Khuyến khích phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

Thứ sáu - 18/09/2015 03:21 402 0
(MPI Portal) - Thực hiện quy định tại Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) và nhằm định hướng công tác trợ giúp phát triển DNNVV trong thời gian tới, sáng ngày 15/9/2015, Hội đồng khuyến khích phát triển DNNVV đã tổ chức Họp thường kỳ Hội đồng năm 2015. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy viên thường trực Hội đồng Đặng Huy Đông chủ trì Kỳ họp.
Toàn cảnh Kỳ họp. Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)
Toàn cảnh Kỳ họp. Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)

Tham dự Kỳ họp có đại diện Lãnh đạo một số bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức hiệp hội và một số địa phương tại khu vực phía Bắc.

Ông Đặng Huy Đông phát biểu tại Kỳ họp.
Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)

Phát biểu khai mạc Kỳ họp, ông Đặng Huy Đông cho biết, năm 2015 là một năm rất đặc biệt, là năm của doanh nghiệp, năm kết thúc đàm phán và triển khai nhiều Hiệp định thương mại tự do (Việt Nam-Hàn Quốc, Việt Nam-Liên minh Châu Âu, Việt Nam với Liên minh thuế quan Nga-Belarus-Kazakhstan, Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương-TPP, Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2015-AEC). Đây cũng là năm bản lề để nhìn nhận, đánh giá những kết quả đạt được trong giai đoạn 2011-2015 và những tồn tại, hạn chế còn phải khắc phục, điều chỉnh để định hướng xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020.

Trong năm 2015, Chính phủ đã tiếp tục có nhiều quyết sách nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn và cải thiện môi trường kinh doanh, tạo đà tăng trưởng, bảo đảm công tác an sinh xã hội. Một loạt các chính sách mạnh mẽ của Chính phủ trong giai đoạn 2014-2015 đã góp phần bảo đảm môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Một số giải pháp về thuế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp được ban hành. Điều này thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ, các ngành, các cấp cùng với nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua nhằm tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2014 cả nước có 74,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký khoảng 432 nghìn tỷ đồng (vốn đăng ký bình quân 5,8 tỷ đồng/doanh nghiệp), giảm 2,7% về số doanh nghiệp, nhưng tăng 8,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Trong 8 tháng năm 2015, cả nước đã có 61,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 376,4 nghìn tỷ đồng (vốn đăng ký bình quân tăng lên 6,2 tỷ đồng/ doanh nghiệp), tăng 29,2% về số doanh nghiệp và tăng 29,9 % về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho DNNVV

Một trong những điểm nhấn đối với cộng đồng doanh nghiệp năm 2014-2015 đó là sự ra đời của Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Thực hiện Nghị quyết nêu trên, một số bộ, cơ quan, địa phương đã tích cực, chủ động triển khai các giải pháp. Đồng thời, cụ thể hóa mục tiêu theo lộ trình cải cách các quy định về thủ tục và xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị thực thi. Nhiều nhiệm vụ trọng tâm đặt ra trong giai đoạn 2014-2015 đã được thực hiện và đạt được kết quả rất đáng khích lệ.

Trên cơ sở những kết quả tích cực đạt được trong năm 2014, ngày 12/3/2015, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia giai đoạn 2015-2016. Nghị quyết xác định mục tiêu trong hai năm tới là: Tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính. Đồng thời, cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh, về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu theo hướng chuyển sang hậu kiểm.

Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập thị trường

Với việc ban hành Luật doanh nghiệp và có hiệu lực từ ngày 01/7/2015, khởi sự kinh doanh giảm 5 thủ tục (từ 10 thủ tục xuống còn 5 thủ tục) và giảm thời gian từ 34 ngày xuống còn 17 ngày, trong đó thời gian đăng ký kinh doanh còn 3 ngày, vượt chỉ tiêu so với yêu cầu đặt ra là 6 ngày. Theo đó, xếp hạng chỉ số này sẽ cải thiện từ vị trí 109 lên vị trí 37 (tăng 72 bậc), cao hơn nhiều so với mức trung bình của các nước ASEAN 6 (vị trí 99) và cao hơn trung bình của nhóm nước ASEAN 4 (vị trí 70).

Cuối năm 2014, Quốc hội thông qua hai Luật quan trọng là Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư với tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay đã cho thấy sự kỳ vọng và tin tưởng của của hai Luật trên đối với môi trường kinh doanh Việt Nam. Chính vì thế, công tác chuẩn bị triển khai áp dụng các quy định mới theo Luật đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư – cơ quan chủ trì xây dựng hai Luật trên đã tích cực thực hiện trong thời gian qua. Cho đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành. Ngày 29/5/2015, Dự thảo Nghị định về đăng ký doanh nghiệp đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ xem xét ban hành. Đồng thời, Dự thảo Thông tư hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp cũng đã cơ bản hoàn thiện và dự kiến sẽ được xem xét, thông qua sau khi Nghị định được ký ban hành.

Song song với công tác hoàn thiện khung khổ pháp lý, Hệ thống Thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia do Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý, vận hành đã được nâng cấp lên phiên bản 2.0, cho phép cập nhật tất cả các quy trình pháp lý theo quy định mới của Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư. Kể từ ngày 01/7/2015, Hệ thống phiên bản 2.0 này sẽ chính thức được vận hành trên toàn quốc với tất cả các ứng dụng: đăng ký trực tuyến, đăng bố cáo thành lập doanh nghiệp, dịch vụ thông tin, dịch vụ tra cứu tên doanh nghiệp… sẽ được đồng bộ nâng cấp.

Về điều kiện kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, cơ quan và địa phương thực hiện tập hợp, rà soát và phân loại các điều kiện kinh doanh và đã có báo cáo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ tất cả các điều kiện kinh doanh quy định tại các Thông tư, Quyết định của các bộ, các cấp chính quyền địa phương. Kết quả rà soát và phân loại các điều kiện kinh doanh cho thấy, tương ứng với 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện là 6.475 điều kiện kinh doanh thuộc các cấp độ khác nhau, trong đó 3.299 điều kiện hiện đang quy định tại 170 Thông tư, Quyết định của các bộ. Theo quy định của Luật đầu tư thì 3.299 điều kiện này sẽ đương nhiên bị bãi bỏ và hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016.

 

 

Tại kỳ họp lần này với trọng tâm là đánh giá hiện trạng công tác hỗ trợ DNNVV tại các địa phương, qua tổng hợp báo báo đánh giá sơ bộ cho thấy, công tác hỗ trợ DNNVV ở cấp địa phương thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp ở các địa phương đã đóng vai trò quan trọng trong việc trực tiếp triển khai nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ cho các DNNVV.

Tuy nhiên, công tác hỗ trợ DNNVV nói chung còn thiếu trọng tâm, manh mún và dàn trải ở các cấp, các địa phương và quan trọng hơn là chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của các DNNVV, đặc biệt trong bối cảnh tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng chất lượng, hiệu quả và hội nhập sâu rộng hơn với khu vực và thế giới đã và đang đặt ra yêu cầu cấp bách đối với các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các DNNVV.

Nhằm đẩy mạnh và tạo bước chuyển biến mới trong công tác hỗ trợ DNNVV, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội đề xuất xây dựng và ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV (đã được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2016 tại Nghị quyết 89/2015/QH13 ngày 09/6/2015). Đây là văn bản pháp lý quan trọng và rất cần thiết nhằm đảm bảo tính đồng bộ của các chính sách hỗ trợ, vừa có tính hiệu lực pháp lý cao nhất cũng như thúc đẩy việc thực thi. Các chính sách hỗ trợ DNNVV trong Luật này cần được xây dựng đồng bộ, khả thi, xuất phát từ nhu cầu thực tế của DNNVV và có trọng điểm. Bên cạnh đó, phải gắn với nhóm DNNVV có tiềm năng phát triển thông qua các chương trình hỗ trợ mục tiêu (như hỗ trợ nhóm DNNVV có tiềm năng xuất khẩu, đổi mới sáng tạo, tham gia các cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Tăng cường cơ chế giám sát, phối hợp và đánh giá hiệu quả thực hiện hỗ trợ DNNVV... Trong đó, đáng lưu ý là hướng tới tạo lập một hệ sinh thái khởi nghiệp, thương mại hóa các sản phẩm đổi mới sáng tạo và tạo cơ sở pháp lý cho các loại quỹ để tăng nguồn vốn cho khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo./.

 

Tác giả: Tùng Linh

Nguồn tin: www.mpi.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

128/QĐ-SKHĐT

Quyết định ban hành Quy chế thực hiện dân chủ của Sở Kế hoạch và Đầu tư

Thời gian đăng: 25/01/2024

lượt xem: 370 | lượt tải:1267

105/QĐ-SKHĐT

Quyết định Công khai dự toán thu, chi ngân sách năm 2022

Thời gian đăng: 14/02/2023

lượt xem: 620 | lượt tải:291

78/NQ-CP

Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 20 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ chuyên đề về phòng, chống dịch COVID-19.

Thời gian đăng: 26/07/2021

lượt xem: 2234 | lượt tải:263

01/QĐ-SKHĐT

QĐ về việc ban hành Lịch tiếp công dân năm 2021 của Sở Kế hoạch và Đầu tư

Thời gian đăng: 04/08/2021

lượt xem: 1823 | lượt tải:243

114/QĐ-SKHĐT

QĐ công khai dự toán thu, chi NS năm 2021

Thời gian đăng: 22/08/2021

lượt xem: 1987 | lượt tải:244
Đường dây nóng
  • Đang truy cập366
  • Hôm nay29,345
  • Tháng hiện tại280,133
  • Tháng trước:698,284
  • Tổng lượt truy cập14,273,777
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down