Tại kỳ họp thứ hai HĐND tỉnh, khóa XIV đã thông qua Đề án Phát triển hạ tầng thiết yếu các khu sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung giai đoạn 2016-2020. Trong đó, tỉnh ta sẽ tập trung phát triển vùng chè theo hướng mở rộng diện tích và nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh ngành chè; phát triển vùng lúa gạo tập trung, hàng hóa theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu gạo đặc sản Lai Châu. Trên cơ sở đó, tỉnh đã đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng thiết yếu: đường giao thông, thủy lợi tại những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung của tỉnh. Phấn đấu, đến năm 2020 hình thành 6.000ha chè tại 7 vùng chè tập trung; sản lượng chè búp tươi đạt 36.000 tấn; 2.350ha lúa chất lượng cao tại các cánh đồng: Hua Nà, Mường Than, Phúc Than, Mường Cang (huyện Than Uyên); Mường Khoa, Phúc Khoa (huyện Tân Uyên); Bình Lư, Bản Bo (huyện Tam Đường) với sản lượng 11.750 tấn.
Ông Hà Văn Um – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ, hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta đã có một số sản phẩm nông nghiệp đã trở thành hàng hóa như: Chè, lúa gạo (gạo đặc sản địa phương: Séng cù, Tẻ râu), miến dong, cây ăn quả ôn đới, cá nước lạnh... Một số sản phẩm nông nghiệp xây dựng được thương hiệu, chỉ dẫn địa lý như: trà Than Uyên, chè Tam Đường… Bên cạnh đó, được sự quan tâm của tỉnh, nhà nước về dầy tư hạ tầng thiết yếu cho các vùng sản xuất tập trung sẽ là những điều kiện thuận lợi để Lai Châu xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp đặc thù cuả địa phương.
Để hình thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung, Đề án cũng nêu rõ, từ nguồn ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ để đầu tư mở mới và nâng cấp 492km đường giao thông trục chính và nội đồng cho các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung. Trong đó, vùng sản xuất lúa 68km, vùng sản xuất chè 424km, theo hướng tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn cấp B và C.21,4km kênh tạm lên kiên cố, gồm 2 công trình đảm bảo nước tưới cho: 855ha lúa; xây dựng mới hệ thống tưới công nghệ cao cho 50ha chè xã Bản Bo, huyện Tam Đường.
Giải pháp thực hiện hiệu quả Đề án cũng được ngành chức năng quan tâm triệt để, theo đó, ngành sẽ tập trung nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đầu tư, xây dựng cơ bản bảo đảm chất lượng tiến độ và hiệu quả trong công tác xây dựng hạ tầng thiết yếu. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân trong việc sử dụng, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, công trình giao thông. Rà soát và chuẩn hoá quy trình vận hành của các hệ thống công trình thuỷ lợi đi đôi với việc tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho người dân để họ vận hành và bảo vệ các công trình thủy lợi do các địa phương quản lý. Đồng thời, tăng cường công tác tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ; chú trọng gieo trồng các giống lúa thuần chất lượng, lúa đặc sản địa phương; sử dụng các giống chè giâm cành có năng suất, chất lượng vào sản xuất. Áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp theo hướng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao đáp ứng theo yêu cầu của thị trường.
Tuy nhiên, xây dựng công trình hạ tầng thiết yếu phải được người dân chủ động tham gia bàn bạc, quyết định và tự nguyện đóng góp với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Vì vậy, thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường tuyên truyền vận động Nhân dân nơi có tuyến đường giao thông đi qua tự giác thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, hiến đất, góp công lao động, vật liệu để xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu, có như vậy, đồng đất Lai Châu mới phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống cho nông dân địa phương.
Tác giả: Minh Châu – HĐND tỉnh
Ý kiến bạn đọc