Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lai Châu có đại diện lãnh đạo các sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lao động, Thương binh và Xã hội; Tư pháp, Nội vụ, Ngoại vụ, Bộ Chỉ huy Quân sự; Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh.
Ngày 1/10/2021, Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Định hướng chung của Chiến lược là tập trung nỗ lực cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, giảm cường độ phát thải khí nhà kính thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ; ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng xanh, bền vững, xây dựng lối sống xanh; đảm bảo quá trình chuyển đổi xanh theo nguyên tắc, bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu trong phạm vi toàn bộ nền kinh tế.
Đại biểu dự Hội nghị tại các điểm cầu.
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Từ đó, Chiến lược cũng đề ra các mục tiêu cụ thể: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; xanh hóa các ngành kinh tế; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.
Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Chiến lược, tại quyết định phê duyệt Chiến lược đã phân công trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương, trong đó giao nhiệm vụ: Các bộ, ngành, địa phương và cơ quan có liên quan căn cứ nội dung Chiến lược, chức năng, nhiệm vụ được giao chậm nhất sau 1 năm kể từ ngày Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030 được phê duyệt, hoàn thành việc xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh cấp bộ, tỉnh hoặc tích hợp các mục tiêu, nội dung triển khai trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các ngành, lĩnh vực, lãnh thổ phù hợp với tình hình thực tiễn. Tổ chức triển khai, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ đề ra trong Chiến lược theo thẩm quyền. Chủ động thực hiện các giải pháp tăng trưởng xanh ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, triển khai đồng bộ các chương trình chuyển đổi số…
Một trong các nội dung của Chiến lược được trình bày tại Hội nghị.
Tại Hội nghị, sau khi được nghe các nội dung chính trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, đại biểu các bộ, ngành, địa phương đã cùng thảo luận, tham gia phát biểu nhiều ý kiến trong đó đặc biệt nhấn mạnh về những kinh nghiệm và định hướng triển khai Chiến lược của ngành, địa phương, Hiệp hội, Tập đoàn.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã khẳng định về xu thế thực hiện tăng trưởng xanh của Thế giới, nhất là đối với các nước trong đó có Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả và bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Đồng chí đề nghị, sau khi Chiến lược được phê duyệt, để thực hiện được mục tiêu chiến lược trong thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương cần thống nhất hành động để đẩy mạnh thực hiện, phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình triển khai. Cùng với đó, thực hiện một chiến lược “công nghiệp hóa sạch” thông qua rà soát, điều chỉnh những quy hoạch hiện có, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, khuyến khích phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh với cơ cấu ngành nghề, công nghệ, thiết bị bảo đảm nguyên tắc thân thiện với môi trường, đầu tư phát triển vốn tự nhiên, tích cực ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm.
Nhấn mạnh về vai trò của truyền thông, đồng chí Bộ trưởng đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, vai trò của Chiến lược này và xu thế tất yếu mà Việt Nam phải thực hiện, không thể chậm trễ, từ đó để tạo được sự đồng thuận trong cả hệ thống chính trị và Nhân dân. Việc thực hiện Chiến lược là vì nhu cầu của chính chúng ta, chung tay với thế giới, chung tay với quốc tế vì sự phát triển bền vững trong tương lai.
(Nguồn: La U/www.laichau.gov.vn
Cập nhật: 13h04, ngày 29/10/2021)
Ý kiến bạn đọc