Ban Chỉ đạo cho rằng, để hoàn thành kế hoạch đặt ra trong 6 tháng cuối năm (cần CPH 228 doanh nghiệp), chưa kể 125 doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) được phê duyệt bổ sung trong năm 2015, đòi hỏi có sự quyết tâm và tập trung cao độ của các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế và tổng công ty Nhà nước.
Cũng trong 6 tháng qua, 2 DNNN đã được bán, giải thể 1 DN, sáp nhập 1 DN, chuyển 3 DN thành công ty TNHH hai thành viên, nâng tổng số DN được sắp xếp, CPH trong 6 tháng đầu năm lên 68 DN.
Những đơn vị thực hiện CPH tốt là thành phố Hà Nội (19 DN), Tập đoàn Than-Khoáng sản (5 DN), tỉnh Nghệ An (4 DN).
Về kết quả bán đấu giá cổ phần lần đầu (IPO), Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết tới giữa tháng 6 đã có 46 DN thực hiện IPO với số cổ phiếu bán được là 110 triệu cổ phiếu, đạt 19,7% tổng số lượng cổ phần chào bán.
Trong thực hiện tái cơ cấu DNNN, các cơ quan đã tập trung sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống quy chế quản lý nội bộ; sắp xếp lại cơ cấu, tổ chức, bộ máy quản lý, điều hành; tăng cường kiểm soát nội bộ...
Đối với thoái vốn Nhà nước, trong 6 tháng đầu năm đã được 7.522 tỷ đồng giá trị sổ sách, thu về 11.161 tỷ đồng, cao hơn 1,48 lần. Trong đó thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm (bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư) là 3.368 tỷ đồng, thu về 3.863 tỷ đồng, bằng 1,15 giá trị sổ sách, đạt 15% số vốn cần thoái.
Còn lại là số lượng các DN bán bớt phần vốn Nhà nước tại các DNNN không cần nắm giữ là 4.153 tỷ đồng, thu về 3.863 tỷ đồng, bằng 1,76 giá trị sổ sách.
Những đơn vị thoái vốn tốt là Viettel, Vinalines, SCIC, VNPT, EVN, Tập đoàn công nghiệp Cao su, PVN, tỉnh Bình Dương.
Tuy nhiên, từ nay tới cuối năm, việc thoái vốn khỏi 5 lĩnh vực nhạy cảm vẫn còn 85% khối lượng công việc cần phải thực hiện.
Ban Chỉ đạo cũng nêu ra những tồn tại hạn chế trong thực hiện CPH DNNN là việc các bộ ban hành chính sách về đổi mới tổ chức quản lý và tái cơ cấu DNNN trong 6 tháng qua chưa đạt tiến độ. Hiện còn 7 dự thảo Nghị định, Quyết định và Đề án (chiếm 63% kế hoạch) chưa được trình Chính phủ ban hành.
Nguyên nhân là do bộ, ngành, địa phương chưa tập trung cho việc ban hành cơ chế, chính sách theo đúng kế hoạch đề ra, chưa tháo gỡ kịp thời những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, đặc biệt là CPH, thoái vốn Nhà nước.
Nguyên nhân khách quan là tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới và những khó khăn của kinh tế trong nước đến thị trường tài chính, thị trường chứng khoán và việc bán cổ phần, thoái vốn ra công chúng. Bên cạnh đó, nhiều DN sắp xếp, CPH hiện nay có quy mô lớn và có nhiều tiềm lực tài chính nên cần thời gian để chuẩn bị, xử lý.
Ban Chỉ đạo cũng đưa ra các giải pháp trong 6 tháng cuối năm là khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách về đổi mới tổ chức quản lý và tái cơ cấu DNNN. Các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo trong quý III hoàn thành phê duyệt phương án CPH của 44 DN đã có quyết định công bố giá trị DN và quyết định công bố được giá trị của 127 DN để trong quý IV hoàn thành phê duyệt phương án CPH. Nếu thực hiện được tiến độ này thì năm 2015 có thể hoàn thành CPH được từ 200-230 DN.
Ban Chỉ đạo đề nghị các bộ, ngành, địa phương đề cao trách nhiệm thực hiện tái cơ cấu DNNN, theo đó bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh, chủ tịch tập đoàn kinh tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng về việc hoàn thành kế hoạch tái cơ cấu DNNN.
Hằng năm, trước mắt là năm 2015, chủ tịch và tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, DNNN không được nhận các danh hiệu thi đua, khen thưởng, không được xem xét bổ nhiệm, đưa vào quy hoạch lên chức vụ cao hơn hoặc bổ nhiệm lại nếu đơn vị mình không hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch tái cơ cấu mà không có lý do chính đáng.
Tác giả: Thành Chung
Nguồn tin: www.chinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc