Chiều ngày 20/10, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày Báo cáo Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.
Để đông đảo người dân, các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách được tiếp cận một cách đầy đủ thông tin về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, Tạp chí Kinh tế và Dự báo xin đăng lại toàn bộ nội dung Báo cáo (tiêu đề do Tòa soạn đặt).
Nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Hội nghị trung ương 4 khóa XII về Đề án “Một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế”, Nghị quyết số 142/2016/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020,Nghị quyết số 98/2015/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, Quyết định số 339/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020”, Chính phủ đã xây dựng Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 và xin báo cáo Quốc hội như sau:
I. KẾT QUẢ TÁI CƠ CẤU NỀN KINH TẾ GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
1. Về kết quả đạt được
- Môi trường kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, thuận lợi. Các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô như lạm phát, tỷ giá, lãi suất cơ bản ổn định; tăng trưởng kinh tế từng bước hồi phục; các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được đảm bảo.
- Thực hiện ba trọng tâm tái cơ cấu của nền kinh tế đã đạt được một số kết quả bước đầu. Thể chế đầu tư công từng bước được hoàn thiện thông qua việc ban hành Luật Đầu tư công, sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng; hiệu quả đầu tư bước đầu được cải thiện. Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước từng bước được thực hiện, tập trung trước hết vào cổ phần hóa, cải thiện quản trị doanh nghiệp và hạn chế tình trạng đầu tư ngoài ngành chính của các doanh nghiệp. Thị trường tài chính dần đi vào ổn định, an toàn, thanh khoản được đảm bảo, lãi suất cho vay trung bình giảm.
Tái cơ cấu các ngành kinh tế đã đạt được một số thay đổi về chuyển dịch tỷ trọng các ngành: Tái cơ cấu nông nghiệp được tiến hành theo 3 hướng:tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tổ chức lại sản xuất và phát triển xúc tiến thương mại bước đầu đạt kết quả tích cực; Tái cơ cấu công nghiệp đã tạo ra được sự thay đổi tích cực trong cơ cấu nội bộ ngành theo hướng gia tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác và nâng cao năng lực cạnh tranh. Tái cơ cấu ngành dịch vụ được triển khai tích cực theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, tập trung đầu tư cơ sở vật chất và phát triển đa dạng các sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm có năng lực cạnh tranh.
Tái cơ cấu vùng kinh tế được chú trọng thực hiện: Các quy hoạch vùng được rà soát, bổ sung (quy hoạch 6 vùng kinh tế - xã hội, 4 vùng kinh tế trọng điểm). Tập trung đầu tư vào 5 vùng kinh tế ven biển, 8 vùng kinh tế cửa khẩu giai đoạn 2011 – 2015. Một số sáng kiến liên kết kinh tế vùng đã được triển khai.
- Hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng theo hướng tự do hơn, thuận lợi hơn, kinh tế thị trường hơn, từng bước đa dạng hóa đối tác, đa dạng hóa thị trường và đa dạng hóa sản phẩm.
2. Về những hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn không ít hạn chế trong quá trình thực hiện tái cơ cấu kinh tế. Cụ thể:
- Mô hình tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào các yếu tố đầu vào, chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn ở mức thấp và chậm được cải thiện:Tái cơ cấu kinh tế chưa tác động đáng kể đến thay đổi mô hình tăng trưởng,tăng trưởng kinh tế chủ yếu theo chiều rộng, việc mở rộng quy mô, nhiệm vụ nâng cao chất lượng, hiệu quả chưa đạt mục tiêu đề ra.
- Môi trường vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc: Cân đối lớn của nền kinh tế chưa thật sự bền vững, xử lý nợ xấu chưa thực chất, cân đối ngân sách nhà nước còn hết sức khó khăn, thâm hụt lớn và kéo dài, nợ công tăng nhanh, kiểm soát lạm phát gặp nhiều thách thức.
- Thực hiện 3 trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế chưa đạt được mục tiêu đề ra:
(i) Cơ cấu đầu tư chậm thay đổi, tình trạng lãng phí, thất thoát còn phức tạp và hiệu quả đầu tư còn thấp so với yêu cầu;
(ii) Tái cơ cấu doanh nghiệp tiến triển chậm và thiếu thực chất, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa gắn chặt với tái cơ cấu và đa dạng hóa sở hữu,vai trò trực tiếp kinh doanh của Nhà nước vẫn còn lớn so với thông lệ quốc tế trong nhiều ngành, lĩnh vực;
(iii) Tái cơ cấu hệ thống tài chính còn nhiều vướng mắc, thay đổi về cơ cấu thị trường diễn ra chậm, vai trò của thị trường vốn, đặc biệt là thị trường chứng khoán, chưa đủ lớn, một số yếu kém có tính hệ thống và dài hạn chưa được giải quyết cơ bản, nợ xấu, sở hữu chéo và quản trị ngân hàng chưa được giải quyết một cách thực chất. Chưa xử lý dứt điểm một số các ngân hàng thương mại rất yếu kém, đã có dấu hiệu phá sản.
- Thực hiện tái cơ cấu các ngành kinh tế chưa tạo ra được sự thay đổi tích cực đủ lớn trong cơ cấu kinh tế giữa các ngành, nội ngành: Tái cơ cấu nông nghiệpgắn với xây dựng nông thôn mới tiến triển chậm so với yêu cầu hội nhập và thích nghi với biến đổi khí hậu.Tái cơ cấu công nghiệp và dịch vụ chưa thay đổi cơ bản theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả.
- Thực hiện tái cơ cấu vùng kinh tế chưa đi vào thực chất, chưa tuân thủ các nguyên tắc thị trường trong liên kết vùng: Không gian phát triển còn bị chia cắt theo địa giới hành chính, thiếu thể chế tạo liên kết giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng để phát huy cao nhất tiềm năng;
Các hạn chế trên do 5 nguyên nhân chủ yếu sau:
(i) Chậm đổi mới thể chế huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển;
(ii) Tổ chức thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế còn thiếu hiệu lực và đồng bộ;
(iii) Tái cơ cấu nền kinh tế chưa gắn kết với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế;
(iv) Năng lực bộ máy hành chính quản lý nhà nước về kinh tế còn hạn chế, không phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập;
và (v) Vai trò giám sát các tổ chức chính trị - xã hội và người dân đối với tái cơ cấu nền kinh tế còn chưa được phát huy đầy đủ.
II. MỤC TIÊU, QUAN ĐIỂM TÁI CƠ CẤU KINH TẾ GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
1. Mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020
Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 nhằm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tập trung nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng các nguồn lực phát triển, qua đó thay đổi cơ cấu và trình độ của nền kinh tế, hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, có năng suất cao hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn, có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn và đảm bảo tăng trưởng xanh, sạch, bền vững.
Theo đó, 3 mục tiêu cụ thể bao gồm:
- Từng bước để cơ chế thị trường giữ vai trò chủ yếu trong phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển.
- Hình thành và phát triển cơ cấu kinh tế hợp lý trên cơ sở cải thiện, nâng cấp trình độ phát triển các ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế; phát triển các ngành, lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, từng bước thay thế các ngành công nghệ thấp, giá trị gia tăng thấp để trở thành các ngành kinh tế chủ lực.
- Từng bước củng cố nội lực của nền kinh tế, chủ động hội nhập quốc tế và củng cố vị thế quốc gia trên trường quốc tế, tận dụng tối đa cơ hội từ hội nhập quốc tế, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia, an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội.
2. Quan điểm xây dựng Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020
a) Tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh, phải đảm bảo phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở có nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc, tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế của xu thế hội nhập, của từng ngành, địa phương và toàn nền kinh tế.
b) Tái cơ cấu nền kinh tế mạnh mẽ và thực chất theo hai trụ cột bổ trợ và tăng cường lẫn nhau, bao gồm (i) Đổi mới toàn diện phương thức quản lý nhà nước về kinh tế, xây dựng Nhà nước liêm chính và kiến tạo, để thị trường có vai trò ngày càng quan trọngtrong huy động và phân bổ các nguồn lực xã hội và (ii) Tập trung tái cơ cấu và hiện đại hóa các ngành kinh tế và vùng kinh tế, nâng cao năng suất và giá trị gia tăng của từng ngành và của nền kinh tế.
c) Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng vào các giải pháp, chính sách cụ thể, có thể đo lường kết quả, có tác động mạnh, kịp thời trên thực tiễn, theo tín hiệu thị trường.
d) Thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính ở các ngành, các cấp, cơ sở theo hướng bảo đảm sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của Trung ương và phát huy sự chủ động, sáng tạo của các cấp địa phương, cơ sở.
đ) Tiếp tục mở cửa, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế; tạo đồng thuận, thu hút sự hưởng ứng và tham gia tích cực của người dân và các thành phần kinh tế, nhất là khu vực tư nhân trong nước để huy động được tối đa và sử dụng ngày càng hiệu quả hơn các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
III. KẾ HOẠCH TÁI CƠ CẤUNỀN KINH TẾ GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
Trên cơ sở mục tiêu và quan điểm(bao gồm 2 trụ cột tái cơ cấu kinh tế) nêu trên, Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế 2016-2020 đưa ra 5 nội dung tái cơ cấu kinh tế trọng tâm và các nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế cụ thể, trong đó có 10 nhiệm vụ tái cơ cấu ưu tiên. Các nội dung tái cơ cấu trọng tâm bao gồm:
- Nội dung trọng tâm 1: Phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân trong nước và thu hút hợp lý đầu tư trực tiếp nước ngoài.
- Nội dung trọng tâm 2: Tái cơ cấu khu vực kinh tế nhà nước: tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu NSNN và khu vực dịch vụ sự nghiệp công.
- Nội dung trọng tâm 3: Tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là tái cơ cấu các TCTD và thị trường chứng khoán.
- Nội dung trọng tâm 4: Hiện đại hóa công tác quy hoạch,cơ cấu ngành và vùng kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, gắn với đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế.
- Nội dung trọng tâm 5: Tái cơ cấu thị trường các nhân tố sản xuất quan trọng, bao gồm thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động và thị trường khoa học công nghệ.
Các chỉ tiêu cụ thể của tái cơ cấu nền kinh tế được nêu chi tiết tại 5 Nội dung trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế.
Để thực hiện 5 nội dung tái cơ cấu trọng tâm nêu trên, đạt được các chỉ tiêu đề ra, Kế hoạch đề ra nhiều nhiệm vụ tái cơ cấu cụ thể. Trong số đó, có 10 nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế có tính ưu tiên cao, cần được tập trung nguồn lực thực hiện, bao gồm:
- Nhiệm vụ ưu tiên 1: Cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tư nhân ở cả cấp Trung ương và địa phương (Nhiệm vụ 1 của Nội dung1).
- Nhiệm vụ ưu tiên 2: Kiên quyết cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước một cách thực chất theo lộ trình và kế hoạch đã được phê duyệt (Nhiệm vụ 1 của Nội dung 2).
- Nhiệm vụ ưu tiên 3: Hoàn thiện thể chế quản lý đầu tư công (Nhiệm vụ 3 của Nội dung 2).
- Nhiệm vụ ưu tiên 4: Tái cơ cấu các đơn vị sự nghiệp cung cấp dịch vụ công theo hướng tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và chịu áp lực cạnh tranh thị trường (Nhiệm vụ 5 của Nội dung 2).
- Nhiệm vụ ưu tiên 5: Đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu và và áp dụng tiêu chuẩn Basel II tại các TCTD (Nhiệm vụ 2 của Nội dung 3).
- Nhiệm vụ ưu tiên 6: Mở rộng quy mô, gia tăng số lượng và cải thiện chất lượng nhà đầu tư, các sản phẩm hàng hóa; và nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu và thị trường bảo hiểm (Nhiệm vụ 3 của Nội dung 3).
- Nhiệm vụ ưu tiên 7: Hiện đại hóa công tác quy hoạch và kế hoạch (Nhiệm vụ 1 của Nội dung 4).
- Nhiệm vụ ưu tiên 8: Tập trung phát triển và tái cơ cấu các ngành kinh tế ưu tiên, dựa trên các sáng kiến và dự án đề xuất và thực hiện bởi khu vực doanh nghiệp (Nhiệm vụ 2 của Nội dung 4).
- Nhiệm vụ ưu tiên 9: Khuyến khích mở rộng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc tương đương trở lên, theo các quy định sản xuất xanh, sạch, phát triển hệ thống phân phối hàng nông sản và bảo đảm chất lượng nông sản trên thị trường (Nhiệm vụ 3 của Nội dung 4).
- Nhiệm vụ ưu tiên 10: Bãi bỏ hoặc nới lỏng các quy định đang cản trở tập trung, tích tụ đất nông nghiệp, tiến tới hoàn thiện khung khổ pháp luật thúc đẩy thị trường đất đai hoạt động hiệu quả (Nhiệm vụ 1 của Nội dung 5).
IV. TÁC ĐỘNG DỰ KIẾN CỦA TÁI CƠ CẤU NỀN KINH TẾ GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
Kế hoạchxây dựng và sử dụng Mô hình kinh tế lượng cấu trúc đa phương trìng [1] để đánh giá định lượng tác động của các kịch bản tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 theo hai khả năng tái cơ cấu nền kinh tế trong gian đoạn tới, bao gồm khả năng thực hiện tái cơ cấu rất quyết liệt và có nhiều đột phá (kịch bản 1) và khả năng đẩy nhanh tái cơ cấu (kịch bản 2).
Kết quả đánh giá định lượng cho thấy, việc thực hiện quyết liệt hoặc đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn tới đều mang lại những tác động tích cực cho nền kinh tế và mô hình tăng trưởng, như làm gia tăng mạnh tốc độ tăng trưởng GDP, kìm giữ lạm phát, giảm thâm hụt ngân sách nhà nước, gia tăng hiệu quả đầu tư và góp phần chuyển đổi mô hình kinh tế. (Kết quả chi tiết của các kịch bản tái cơ cấu nền kinh tế trình bày tại Phụ lục 2). Trong đó kịch bản tái cơ cấu quyết liệt tạo ra những kết quả rõ ràng hơn, đặc biệt trong trung hạn và dài hạn.
Tại Kế hoạch tái cơ cấu kinh tế 2016 – 2020 này, các mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế chủ yếu được đặt ra một cách thận trọng và thực tiễn theo kịch bản 2 (kịch bản đẩy nhanh tái cơ cấu), tuy nhiên có tiếp cận kịch bản 1 (tái cơ cấu quyết liệt) ở những nội dung tái cơ cấu kinh tế có khả năng đẩy nhanh tốc độ.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Nội dung tổ chức thực hiện
- Chính phủ chỉ đạo thực hiện Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 nhằm đảm bảo thực hiện đồng bộ, hiệu quả quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đến năm 2020 theo các mục tiêu đã đề ra; hàng năm sơ kết đánh giá kết quả thực hiện trình Quốc hội.
- Các Bộ, ngành, đại phương chủ động lồng ghép các nội dung và nhiệm vụ tái cơ cấu trên đây vào các nhiệm vụ đã được ban hành tại Chương trình hành động của Chính phủ tại Nghị Quyết số 63/NQ-CP ngày 22/7/2016 của Chính phủ về Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị Quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020
- Các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ theo phân công chi tiết tại Phụ lục 1 của Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế 2016 - 2020.
- Các Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Tập đoàn, tổng công ty Nhà nước và các cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao trên cơ sở các nội dung và nhiệm vụ tái cơ cấu tại Kế hoạch này, khẩn trương và chủ động xây dựng Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 trên lĩnh vực, ngành hoặc vùng lãnh thổ thuộc thẩm quyền quản lý.
- Thành lập Tổ công tác thi hành tái cơ cấu kinh tế ở Trung ương, ngành và địa phương, hỗ trợ, theo dõi, đánh giá và đôn đốc việcthực hiệntái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020.
2. Nguồn lực thực hiện
Nguồn lực để thực hiện Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 trong khuôn khổ các nguồn lực huy động chung của nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020, dự kiến khoảng 10.567 nghìn tỷ đồng theo giá thực tế[2].
Do khả năng huy động nguồn lực bổ sung là rất hạn chế, việc thực hiện Kế hoạch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016–2020 được quán triệt theo các quan điểm:
- Các nhiệm vụ ưu tiên của Kế hoạch tập trung vào việc nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực phát triển. Hạn chế tối đa việc huy động các nguồn lực bổ sung từ ngân sách nhà nước để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế.
- Trong một số ít trường hợp có khả năng sử dụng một số nguồn lực nhà nước nhất định để thực hiện các nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế, việc dự kiến lợi ích và chi phí cụ thể của các nhiệm vụ tái cơ cấu như vậy sẽ được ước tính và đề xuất cụ thể tại các Đề án và kế hoạch tái cơ cấu của ngành và lĩnh vực, như tại Đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.
- Tận dụng tối đa nguồn lực thu được từ các nhiệm vụ tái cơ cấu đặt ra, đặc biệt là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, để tái đầu tư thực hiện 3 đột phá chiến lược, đặc biệt là phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ.
Việc đánh giá tác động tổng quát chi phí và lợi ích của tái cơ cấu nền kinh tế, bao gồm tác động tới ngân sách nhà nước, được thực hiện tại Phụ lục 2 kèm theo
3. Lộ trình thực hiện
Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 đề ra 70 nhiệm vụ gắn thời gian thực hiện cụ thể của các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan[3]. Trong đó, có một số nhiệm vụ cần ưu tiên thực hiện ngay trong giai đoạn 2017 - 2018, cụ thể như:
(i) Kiên quyết xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, lành mạnh hóa thị trường tài chính, đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu một cách hiệu quả và thực chất, áp dụng các biện pháp phá sản đối với các ngân hàng thương mại yếu kém.
(ii) Kiên quyết cổ phần hóa, chú trọng thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp một các cách thực chất theo lộ trình và kế hoạch đã được phê duyệt. Tái cơ cấu lại danh mục vốn đầu tư và tài sản của khu vực nhà nước, trước hết là doanh nghiệp nhà nước; chuyển tài sản thương mại và cơ hội kinh doanh cho khu vực tư nhân, vốn đầu tư thu được đầu tư phát triển hạ tầng và các chức năng khác của Nhà nước;
(iii) Hoàn thiện thể chế đầu tư công, nâng cao hiệu quả huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực đầu tư công. Đổi mới cơ chế quản lý và phân bổ đầu tư công theo nguyên tắc cạnh tranh, trên cơ sở lĩnh vực ưu tiên đầu tư và các đề xuất dự án tốt, khả thi qua đó giảm xin - cho trong phân bổ đầu tư công.
(iv) Thực hiện nghiêm Luật Ngân sách Nhà nước, quản lý chặt chẽ thu chi NSNN. Tiếp tục cải cách Luật Ngân sách và tái cơ cấu chi ngân sách; đầu tiên là thực hiện đầy đủ, nhất quán kỷ luật ngân sách, nhất là kỷ luật chi ngân sách đối vơi từng dự án, từng đơn vị, từng địa phương, bộ ngành và Chính phủ.
(v) Tái cơ cấu các đơn vị sự nghiệp cung cấp dịch vụ công theo hướng tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và chịu áp lực cạnh tranh thị trường. Trao quyền tự chủ đẩy đủ cho các tổ chức, đơn vị sự nghiệp công; và buộc họ hoạt động theo cơ chế thị trường, đồng thời tự do hóa, thị trường hóa dịch vụ công, mở cửa cho tư nhân tham gia ngày càng nhiều hơn.
(vi) Cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tư nhân ở cả cấp Trung ương và địa phương. Tập trung tái cơ cấu phát triển các ngành ưu tiên, nòng cốt là các doanh nghiệp tư nhân trong nước, giữ vai trò dẫn dắt và thực hiện quá trình tái cơ cấu ngành kinh tế.
(vii) Tái cơ cấu các thị trường nhân tố sản xuất quan trọng bao gồm thị trường quyền sử dụng đất, thị trường nhân lực và thị trường khoa học và công nghệ
Trên đây là một số nội dung chính của Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ xin báo cáo Quốc hội xem xét./.
[1] Chi tiết về Mô hình HERMIN Việt Nam, các kịch bản tái cơ cấu nền kinh tế và đánh giá tác động của các kịch bản tái cơ cấu nền kinh tế được trình bày ở Phụ lục 2, Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020. Mô hình cũng được xây dựng dựa trên các lý thuyết trọng cầu của Keynesian với những chú trọng về thay đổi từ phía cung, các hàm cầu yếu tố được xây dựng dựa trên hàm chi phí CES.Mô hình HERMIN Việt Nam gồm tổng cộng 100 phương trình, với 68 phương trình định nghĩa và 32 phương trình hành vi. Mô hình có 241 biến số, trong đó, có 143 biến số là các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng (43 biến ngoại sinh và 100 biến nội sinh) và 100 biến số (add_factor) được gọi là nhân tố bổ sung được dùng để điều chỉnh giá trị dự báo cho mô hình.
[2] Đề án Đánh giá đề xuất giải pháp tăng cường huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển (Công văn số 7779/BKHĐT-QLKTTW ngày 22/9/2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ).
[3]Chi tiết xem tại Phụ lục số 01, Đề án Tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020.
Tác giả: Kinh tế và dự báo
Nguồn tin: kinhtevadubao.vn
Ý kiến bạn đọc