Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để hội nhập quốc tế

Thứ tư - 10/06/2015 03:12 662 0
(MPI Portal) - Đây là chủ đề của Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2015 diễn ra ngày 09/6/2015 tại Hà Nội dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa, Giám đốc Khu vực Mê Kông, Tổ chức Tài chính Quốc tế Kyle F. Kelhofer, Đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam Virginia B. Foote. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn.
Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Tham dự Diễn đàn có đại diện các cơ quan Chính phủ, cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, nhà tài trợ, Hiệp hội doanh nghiệp trong nước, nước ngoài và phái đoàn cấp cao Mi-an-ma do tiến sĩ San Lwin, Thứ trưởng, Văn phòng Tổng thống Mi-an-ma dẫn đầu để tìm hiểu những kinh nghiệm để việc xây dựng và tổ chức kênh đối thoại giữa cơ quan Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp tại Mi-an-ma.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh phát biểu khai mạc Diễn đàn. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, những tháng đầu năm 2015, kinh tế - xã hội Việt Nam diễn ra trong bối cảnh trong và ngoài nước có những yếu tố thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Với sự cố gắng của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, đến nay Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực: kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định và phát triển đúng hướng, tăng trưởng lấy lại đà phục hồi; an ninh, trật tự, an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm. Dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,2%. Tuy vậy, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn thách thức như: sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chưa thực sự khởi sắc, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thị trường xuất khẩu hàng nông sản đang gặp rất nhiều khó khăn...

Chính phủ đang tập trung chỉ đạo thực hiện ba khâu đột phá tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, khuyến khích hình thức đầu tư PPP; Cải cách đầu tư công để đầu tư tập trung, có hiệu quả, tập trung vào cơ sở hạ tầng; Khuyến khích thu hút đầu tư cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vào công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao; Tiếp tục cơ cấu hệ thống Tài chính Ngân hàng, bảo đảm hệ thống ngân hàng hoạt động, quản trị có hiệu quả; Kinh doanh hiệu quả và khắc phục nhanh nợ xấu xuống 3% trong 2015; Đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, đạt số lượng đề ra, giảm mạnh tỉ lệ vốn nhà nước nắm giữ ở doanh nghiệp cổ phần hoá, nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp, bình đẳng trong cơ chế thị trường, trong phân bổ nguồn lực đất đai, vốn… Cùng với cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ Việt Nam khuyến khích phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, thu hút, tạo thuận lợi để doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam, cùng với những chính sách tái cơ cấu nông nghiệp Việt Nam gắn với xây dựng nông thôn mới.

Với nhận định, khu vực tư kinh tế tư nhân trong nước phải là động lực tăng trưởng chính, bảo đảm tính tự chủ của nền kinh tế và bảo đảm sự kết nối có hiệu quả giữa khu vực FDI và khu vực kinh tế nội địa, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã đưa ra 9 kiến nghị với Chính phủ để có chương trình hành động tổng thể thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong thời gian tới. Trong số đó, cần tập trung xây dựng và thực hiện “Chương trình quốc gia về khởi nghiệp” để định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên và trợ giúp thành lập các doanh nghiệp mới sáng tạo và hỗ trợ hoạt động trong các ngành, lĩnh vực tại Việt Nam có lợi thế cạnh tranh; Tiếp tục đơn giản hoá các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính cho việc thành lập và vận hành doanh nghiệp, tăng cường đào tạo kỹ năng làm việc trong doanh nghiệp tại tất cả các trường đại học và trường nghề, xác lập chương trình đào tạo bắt buộc về khởi nghiệp cho các chủ doanh nghiệp; Giải quyết vấn đề vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cần có những chương trình cho vay vốn hiệu quả; Cải cách thủ tục hành chính;...

Cảm quan về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, bà Sherry Boger, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ (Amcham) đánh giá, Việt Nam đã rất thành công trong hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế với Mỹ nói riêng. Trong năm 2014, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng 20%, đạt 36,3 tỷ USD và tính đến năm 2020, con số này có thể tăng lên 72 tỷ USD nếu xu thế này vẫn tiếp tục duy trì và có thể cao hơn với Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Bên cạnh đó, năm 2014, Việt Nam trở thành nhà cung cấp cho thị trường Mỹ đứng đầu ASEAN, trước cả Ma-lai-xi-a và Thái Lan. Việt Nam chiếm 22% tổng kim ngạch xuất khẩu của các nước ASEAN sang Mỹ và có thể đạt 30% năm 2020 nếu xu thế hiện tại vẫn được tiếp tục phát huy.

Amcham mong muốn hợp tác và hỗ trợ Việt Nam thông qua các cuộc tham vấn Chính phủ và doanh nghiệp thường xuyên ở tất cả các cấp chính quyền với mục tiêu cụ thể. Amcham sẽ tiếp tục tích cực ủng hộ TPP và hoạt động trù bị tại Việt Nam để mang lại thành công hơn nữa.

Ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, kết quả Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) gần đây nhất của EuroCham cho thấy các thành viên EuroCham nhìn nhận lạc quan về môi trường kinh doanh tại Việt Nam. EuroCham ghi nhận những nỗ lực gần đây của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam, ví dụ như thông qua việc ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015. Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực đáng ghi nhận đó, hiện vẫn còn tồn đọng một số quan ngại từ các nhà đầu tư Châu Âu. EuroCham đưa ra kiến nghị tập trung vào sáu vấn đề trọng tâm, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của Việt Nam: Hiệp định Thương mại Tự do, Giáo dục và Đào tạo, Quyền Sở hữu Trí tuệ, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước và tính cạnh tranh của thị trường, Thủ tục tư pháp và phát triển cơ sở hạ tầng thông qua quan hệ Đối tác Công - Tư.

Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) đã đưa ra các vấn đề đang được các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam quan tâm đó là, khó khăn, vướng mắc khi nhập khẩu máy móc và thiết bị đã qua sử dụng theo Thông tư số 20/2014/TT-BKHCN ngày 15/5/2014 của Bộ Khoa học công nghệ quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng; Về Dự án điện: KoCham khuyến nghị, Chính phủ cần phải rút ngắn quá trình phê duyệt các dự án điện tại khu vực miền Nam Việt Nam. Các dự án điện cần phải được thực hiện với sự tham gia của các nhà đầu tư có danh tiếng và đáng tin cậy. Đối với các dự án điện hạt nhân, thời gian thẩm tra và phê duyệt một số thủ tục hành chính mất quá nhiều thời gian, điều này đã dẫn đến việc chậm trễ trong việc triển khai thực hiện dự án; Vấn đề sa thải người lao động do cung cấp thông tin gian dối về năng lực và kinh nghiệm: KoCham đề xuất Bộ luật Lao động Việt Nam nên bổ sung các quy định pháp luật liên quan cho phép người sử dụng lao động ngay lập tức sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nếu phát hiện ra các thông tin giả mạo về năng lực và kinh nghiệm của người lao động. Đồng thời, người sử dụng lao động có quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động mà không cần tuân thủ theo Điều 129 của Bộ luật Lao động về tạm đình chỉ công việc. Bên cạnh đó, KoCham kiến nghị áp dụng các trường hợp hợp đồng dân sự vô hiệu để bổ sung cho các trường hợp hợp đồng lao động vô hiệu; Về thay đổi việc áp dụng mã HS, KoCham kiến nghị Chính phủ Việt Nam không áp dụng truy thu thuế nhập khẩu đối với các hàng hóa đã được nhập khẩu trước khi Thông tư 164/2013/TT-BTC có hiệu lực. Đồng thời, KoCham hy vọng rằng những hàng hóa trước đây được miễn thuế nhập khẩu sẽ tiếp tục được hưởng chế độ miễn thuế nhập khẩu.

 

Đánh giá cao sự lãnh đạo, điều hành ổn định kinh tế với mức tăng trưởng cao 6%, bình ổn giá cả và cán cân xuất nhập khẩu trong suốt 4-5 năm qua của Chính phủ Việt Nam, ông Shimon Tokuyama Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam bày tỏ quan tâm đến những động thái thúc đẩy chính sách cải cách doanh nghiệp nhà nước và ổn định tài chính của Việt Nam để các doanh nghiệp Nhật Bản có thể hoạt động lâu dài ở Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản tiếp tục là Chính phủ cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam.

Đại diện cho Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội (HanoiBA), ông Trần Anh Vương, Phó Chủ tịch Hiệp hội cho rằng, các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang cảm nhận những thách thức lớn khi năm 2015 được xác định là năm hội nhập với rất nhiều các hiệp định song phương và đa phương được ký kết và có hiệu lực như Cộng đồng Kinh tế ASEAN (ACE) hay Hiệp định TPP. HanoiBA mong muốn Chính phủ lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng nhằm tạo những điều kiện tốt nhất để hỗ trợ nhóm này phát triển và trở thành điểm tựa bền vững cho phát triển kinh tế của đất nước.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn những ý kiến đóng góp thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. Trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam sẽ nỗ lực phát huy những kết quả đạt được; ra sức khắc phục những hạn chế, yếu kém; tập trung chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế thành công, phát triển nhanh, bền vững, trong đó tập trung vào những nội dung chủ yếu như: Tiếp tục quản lý, điều hành để bảo đảm tăng cường tính ổn định của kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát tốt hơn, đảm bảo lạm phát không quá 5%, không chỉ cho năm 2015 mà còn cho những năm sau; điều hành lãi suất, tỷ giá theo tín hiệu thị trường, phù hợp với tín hiệu thị trường; tăng dự trữ ngoại tệ, bảo đảm ít nhất 12 tuần nhập khẩu; bảo đảm bội chi năm 2015 là 5% và 5 năm tới (2016-2020) sẽ thấp hơn mức 5%. Cùng với đó là bảo đảm nợ công trong giới hạn an toàn, gắn với tái cơ cấu đầu tư công, bảo đảm hiệu quả của đầu tư công. Đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu bình quân mỗi năm khoảng 10-15%; nhập siêu không quá 5%.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh, Chính phủ đang chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tạo không gian phát triển rộng lớn hơn cho doanh nghiệp, người dân Việt Nam cũng như các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Việt Nam đang tiếp tục tập trung mạnh vào thực hiện 3 đột phá chiến lược là cải cách thể chế, huy động các nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng cho các nhu cầu phát triển. Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong hội nhập quốc tế là nhiệm vụ khó khăn, lâu dài, cùng với nỗ lực của mình, Chính phủ Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự chung tay, hợp tác hiệu quả của các quốc gia, các đối tác phát triển, của cả cộng đồng doanh nghiệp vì lợi ích và sự phát triển chung./.

 

Tác giả: Thúy Quyên

Nguồn tin: www.mpi.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

128/QĐ-SKHĐT

Quyết định ban hành Quy chế thực hiện dân chủ của Sở Kế hoạch và Đầu tư

Thời gian đăng: 25/01/2024

lượt xem: 660 | lượt tải:3197

105/QĐ-SKHĐT

Quyết định Công khai dự toán thu, chi ngân sách năm 2022

Thời gian đăng: 14/02/2023

lượt xem: 768 | lượt tải:333

78/NQ-CP

Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 20 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ chuyên đề về phòng, chống dịch COVID-19.

Thời gian đăng: 26/07/2021

lượt xem: 2499 | lượt tải:281

01/QĐ-SKHĐT

QĐ về việc ban hành Lịch tiếp công dân năm 2021 của Sở Kế hoạch và Đầu tư

Thời gian đăng: 04/08/2021

lượt xem: 2013 | lượt tải:267

114/QĐ-SKHĐT

QĐ công khai dự toán thu, chi NS năm 2021

Thời gian đăng: 22/08/2021

lượt xem: 2219 | lượt tải:262
Đường dây nóng
  • Đang truy cập74
  • Hôm nay16,085
  • Tháng hiện tại328,393
  • Tháng trước:639,542
  • Tổng lượt truy cập15,740,821
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down