Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng đã thông tin khái quát về đặc điểm tự nhiên, tiềm năng, lợi thế và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lai Châu. Đồng chí nhấn mạnh: Lai Châu là tỉnh miền núi biên giới, có diện tích tự nhiên lớn trên 9.000km2, dân số gần 47 vạn người với 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, tiếp giáp với các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái và đặc biệt có đường biên giới dài 265,1 km với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), có cửa khẩu đang trong quá trình nâng cấp lên cửa khẩu Quốc tế, khu vực nông thôn chiếm trên 82%. Lai Châu có rất nhiều những tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp với diện tích tự nhiên lớn, tỷ lệ che phủ rừng gần 51% và trên 240.000ha đất chưa sử dụng, diện tích mặt nước hồ các thủy điện trên 16.000ha, thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản...
Đồng chí Chủ tịch cho biết: Hiện nay Lai Châu được Chính phủ quan tâm khởi công dự án tuyến đường nối Cao tốc Hà Nội - Lào Cai và thành phố Lai Châu, đang trong quá trình triển khai dự án Hầm Hoàng Liên kết nối với thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai... tạo điều kiện thúc đẩy kết nối vùng, liên vùng. Lai Châu có tiềm năng về công nghiệp thủy điện, tiềm năng về khai khoáng, đặc biệt là đất hiếm, qua thăm dò của Bộ Tài nguyên và Môi trường và một số cơ quan thì có khoảng 21 triệu tấn đất hiếm, tuy nhiên hiện nay khó khăn chưa khai thác được do công nghệ để tinh chế ra sản phẩm cuối cùng.
Cuộc họp được tổ chức bằng hình thức trực tuyến.
Về du lịch Lai Châu cũng có rất nhiều tiềm năng, diện tích rừng nguyên sinh, đồi núi, phong cảnh đẹp. Hiện nay tỉnh cũng đang chủ trương phát triển du lịch theo hướng cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa của 20 dân tộc anh em. Đối với tỉnh, cũng ban hành những chính sách riêng về du lịch, dùng ngân sách địa phương hỗ trợ cho các bản du lịch. Lai Châu có lợi thế là sát với huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai) và tỉnh Điện Biên, có khu du lịch nổi tiếng Khu du lịch cầu kính rồng mây…
Những năm qua, tỉnh Lai Châu luôn xác định nông nghiệp là lĩnh vực trọng điểm. Hiện nay Lai Châu hình thành và phát triển nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn như gần 13.000ha cao su, trên 5.000ha mắc ca, 4.000ha chuối, 8.500ha chè... Lai Châu cũng đẩy mạnh chương trình OCOP với 106 sản phẩm với nhiều sản phẩm đặc sản… Những kết quả này cho thấy đây là hướng đi đúng, nhiều triển vọng đưa Lai Châu phát triển. Tháng 12/2021, tỉnh đã tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, đến nay có hơn 100 doanh nghiệp quan tâm, đầu tư.
Với tiềm năng như vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng rất mong muốn Đại sứ với kinh nghiệm của mình, với mối quan hệ tốt của mình trong cộng đồng các nước EU, giúp và hỗ trợ địa phương khó khăn, biên giới như Lai Châu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và giảm nghèo.
Đại sứ Việt Nam tại Hy Lạp Lê Hồng Trường phát biểu tại buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, Đại sứ Việt Nam tại Hy Lạp Lê Hồng Trường đã giới thiệu khái quát về Hy Lạp và mối quan hệ đầu tư, thương mại với Việt Nam. Đồng chí nhấn mạnh: Hy Lạp là một quốc gia có lợi thế về kinh tế biển với rất nhiều cảng nước sâu và một ngành công nghiệp đóng tàu hùng mạnh. Mũi nhọn thứ hai của Hy Lạp là du lịch với chiều dài biển rất lớn với hàng nghìn hòn đảo khác nhau. Du lịch là nguồn thu ngoại tệ chủ yếu của Hy Lạp và đóng góp tới 15% GDP, đồng thời tạo ra nhiều việc làm lớn cho người dân Hy Lạp. Trước khi có dịch Covid-19 xảy ra hàng năm Hy lạp đón khoảng 30 triệu khách du lịch trong khi đó dân số chỉ có 10 triệu người. Nông nghiệp tuy chiếm tỉ trọng nhỏ song vẫn đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế của Hy Lạp. Các loại cây trồng chủ yếu ở Hy Lạp là lúa mì, lúa mạch, ôliu, hoa hướng dương, cà chua, cam, chanh. Mặt hàng xuất khẩu chính: Thực phẩm, đồ uống, sản phẩm chế biến, hoá chất, sản phẩm hoá dầu, dệt may.
Đại sứ Việt Nam tại Hy Lạp nhấn mạnh: Quan hệ giữa Việt Nam và Hy Lạp là quan hệ truyền thống và tin cậy. Tổng kim ngạch giữa Việt Nam và Hy Lạp đạt khoảng 376 triệu USD (năm 2019). Nhập khẩu của Việt Nam từ Hy Lạp còn thấp, chủ yếu là dược phẩm, thực phẩm, máy móc, chất dẻo, đồ gỗ, sắt thép, vải vóc... với khối lượng nhỏ. Đại sứ quán Hy Lạp coi nhiệm vụ thúc đẩy phát triển kinh tế giao lưu giữa 2 nước là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và bày tỏ mong muốn lãnh đạo tỉnh Lai Châu tiếp tục tạo nhiều cơ hội thông tin để Đại sứ quán Việt Nam tại Hy Lạp hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Tại buổi làm việc, sau khi nghe các thành viên tham dự phát biểu ý kiến, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng nhấn mạnh lại ý nghĩa của buổi làm việc. Đồng thời bày tỏ mong muốn được đón Đại sứ tại Lai Châu và giúp Lai Châu tăng cường thông tin, kết nối với các doanh nghiệp Hy Lạp đến với Lai Châu ở nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực du lịch, nông nghiệp. Và đặc biệt Hy Lạp mạnh về các loại hóa chất vì vậy đề nghị Đại sứ quan tâm đến trữ lượng đất hiếm của Lai Châu để thông tin, kết nối với doanh nghiệp ở Hy Lạp trong lĩnh vực này.
(Nguồn: ĐL/www.laichau.gov.vn
Cập nhật: 12h46, ngày 02/3/2022)
Ý kiến bạn đọc