Nguồn tin: baodautu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

128/QĐ-SKHĐT

Quyết định ban hành Quy chế thực hiện dân chủ của Sở Kế hoạch và Đầu tư

Thời gian đăng: 25/01/2024

lượt xem: 737 | lượt tải:3611

105/QĐ-SKHĐT

Quyết định Công khai dự toán thu, chi ngân sách năm 2022

Thời gian đăng: 14/02/2023

lượt xem: 838 | lượt tải:347

78/NQ-CP

Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 20 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ chuyên đề về phòng, chống dịch COVID-19.

Thời gian đăng: 26/07/2021

lượt xem: 2650 | lượt tải:290

01/QĐ-SKHĐT

QĐ về việc ban hành Lịch tiếp công dân năm 2021 của Sở Kế hoạch và Đầu tư

Thời gian đăng: 04/08/2021

lượt xem: 2092 | lượt tải:275

114/QĐ-SKHĐT

QĐ công khai dự toán thu, chi NS năm 2021

Thời gian đăng: 22/08/2021

lượt xem: 2255 | lượt tải:265
Đường dây nóng
  • Đang truy cập86
  • Hôm nay14,627
  • Tháng hiện tại322,363
  • Tháng trước:580,744
  • Tổng lượt truy cập16,315,535
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down