Theo Thông báo, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, cơ quan liên quan đã tập trung, kịp thời rà soát, tổng hợp, đánh giá các vướng mắc, nghiên cứu, xây dựng dự án Luật trình Chính phủ.
Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021; xây dựng, ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021).
Trong đó, để bảo đảm chất lượng, tính khả thi của Dự án Luật trình Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ tại Phiên họp thường kỳ tháng 08/2021, để trình Quốc hội. Hồ sơ trình Quốc hội cần làm rõ các căn cứ chính trị, pháp lý của việc xây dựng, trình dự án luật, trên cơ sở Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kết luận của Hội nghị lần thứ ba Ban chấp hành Trung ương Khóa XIII, các nghị quyết, chỉ thị, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; các nghị quyết của Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ nhất và các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về hoàn thiện thể chế phát triển, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ và thúc đẩy đầu tư, kinh doanh, thực hiện mục tiêu kép trong điều kiện dịch bệnh Covid-19.
Về mục tiêu xây dựng Luật, cần xác định đây là dự án Luật rất quan trọng, là yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách, với mục tiêu là tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, phát huy các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; cắt giảm và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm phiền hà, chi phí cho doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh Covid-19.
Về quan điểm xây dựng, trình dự án Luật, những vấn đề đã rõ, đã chín, đã được thực tế kiểm nghiệm, có sự đồng thuận cao thì cần luật hóa; những vấn đề thực tế có vướng mắc, thực sự cần tháo gỡ thì cần rà soát, xác định các nội dung, phạm vi vấn đề sửa đổi, bổ sung; có thể chỉ sửa đổi, bổ sung một số vấn đề nhỏ, hẹp, tương đối độc lập nhưng giải quyết được các vướng mắc, cản trở lớn, mà vẫn bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ, tổng thể, thống nhất của hệ thống pháp luật; phân cấp mạnh cho các bộ, địa phương đi đôi với trao quyền thực hiện các quy trình, thủ tục, gắn với tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, chống tiêu cực khi thực hiện.
Về nội dung dự án Luật, Thủ tướng giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện các nội dung đã thống nhất của dự án Luật; phân tích, đánh giá kỹ tác động của các chính sách; tập trung sửa đổi, bổ sung các vấn đề vướng mắc của các Luật cần sửa đổi ngay, được các bộ, địa phương thống nhất, đồng thuận kiến nghị; nghiên cứu tiếp thu tối đa ý kiến của các bộ, Thường trực Chính phủ tại cuộc họp, báo cáo Chính phủ phương án bổ sung, sửa đổi các quy định về phân cấp thẩm quyền, trình tự, thủ tục quản lý đất đai, khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, dự án nhà ở... có thể kết hợp được với sửa đổi, bổ sung nội dung của 10 Luật này để bảo đảm tính đồng bộ và khả thi trong triển khai thi hành Luật này.
Thủ tướng Chính phủ giao các bộ trong phạm vi lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công chủ động phối hợp với Bộ Tư Pháp, hoàn thiện dự án Luật, báo cáo Chính phủ. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tích cực, chuẩn bị kỹ nội dung, chủ động phối hợp sớm, chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan của Quốc hội, thống nhất nội dung, tạo đồng thuận cao khi trình Quốc hội dự án Luật này./.
(Nguồn: Thanh Loan/www.mpi.gov.vn
Cập nhật: 09h28, ngày 06/9/2021)
Ý kiến bạn đọc