Phải trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập ( Bài 1)

Thứ tư - 23/02/2022 02:47 1.550 0
.
Cho đến hiện tại, vấn đề kê khai tài sản cũng như câu chuyện giàu - nghèo và trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên vẫn thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội.
Hình minh họa. Nguồn:plo.vn

Mặc dù đã có hàng loạt hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề kê khai tài sản và công tác quản lý, kiểm soát sự minh bạch trong kê khai tài sản và thu nhập của cán bộ, đảng viên thuộc diện phải kê khai, nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn không ít những khó khăn, bất cập. Trong đó, tính xác thực của những bản kê khai cũng như tính trung thực của người kê khai vẫn rất khó kiểm soát, thiếu công cụ, biện pháp xác minh liên thông đồng bộ giữa các cơ quan chức năng liên quan đến đăng ký biến động tài sản, thuế, ngân hàng…

Số liệu, thông tin kê khai tài sản vẫn dừng lại một chiều, chủ yếu vẫn là ý thức tự giác của người kê khai là chính. Như vậy, nếu cán bộ, đảng viên thiếu trung thực trong kê khai hoặc kê khai không đầy đủ nhưng cũng không dễ để bị phát hiện. Thế mới có chuyện chỉ có 1 người bị kỷ luật do kê khai không trung thực trong số 13.595 người được xác minh 9 tháng đầu năm 2021 với tổng số 542.111 người đã kê khai tài sản, thu nhập trong kỳ theo nguồn từ thông cáo báo chí mới nhất của Thanh tra Chính phủ. Thông tin chỉ có duy nhất 1 người không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập làm người ta khó có thể tin nổi..., nhưng đây lại thông tin có thật.

Không thể không hoài nghi, bởi nhìn từ những vụ án cán bộ, đảng viên, gồm cả cán bộ, quan chức cao cấp bị xử lý kỷ luật, phạt tù lại cho thấy, hầu hết những cán bộ, đảng viên suy thoái đều không trung thực trong kê khai tài sản và thu nhập. Chỉ khi chủ nhân của những bản kê khai này bị pháp luật xử lý vi phạm, kê biên tài sản thì tính xác thực của nó mới được phơi bày.

Có một điểm chung, hầu hết những cán bộ, đảng viên suy thoái này đều vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, dẫn đến lộng quyền, lạm quyền, rồi sử dụng quyền lực để thu vén lợi ích cho cá nhân, cho bản thân mà quên đi trách nhiệm nêu gương của người đảng viên, gian dối trong kê khai tài sản, thiếu minh bạch thu nhập cũng là tất yếu. Suy cho cùng, những cán bộ, đảng viên mắc phải những sai lầm nghiêm trọng này đều vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm (gia đình, họ hàng, cánh hẩu…) xoay quanh hai chữ “danh, lợi” mà thôi.

Nếu trung thực kê khai tài sản, minh bạch thu nhập, có lẽ xã hội đã không phải giật mình về những món tiền tham nhũng, tài sản sở hữu của một số cán bộ, quan chức vi phạm khi được thông tin, công bố. Ấy thế mà trước khi bị phát hiện phanh phui đưa ra ánh sáng công luận, cơ bản những cán bộ, quan chức này hàng năm đều có những bản kê khai tài sản rất "an toàn", kiểu như “tôi không có gì”, nếu có thì cũng là của vợ/chồng, con cái hoặc được hợp thức hóa bằng việc để người thân đứng tên chủ sở hữu tài sản… Nói như dân gian: “chỉ đến khi cháy nhà mới ra mặt chuột”. 

Không ai bắt cán bộ, đảng viên phải nghèo, cũng không ai cấm cán bộ, đảng viên giàu. Nhưng phải làm giàu bằng cách chân chính, đúng quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước chứ không được bất chấp tất cả để chạy theo danh - lợi nhằm "vinh thân phì gia". Những quy định của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; Luật Phòng, chống tham nhũng... đã thiết lập những căn cứ, quy định rõ ràng và đầy đủ về trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên khi tham gia các hoạt động kinh tế tư nhân. Như vậy, cán bộ, đảng viên có tham gia các hoạt động kinh tế để trở nên giàu có hoặc sở hữu tài sản lớn là bình thường,  là tốt, nhưng tại sao, người ta lại khó chấp nhận và thường lên án những cán bộ, đảng viên giàu? 

Quả thực, không dễ để có câu trả lời thỏa đáng đối với câu hỏi “cán bộ, đảng viên giàu hay nghèo mới tốt cho xã hội” bởi nó còn tùy thuộc vào các góc nhìn, quan điểm, nhận thức và vị trí của mỗi cá nhân trong xã hội mà việc đánh giá về câu chuyện tiền bạc, giàu - nghèo và sở hữu tài sản của đội ngũ cán bộ, đảng viên vì thế cũng rất khác nhau.

Xét về phương diện tích cực, cán bộ, đảng viên biết làm kinh tế giỏi thì không cần phải tham ô, tham nhũng, tiêu cực, nên họ không dễ để mắc phải những sai lầm đáng tiếc. Nếu cán bộ, đảng viên không những hoàn thành chức trách công vụ được giao mà còn biết cách làm giàu chân chính thì đúng là tấm gương sáng cho người khác noi theo. Thực tế đã có không ít những cán bộ, đảng viên năng động trong công tác và trong phát triển kinh tế tư nhân đã mang lại động lực tích cực cho đồng nghiệp, cho bà con xóm giềng, lối phố và nhân dân ở địa phương nơi họ công tác, sinh sống. Theo đó, đã có không ít những mô hình phát triển kinh tế, phong trào tăng gia, sản xuất, kinh doanh, nuôi trồng hiệu quả ở các địa phương trong cả nước được hình thành, được thúc đẩy và truyền cảm hứng từ chính những người cán bộ, đảng viên có tư duy năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với cộng đồng.

Có lẽ, thứ mà dư luận lên án chính là sự gian dối, thiếu trung thực của những người thuộc diện phải kê khai tài sản nhằm che giấu tài sản không minh bạch. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên cần thực hiện trách nhiệm nêu gương; trách nhiệm trong kê khai tài sản, thu nhập phải trung thực, chống hình thức kê khai cho có, cho đủ thủ tục. Các cơ quan chức năng cần có giải pháp, biện pháp phù hợp để kiểm soát, xác thực kê khai, giảm bớt phức tạp, phiền hà; có giải pháp phối hợp, liên thông giữa các cơ quan trong khâu xác minh; tăng các biện pháp xử lý đủ mạnh, đủ sức răn đe đối với các tài sản bất minh, không chứng minh được nguồn gốc; hạn chế việc sử dụng tiền mặt còn phổ biến trong các giao dịch toàn xã hội, nhất là những giao dịch có giá trị lớn như mua nhà, bất động sản, xe ô tô, chứng khoán và các hoạt động đầu tư, cổ phần, góp vốn...

Thực hiện trách nhiệm kê khai, kiểm soát tài sản và thu nhập của đội ngũ cán bộ, quan chức nói riêng và các hoạt động kinh tế trong xã hội nói chung được nhiều quốc gia trên thế giới chú trọng. Đây là các hoạt động nhằm ngăn ngừa tham nhũng, ngăn chặn sự độc quyền, lạm quyền, rửa tiền và thao túng chính trị. Tuy nhiên, việc kê khai tài sản, công khai thu nhập ở nước ta đến nay vẫn được xem là vấn đề nhạy cảm, đôi khi còn được coi là bí mật có tính riêng tư của cán bộ, đảng viên. Cho nên độ tin cậy của thông tin kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên chủ yếu vẫn phụ thuộc vào ý thức tự giác và tính trung thực của những người thuộc diện phải kê khai.

Vì thế, cho đến hiện tại, vấn đề kê khai tài sản cũng như câu chuyện giàu - nghèo và trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên ở nước ta thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội. Giới nghiên cứu, các nhà lãnh đạo, quản lý, báo chí truyền thông cũng bị cuốn theo câu chuyện này và dường như chưa có hồi kết...

(Nguồn: Khắc Trường/www.dangcongsan.vn
Cập nhật: 13h52, ngày 11/11/2021)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

128/QĐ-SKHĐT

Quyết định ban hành Quy chế thực hiện dân chủ của Sở Kế hoạch và Đầu tư

Thời gian đăng: 25/01/2024

lượt xem: 817 | lượt tải:3920

105/QĐ-SKHĐT

Quyết định Công khai dự toán thu, chi ngân sách năm 2022

Thời gian đăng: 14/02/2023

lượt xem: 889 | lượt tải:369

78/NQ-CP

Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 20 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ chuyên đề về phòng, chống dịch COVID-19.

Thời gian đăng: 26/07/2021

lượt xem: 2743 | lượt tải:301

01/QĐ-SKHĐT

QĐ về việc ban hành Lịch tiếp công dân năm 2021 của Sở Kế hoạch và Đầu tư

Thời gian đăng: 04/08/2021

lượt xem: 2149 | lượt tải:284

114/QĐ-SKHĐT

QĐ công khai dự toán thu, chi NS năm 2021

Thời gian đăng: 22/08/2021

lượt xem: 2308 | lượt tải:277
Đường dây nóng
  • Đang truy cập87
  • Hôm nay17,455
  • Tháng hiện tại396,697
  • Tháng trước:6,815,738
  • Tổng lượt truy cập16,857,450
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down