Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và ông Trần Tiến Cường, nguyên Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cùng có quan điểm chung về việc cần phải xây dựng luật về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
“Đây là vẫn để phức tạp, cần phải được xác định đúng vị trí của nó. Chính phủ có 3 nghị định về vấn đề này, nhưng Quốc hội thì chưa có chuyên đề về cổ phần hóa. Tôi cho rằng, Quốc hội phải coi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2015-2016 là vấn đề trọng điểm và phải thực hiện bằng được. Cần phải có luật về vấn đề này”, ông Vũ Mão đề xuất tại Diễn đàn Kinh tế Mùa Xuân 2015.
Chính ông Mão cũng không tin rằng, kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong năm nay được hoàn tất trọn vẹn, bởi vẫn còn một số tập đoàn chưa bàn tới.
Đây cũng là lo ngại của ông Trần Tiến Cường, một trong những chuyên gia lâu năm về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. “Cổ phần hoá là chuyển đổi sở hữu từ nhà nước sang sở hữu khác - chủ yếu là sở hữu của tư nhân trong nước và sở hữu nước ngoài. Vì vậy cổ phần hóa là vấn đề nhạy cảm. Do đó, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam diễn ra rất thận trọng, cũng vì vậy, diễn ra rất chậm”, ông Cường nói.
Tính từ Quyết định 202-CT ngày 8/6/1992, đến nay, cổ phần hóa đã triển khai được 24 năm, đã có 3.650 doanh nghiệp và 415 bộ phận doanh nghiệp nhà nước hoàn tất cổ phần hóa. Phần nhiều trong số này có quy mô nhỏ và vừa.
Hiện tại, đối tượng cổ phần hóa sắp tới là những doanh nghiệp quy mô lớn cổ phần hóa phức tạp hơn, cần nhiều thời gian hơn cho quá trình sắp xếp, tái cơ cấu đi liền với cổ phần hóa.
Với các tập đoàn kinh tế nhà nước, sự phức tạp lớn hơn. Đó là những doanh nghiệp quy mô lớn, có tài sản lớn, nhiều vốn nhà nước, nắm giữ những ngành, lĩnh vực kinh doanh thường được quan niệm là quan trọng, nhạy cảm, liên quan đến vị trí, vai trò của kinh tế nhà nước, an ninh, quốc phòng, công ích. “Hơn thế, các tập đoàn kinh tế và tổng công ty có cấu trúc phức tạp, đa dạng, nhiều tầng nấc, gồm nhiều doanh nghiệp thành viên, lợi ích không đồng nhất thậm chí đối lập nhau. Nhiều trong số đó vẫn còn được coi là nòng cốt, xương sống của doanh nghiệp nhà nước và kinh tế nhà nước. Đây đều là những vấn đề gai góc, cần giải quyết trong và sau cổ phần hóa”, ông Cường phân tích các yếu tố nhạy cảm của cổ phần hóa.
Trong khi đó, hơn 20 năm qua, cổ phần hóa chỉ thực hiện theo các văn bản quy phạm pháp luật (nghị định, nghị quyết, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, các thông tư của các bộ, ngành), chưa có đạo luật quy định khung hay quy định chi tiết về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Trong khi đó, việc đầu tư, sử dụng vốn thành lập, tổ chức, quản lý doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp có vốn nhà nước đã được quy định trong một số luật ban hành kể cả trước kia và gần đây.
Cụ thể, việc đầu tư, sử dụng vốn nhà nước đã được chế định trong Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (năm 2014); việc tổ chức, quản lý DN 100% vốn nhà nước - trong Luật Doanh nghiệp nhà nước (năm 1995, 2003), Luật Doanh nghiệp (năm 1999, 2005, 2014); việc phá sản doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước - trong Luật Phá sản (năm 1993, 2004).
Nhưng ngược lại, việc cổ phần hóa hay thoái vốn nhà nước – những hoạt động thoái đầu tư cần xử lý nhiều vấn đề, liên quan đến vốn, tài sản, cán bộ quản lý, người lao động…, đối diện với những rủi ro, thất thoát vốn, tài sản nhà nước, có thể ảnh hưởng đến khu vực kinh tế nhà nước, ngành, lĩnh vực chiến lược… lại chưa có luật quy định.
Ông Cường nhìn nhận, đây có thể coi là một nghịch lý.
“Vì vậy, việc ban hành luật về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là cần thiết để tạo nền tảng pháp lý cao hơn, vững chắc hơn cho cổ phần hóa những doanh nghiệp quy mô lớn, các doanh nghiệp quan trọng, doanh nghiệp trong các ngành đặc thù liên quan đến đất đai như nông lâm trường, an ninh, quốc phòng, và thực hiện thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp”, ông Cường đề xuất.
Tác giả: Tuyết Ánh
Nguồn tin: www.baodautu.vn
Ý kiến bạn đọc