Phấn đấu đạt và vượt mức trung bình của các nước ASEAN-6
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo triển khai quyết liệt các Nghị quyết về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh gắn với thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Đồng thời, đã sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp luật, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
Thời gian nộp thuế giảm từ 537 giờ/năm xuống còn 247 giờ/năm; tỷ lệ doanh nghiệp kê khai thuế điện tử tăng từ 65% lên 95%. Thực hiện Luật sửa đổi một số điều của các Luật thuế (có hiệu lực từ đầu năm 2015) giảm thêm 80 giờ, từ 247 giờ/năm xuống còn 167 giờ/năm. Thời gian nộp bảo hiểm xã hội giảm từ 335 giờ/năm xuống còn 235 giờ/năm. Thời gian thông quan từ 21 ngày xuống còn 14 ngày đối với hàng hóa xuất khẩu và 13 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu.
Đồng thời, đã sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp bảo đảm nguyên tắc đối xử công bằng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; thời gian khởi sự kinh doanh giảm từ 34 ngày xuống còn 17 ngày. Thời gian tiếp cận điện năng từ lưới điện trung áp giảm từ 115 ngày xuống còn 33 ngày đối với đường dây trên không và 41 ngày đối với đường cáp ngầm. Trong lĩnh vực quản lý đất đai, đã rà soát, giảm từ 71 thủ tục xuống còn 41 thủ tục đối với việc thành lập văn phòng đăng ký đất đai một cấp; rút ngắn được 5 đến 25 ngày đối với thủ tục cấp giấy chứng nhận. Lĩnh vực khoáng sản cắt giảm gần 40% thủ tục.
Trên cơ sở các kết quả đó, thời gian tới, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, phấn đấu đến hết năm 2015 các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của Việt Nam đạt và vượt mức trung bình của các nước ASEAN-6 và đến hết năm 2016 một số chỉ tiêu chủ yếu đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN-4.
Khả quan tình hình kinh tế- xã hội 5 tháng đầu năm
Báo cáo trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, 5 tháng đầu năm, kinh tế- xã hội tiếp tục đạt nhiều kết quả trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,16%, 5 tháng tăng 0,2%. Tăng trưởng tín dụng đạt 5,18% (cùng kỳ năm 2014 là 1,51%). Mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm; tỷ giá, thị trường ngoại hối cơ bản ổn định. Xuất khẩu tháng 5 tăng 1,1%, 5 tháng tăng 7,3%; nhập siêu 5 tháng khoảng 3 tỷ USD, chủ yếu là nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.
Thu ngân sách nhà nước tăng 7,9% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tăng 7,6%; giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi tăng 11,8%. Sản xuất kinh doanh tiếp tục phục hồi; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,2% (cùng kỳ năm 2013 tăng 4,8%, năm 2014 tăng 5,6%). Sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tuy gặp khó khăn nhưng vẫn phát triển ổn định. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,1%, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,2% (cùng kỳ năm 2013 tăng 4,8%, năm 2014 tăng 6%). Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 15,5%, vốn đăng ký tăng 26,3%; số doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động giảm 5,3% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nền kinh tế- xã hội nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức. Thiên tai, hạn hán diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống, nhất là tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Tiêu thụ một số nông sản còn nhiều khó khăn (gạo, cao su, cà phê, trái cây...). Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu có xu hướng giảm, trong đó nông, lâm, thủy sản giảm 9,5% so với cùng kỳ...
Do đó, thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương theo dõi sát và chủ động ứng phó với diễn biến tình hình; tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 đã được Quốc hội thông qua.
Tiếp tục chính sách tài khóa chặt chẽ, ổn định kinh tế vĩ mô
Theo nhận định của Chính phủ, với đà phục hồi tăng trưởng trong Quý I/2015, tình hình kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục ổn định là điều kiện quan trọng nhất cho sự phát triển nền kinh tế trong thời gian tới. Tuy nhiên, những khó khăn, đối với phát triển kinh tế còn rất lớn; năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh thấp, sẽ là thách thức rất lớn khi thành lập cộng đồng ASEAN vào cuối năm nay.
Nhóm giải pháp ưu tiên thứ hai được Chính phủ đặt trọng tâm đó là, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Trong đó, thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, quản lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính. Tổ chức thực hiện tốt các Luật thuế và nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội. Tăng cường công tác quản lý thu, khai thác nguồn thu, triển khai quyết liệt các biện pháp chống thất thu ngân sách, chuyển giá, trốn thuế. Điều hành, quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ theo đúng dự toán được giao. Không ban hành các chính sách, chế độ mới làm tăng chi ngân sách nhà nước khi chưa có nguồn bảo đảm. Quản lý chặt chẽ nợ công, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý nợ công, cơ cấu lại nợ công theo hướng kéo dài kỳ hạn, giảm chi phí vốn vay, bảo đảm nợ công trong giới hạn theo Nghị quyết của Quốc hội...
Năm 2015 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, do vậy nhiệm vụ đặt ra cho những tháng còn lại của năm 2015 là rất nặng nề, có ý nghĩa rất quan trọng đến việc thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2011-2015 và tạo cơ sở cho việc phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn 2016-2020. Để đạt được các mục tiêu đó, Chính phủ, các cấp, các ngành cần tiếp tục quyết tâm và triển khai quyết liệt hơn nữa các giải pháp, chính sách được nêu trong các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ.
Chính phủ xác định mục tiêu hàng đầu là tập trung tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy nhanh tái cơ cấu và cổ phần hóa DNNN. Trong đó, đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là cổ phần hóa DNNN, thoái vốn nhà nước khỏi những ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ. Giảm tỷ lệ vốn nhà nước trong các doanh nghiệp mà nhà nước không cần giữ chi phối để cổ phần hóa thực sự phát huy hiệu quả, đổi mới quản trị và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Đồng thời, quyết liệt hơn nữa để thực hiện các đề án tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty và doanh nghiệp nhà nước đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong năm nay, phải cổ phần hóa 289 DNNN để hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa 432 DNNN trong giai đoạn 2011-2015 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tiếp tục thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành chặt chẽ, có hiệu quả.
Tác giả: N.L
Nguồn tin: www.mof.gov.vn
Ý kiến bạn đọc