Để Việt Nam có 1 triệu DN hoạt động năm 2020

Thứ sáu - 14/10/2016 04:15 239 0
Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. Bối cảnh ấy được ví von như Nhà nước đang chỉ huy trận đánh kinh tế, nhưng buồn một nỗi là với trên dưới 500.000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động như hiện nay, trận đánh ấy như “có tướng, mà không có quân”. Đã vậy, dù quân số không đủ, song chất lượng “lính” cũng không hề tinh nhuệ, mà lại rơi rụng dần, hoạt động bấp bênh.
Để Việt Nam có 1 triệu DN hoạt động năm 2020

Do đó, mục tiêu phải có được ít nhất 1 triệu DN hoạt động hiệu quả vào năm 2020 theo Nghị quyết số 35/NQ-CP, ngày 16/05/2016 là không dễ, nếu không có sự quyết tâm đủ lớn, cộng với sự ủng hộ tổng lực của các cấp bộ, ngành, địa phương để tạo lập một môi trường kinh doanh tốt, khơi dậy được cuộc “cách mạng khởi nghiệp” tại Việt Nam.

“Đội quân” doanh nghiệpViệt Nam hiện thế nào?

Theo Báo cáo thường niên DN 2015 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong giai đoạn 2007-2015, cả nước đã có gần 692.000 DN thành lập mới, nâng tổng số DN đã đăng ký lên khoảng 941.000 DN. Tính đến hết ngày 31/12/2015, Việt Nam có khoảng gần 513.000 DN đang hoạt động. Tỷ lệ DN so với dân số Việt Nam (trên 90 triệu dân) là quá thấp so với các nước, như: Mỹ, Đài Loan, Thái Lan, Israel, Nhật Bản (xem Bảng). Nếu đạt mức trung bình của thế giới, thì với tổng số trên 90 triệu dân, Việt Nam cần phải có 2 triệu DN hoạt động. Như vậy, số DN Việt Nam mới đạt 1/4 so với yêu cầu của mức trung bình.

Bảng: Bảng thống kê dân số và các DN tại các quốc gia trên thế giới

Đơn vị tính: Triệu dân/DN

STT

Quốc gia

Dân số (triệu dân)

Nguồn trích dẫn

Số lượng DN

Số lượng DN đang

hoạt động

Nguồn trích dẫn

Tỷ lệ %

DN đang hoạt động/dân số

1

Mỹ

319

Wikipedia

(2013)

27,0

10,0

American Enterprise Institute

3,1%

2

Đài Loan

23,2

Wikipedia

(2011)

10,0

2,0

Ministry of Economy Affairs, Republic of China

8,6%

3

Thái Lan

60,0

Wikipedia

(2013)

 

3,0

Wikipedia

 

5,0%

4

Israel

8,1

Wikipedia

(2013)

0,7

0,45

FinFacts Business News

5,6%

5

Nhật

127,0

Wikipedia

(2013)

15,0

2,5

Wikipedia

 

2,0%

Nguồn: Sách Báo cáo Thường niên DN Việt Nam 2015, trang 21

Không chỉ thiếu về số lượng, chất lượng hoạt động của các DN cũng đang rất yếu và đang rơi rụng dần. Tính đến ngày 31/12/2015, Việt Nam khoảng 428 nghìn DN ngừng hoạt động hoặc giải thể (chiếm 45,5%), trong đó số DN đã giải thể là khoảng 117.000 DN (chiếm 12,5%).

Điều đáng nói là tình trạng ngừng hoạt động, hoặc giải thể của DN chưa có dấu hiệu ngừng lại. Theo báo cáo của Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số DN tạm ngừng hoạt động, trong 9 tháng đầu năm 2016 có 16.294 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 31,0% so với cùng kỳ năm trước và có 28.803 DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước. Thống kê cho thấy, số lượng DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể phần lớn là những DN có quy mô vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng chiếm 92,6% trên tổng số DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể. Về số DN giải thể, trong 9 tháng đầu năm 2016 của cả nước là 8.365 DN, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước .

Các báo cáo thường niên DN của VCCI trong 3 năm liên tiếp từ 2013-2015) đều đưa ra nhận định: DN Việt Nam "không chịu lớn" với số DN có quy mô nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ, nhỏ li ti tăng lên nhanh và số DN có quy mô lớn ít đi. Hoặc DN đã lớn, nhưng kinh doanh khó khăn, thu hẹp lại quy mô hoạt động. Lao động bình quân trong DN đã giảm từ 49 lao động năm 2007 xuống chỉ còn 29 lao động năm 2015.

Hiệu quả hoạt động của DN cũng cho thấy bức tranh không mấy lạc quan. Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2016, ngày 29/4/2016, Chủ tịch VCCI, TS. Vũ Tiến Lộc chỉ ra rằng: “Trong số các DN đang hoạt động ở thời điểm cuối năm 2015, 42% DN hoạt động có lãi, hơn một nửa (58%) DN thua lỗ hoặc hòa vốn. Con số 42% này, mặc dù được cải thiện so với mức 32% và 35% của những năm trước, nhưng việc chỉ có chưa đầy một nửa số DN kinh doanh có lãi trong một nền kinh tế là điều không bình thường. Điều này cho thấy, hiệu quả kinh doanh của các DN còn thấp và môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều khó khăn”.

Để hoàn thành mục tiêu có ít nhất 1 triệu DN năm 2020

Trong Nghị quyết số 35/NQ-CP, ngày 16/05/2016 về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, Chính phủ đặt mục tiêu cả nước có ít nhất 1 triệu DN hoạt động (bào gồm cả các DN quy mô lớn, nguồn lực mạnh). Khu vực tư nhân đóng góp khoảng 48%-49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp khoảng 30%-35% GDP. Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5%/năm. Hằng năm, có khoảng 30%-35% DN có hoạt động đổi mới sáng tạo.

Hiện tại, Thủ tướng đã ký ban hành Quyết định 844/QĐ-TTg, ngày 18/05/2016 phê duyệt Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025". Theo đó, Việt Nam sẽ hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp, thiết lập Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, hỗ trợ được 800 dự án, 200 DN khởi nghiệp. Trong đó, 50 DN gọi được vốn thành công từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng. Đến năm 2025, hỗ trợ 2.000 dự án, 600 DN khởi nghiệp, 100 DN gọi vốn thành công; thực hiện mua bán, sáp nhập với tổng giá trị ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng.

Để hiện thực hóa mục tiêu đó, hai định hướng chính sách lớn của chương trình là bảo toàn lực lượng DN có tiềm năng cạnh tranh hiện có, đồng thời khuyến khích thúc đẩy phát triển thêm nhiều DN mới, hướng tới mục tiêu đất nước ta có được ít nhất 1 triệu DN hoạt động có hiệu quả vào năm 2020.

Về phía Nhà nước:         

Thứ nhất, phải xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi, ổn định và an toàn, giảm tối đa chi phí và giảm thiểu rủi ro cho DN, đổi mới tư duy toàn diện bộ máy hành chính ở Trung ương và địa phương để nhất quán nhận thức đúng và thực hiện đầy đủ tinh thần chính quyền phục vụ dân và DN, để không lặp lại vụ việc không thể chấp nhận được trong một nhà nước pháp quyền như trường hợp quán cà phê “Xin chào”. Theo đó, cần:

- Phải có những giải pháp chính sách và hành chính quyết liệt để giảm mạnh rủi ro và chi phí, đặc biệt là chi phí không chính thức để bảo đảm an toàn và “khoan sức” được cho DN. Thời gian tới Chính phủ cần đẩy mạnh cải cách bộ máy hành chính để cắt giảm chi tiêu, tuyệt đối tránh tình trạng tận thu để bảo đảm tăng chi. Thay vào đó, một số chính sách miễn giảm, hoãn, giãn thuế hợp lý cho DN nên được tiếp tục duy trì để phục hồi và phát triển DN, nuôi dưỡng nguồn thu sau này.

- Cần tiến hành ngay việc tổng rà xét các quy định pháp luật về kinh doanh, các điều kiện kinh doanh và giấy phép kinh doanh đang còn hiệu lực. Kiên quyết loại bỏ những quy định, điều kiện và giấy phép kinh doanh không còn phù hợp đang cản trở quyền tự do kinh doanh của người dân và đang làm tăng rủi ro và chi phí cả chính thức và không chính thức cho DN.

- Cần tạo môi trường kinh doanh bảo đảm bình đẳng cho các DN thuộc mọi thành phần kinh tế. Trước mắt, cần xóa bỏ chế độ chủ quản của các bộ, ngành và chính quyền địa phương đối với các DN nhà nước. Việc xóa bỏ chế độ chủ quản sẽ bảo đảm tập trung được nguồn lực của các bộ, ngành vào làm thể chế, chính sách và kiến tạo phát triển, đồng thời giải phóng được DN nhà nước ra khỏi sự can thiệp sự vụ của các bộ, ngành vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện để DN nhà nước năng động hơn và sáng tạo hơn.

- Hoàn thiện và sớm ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, Dự thảo Luật này sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2, tháng 10/2016. Theo ban soạn thảo, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được soạn thảo nhằm hoàn thiện khung pháp lý cho việc tập trung các nguồn lực hỗ trợ phát triền khu vực DN nhỏ và vừa, thúc đẩy khu vực này phát triển, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Đồng thời, Luật sẽ tạo cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy doanh nghiệp sáng tạo, liên kết theo chuỗi giá trị và cụm liên kết có giá trị gia tăng cao; qua đó thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng theo chất lượng, bảo đảm tính hiệu quả và bền vững.

Ngoài việc xác định các biện pháp hỗ trợ căn bản, như: hỗ trợ tài chính, hỗ trợ khởi nghiệp, thông tin và tư vấn, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ mặt bằng, nâng cao trình độ công nghệ, trình độ kỹ thuật, hỗ trợ xúc tiến mở rộng thị trường, hỗ trợ mặt bằng sản xuất, kinh doanh, dự thảo Luật sẽ xây dựng các chương trình, mục tiêu trọng điểm để hỗ trợ các DN nhỏ và vừa tiềm năng trong nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển của Nhà nước. Với những điểm nổi bật trên, dự thảo này nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng doanh nghiệp và họ mong muốn Luật được thông qua, để các DN này có cơ sở pháp lý nhận được sự hỗ trợ nhằm phát triển trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay.

- Tất cả các cơ quan hành chính cần tạo điều kiện thuận lợi trên trang web, điện thoại đường dây nóng của lãnh đạo để người dân, DN phản ánh tiêu cực. Nếu phát hiện có vi phạm cần xử lý ngay và nghiêm minh, đúng pháp luật để làm gương, giữ niềm tin của người dân vào pháp luật.

- Ngân hàng Nhà nước cần điều chỉnh cơ cấu tín dụng, song không phải bằng biện pháp hành chính, mà sử dụng các công cụ điều hành chính sách tiền tệ. Theo đó, điều chỉnh cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung ưu tiên cho sản xuất, kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa, DN ứng dụng công nghệ cao..., giảm bớt tín dụng cho khu vực DN nhà nước. Muốn làm được điều này, ngân hàng phải thay đổi căn bản cách thức cho vay; tiến hành cho vay chủ yếu theo quản lý dòng tiền, hình thức thế chấp chỉ là phụ.

Thứ hai, Việt Nam cần một cuộc cách mạng khởi nghiệp để sớm trở thành một quốc gia khởi nghiệp. Để tạo điều kiện cho các DN khởi nghiệp phát triển, vấn đề quan trọng hiện nay là xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách và tổ chức thực hiện thể chế chính sách về khởi nghiệp và hỗ trợ phát triển DN. Từ đó, sẽ xây dựng chương trình truyền thông về khởi nghiệp; xây dựng phong trào khởi nghiệp quốc gia từ khởi nghiệp của từng cá nhân, khởi nghiệp của những DN nhỏ, khởi nghiệp của những tập đoàn, tổng công ty, để từ đó chúng ta xây dựng một quốc gia khởi nghiệp. 

Chính phủ cần sớm hoàn thiện và ban hành Thông tư về Quỹ Đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo. Việc ban hành thông tư này sẽ tháo gỡ vướng mắc trong phương thức đầu tư cho nhà đầu tư mạo hiểm nước ngoài, giúp họ có thể dễ dàng sở hữu cổ phần trực tiếp tại các Startup. Việc được “chính danh” sẽ giúp họ có cam kết lâu dài hơn và tham gia quản trị DN hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, cần lưu ý, trong thực tế đã có rất nhiều các DN startup thất bại. Do đó, khởi nghiệp thực sự là một lộ trình dài hơi đòi hỏi các bên tham gia chuẩn bị kỹ càng về kiến thức, kỹ năng, kiên trì và theo đuổi đến cùng với mục tiêu rõ ràng.

Nước ta hiện có gần 5 triệu hộ kinh doanh phi nông nghiệp, trong đó có gần 2 triệu hộ kinh doanh có đăng ký. Đó là lực lượng tiềm năng của đội ngũ DN trong tương lai gần. Nếu có chính sách khuyến khích họ chuyển sang mô hình tổ chức DN, thì mục tiêu có được 1,5-2 triệu DN trước năm 2020 là trong tầm tay.

Thứ ba, cần các chính sách hỗ trợ năng lực canh tranh của DN. Cần có chính sách thúc đẩy tăng cường kết nối DN, thực hiện chính sách hỗ trợ theo chuỗi liên kết vùng, ngành, cụm công nghiệp, hỗ trợ DN nhỏ thuê đất trong các khu công nghiệp còn chưa lấp đầy. Chú trọng thúc đẩy kết nối khu vực DN nhỏ và vừa Việt Nam với DN nhỏ và vừa của nước ngoài, để DN Việt Nam tham gia được vào các chuỗi giá trị toàn cầu; khuyến khích kết nối khu vực DN trong nước với các FDI, chứ không chỉ tập trung nỗ lực vận động thu hút đầu tư FDI như hiện nay; ban hành và thực hiện các chính sách khuyến khích hoạt động mua bán, sáp nhập, tích tụ và tập trung DN quy mô lớn, hình thành mô hình sản xuất lớn, phát triển các công ty cổ phần đại chúng.

Về phía DN:

- Cần tự hoàn thiện, nâng cao năng lực quản trị DN theo hướng hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh; hoàn thiện hệ thống kế toán theo hướng minh bạch, rõ ràng, tiến tới việc thực hiện chế độ kiểm toán độc lập báo cáo tài chính hàng năm; đầu tư đổi mới công nghệ; nâng cao trình độ quản lý, đào tạo nâng cao tay nghề của công nhân để tăng năng suất lao động, khả năng cạnh tranh của sản phẩm và hiệu quả của DN.

- Tăng cường liên kết, hợp tác giữa các DN. Hợp tác sản xuất các sản phẩm có liên hệ hỗ trợ hay thay thế, cung cấp nguyên liệu, thị trường tiêu thụ, khai thác sử dụng thương hiệu (nhượng quyền thương mại), góp vốn kinh doanh... Chủ động hợp tác với DN lớn trong nước và nước ngoài để tranh thủ vốn, công nghệ, thị trường; liên kết để tham gia vào chuỗi cung ứng hay mạng sản xuất, tức xác lập vị trí trong chuỗi tạo ra giá trị, kể cả chuỗi giá trị toàn cầu./.

Tài liệu tham khảo

1. Chính phủ (2016). Nghị quyết số 35/NQ-CP, ngày 16/05/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020

2. Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2016). Tình hình đăng ký DN trong tháng 9  và 9 tháng đầu năm 2016

3. VCCI (2014-2016). Báo cáo Thường niên DN Việt Nam các năm từ 2013-2015, Nxb Thông tin và Truyền thông

4. Vũ Tiến Lộc (2016). Bài phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2016, Hà Nội, ngày 29/4/2016

5. Kiều Anh Vũ (2016). Cần khung pháp lý hỗ trợ, làm động lực cho “startup”, truy cập từ http://www.thesaigontimes.vn/147459/Can-khung-phap-ly-ho-tro-lam-dong-luc-cho-startup.html

Tác giả: CEO ĐẶNG ĐỨC THÀNH-Chủ nhiệm Câu lạc bộ các nhà kinh tế TPHCM Ủy viên BCH Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Nguồn tin: kinhtevadubao.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

128/QĐ-SKHĐT

Quyết định ban hành Quy chế thực hiện dân chủ của Sở Kế hoạch và Đầu tư

Thời gian đăng: 25/01/2024

lượt xem: 662 | lượt tải:3201

105/QĐ-SKHĐT

Quyết định Công khai dự toán thu, chi ngân sách năm 2022

Thời gian đăng: 14/02/2023

lượt xem: 769 | lượt tải:333

78/NQ-CP

Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 20 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ chuyên đề về phòng, chống dịch COVID-19.

Thời gian đăng: 26/07/2021

lượt xem: 2500 | lượt tải:281

01/QĐ-SKHĐT

QĐ về việc ban hành Lịch tiếp công dân năm 2021 của Sở Kế hoạch và Đầu tư

Thời gian đăng: 04/08/2021

lượt xem: 2013 | lượt tải:267

114/QĐ-SKHĐT

QĐ công khai dự toán thu, chi NS năm 2021

Thời gian đăng: 22/08/2021

lượt xem: 2219 | lượt tải:262
Đường dây nóng
  • Đang truy cập97
  • Hôm nay18,383
  • Tháng hiện tại333,107
  • Tháng trước:639,542
  • Tổng lượt truy cập15,745,535
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down