Cam kết thành lập DN đã vượt mục tiêu của Chính phủ

Thứ hai - 08/05/2017 22:59 265 0
(Chinhphu.vn) – Các địa phương đã cam kết con số 1,4 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, so với mục tiêu Chính phủ đề ra là có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.
Phó Chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà phát biểu tại cuộc họp báo. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phó Chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà phát biểu tại cuộc họp báo. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chiều 8/5, Văn phòng Chính phủ (VPCP) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức họp báo về Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp lần thứ hai, năm 2017.

Khoảng 2.000 đại biểu sẽ trực tiếp tham dự Hội nghị, gấp 4 lần năm ngoái, trong đó khối doanh nghiệp tư nhân khoảng 1.500 đại biểu, cùng khoảng 200 đại biểu từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), một số sứ quán và các định chế tài chính lớn, 100 đại biểu từ các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp đã cổ phần hóa, cùng đại diện các cơ quan nhà nước, các cơ quan báo chí…Phó Chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Hội nghị với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp” sẽ diễn ra ngày 17/5 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội. Chủ đề Hội nghị thể hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, thực sự là động lực phát triển của đất nước.

Tham dự Hội nghị qua hình thức trực tuyến còn có lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố cùng các đại biểu doanh nghiệp, với số lượng 50 - 100 người mỗi điểm cầu.

Dự kiến tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ báo cáo sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Chủ tịch VCCI sẽ báo cáo tổng hợp đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp về việc thực hiện Nghị quyết này.

Các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp hiến kế, kiến nghị; các Bộ, ngành, địa phương trao đổi, thảo luận với doanh nghiệp để giải quyết các vướng mắc, kiến nghị. Thủ tướng Chính phủ sẽ kết luận và sau Hội nghị, Thủ tướng sẽ có Chỉ thị về đồng hành cùng doanh nghiệp.

Ngay sau Hội nghị, trong cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ sẽ họp với các Bộ, ngành, cơ quan để xem xét, xử lý kiến nghị của doanh nghiệp.

Đột phá về tư duy hỗ trợ doanh nghiệp

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, một năm sau Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp lần thứ nhất năm 2016, 75% doanh nghiệp đánh giá các cơ quan chính quyền có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, gần 30% doanh nghiệp đánh giá chuyển biến còn chưa đạt yêu cầu.

Môi trường đầu tư kinh doanh còn nhiều khó khăn, nhưng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp 2016 đã có khởi sắc hơn và niềm tin của doanh nghiệp vào triển vọng kinh doanh tốt hơn năm 2015. Cụ thể, 48% doanh nghiệp dân doanh cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới. Tỷ lệ trong khu vực FDI cũng tương tự.

“Năm qua đã có những đột phá về tư duy, quan điểm, cách thức hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, để chuyển tư duy, quan điểm, cách thức trở thành hành động cụ thể trong thực tiễn cần độ trễ nhất định, nhiều vướng mắc liên quan tới pháp luật chứ không chỉ trong điều hành, nên cần nhiều thời gian hơn”, ông Lộc nói.

Đặc biệt, đại diện VCCI cho biết theo cam kết của chính quyền các địa phương thì tới năm 2020, cả nước sẽ có khoảng 1,4 triệu doanh nghiệp. Như vậy, mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020 mà Chính phủ đề ra là hoàn toàn có thể đạt được. 

Ông Vũ Tiến Lộc cũng cho biết thêm, trong số 320 kiến nghị doanh nghiệp nêu tại hội nghị năm 2016 và 100 kiến nghị gửi bổ sung sau đó, phần lớn đã được giải quyết. Số còn lại đang được nghiên cứu giải quyết, nhất là những kiến nghị liên quan tới quy định của pháp luật cần sửa đổi.

Hiện, VCCI đã nhận được khoảng 200 kiến nghị của các doanh nghiệp gửi tới Hội nghị năm nay, liên quan tới nhiều vấn đề. Chẳng hạn, mặc dù nhiều ngân hàng giảm lãi suất, nhưng các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn tín dụng.

Nghị quyết 35 yêu cầu chỉ thanh tra, kiểm tra 1 năm 1 lần, nhưng thực tế doanh nghiệp vẫn bị thanh tra, kiểm tra khá nhiều, có doanh nghiệp bị tới 6,7 lần một năm. Trong số các doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra nhiều lần, thì có một nửa nói rằng việc thanh tra, kiểm tra là chồng chéo.

Không mong gì những vụ như cà phê Xin Chào

Trả lời câu hỏi của báo chí rằng đâu là “điểm nhấn” của Hội nghị lần này, như vụ cà phê Xin Chào tại Hội nghị năm ngoái, Phó Chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà cho biết các cơ quan chức năng “không mong muốn có những điểm nóng cho doanh nghiệp, những sự kiện như cà phê Xin Chào để giải quyết”.

Tuy nhiên, các cơ quan chức năng sẽ rà soát lại tất cả những bất cập để giảm khó khăn cho doanh nghiệp. Hơn nữa, tinh thần của Hội nghị không chỉ là tháo gỡ khó khăn, bức xúc, mà quan trọng hơn là thúc đẩy các giải pháp phát triển doanh nghiệp.

Còn theo ông Vũ Tiến Lộc, thành công lớn nhất của Nghị quyết 35 là lần đầu tiên Chính phủ có một Nghị quyết về phát triển doanh nghiệp cho cả một nhiệm kỳ. Do đó, việc Chính phủ 'ngồi lại với doanh nghiệp' để đánh giá lại những việc đã làm được, chưa làm được là hết sức cần thiết, không chỉ có hiệu quả thực chất mà còn có sức cổ vũ, động viên rất lớn, thể hiện sự quan tâm, cổ vũ động viên của Chính phủ đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, của nền kinh tế đất nước.

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng cộng đồng doanh nghiệp tư nhân trong nước chính là chìa khóa của sự phát triển, nên khối doanh nghiệp này đóng vai trò chủ thể chính của Hội nghị là hợp lý. Còn khối doanh nghiệp FDI đã có những diễn đàn khác. “Doanh nghiệp ở một số địa phương phàn nàn rằng gặp Chủ tịch tỉnh khó quá, mấy năm lãnh đạo tỉnh chưa gặp doanh nghiệp. Vẫn còn những tư duy như vậy, nên rất cần thông điệp mạnh mẽ từ những Hội nghị như thế này để thay đổi”, ông Lộc nói.

Tuy nhiên, các đại biểu chủ trì họp báo cũng rằng trong thực tế, một số cán bộ, công chức vẫn rất vô cảm trong giải quyết thủ tục hành chính, trước những khó khăn của doanh nghiệp.

“Vụ 20.000 viên thuốc trị ung thư hết hạn sử dụng liên quan tới trách nhiệm của một số cơ quan nhà nước là một điển hình. Còn rất nhiều những vụ việc như vậy trong thực tế. Nhiều doanh nghiệp ngồi trên đống lửa vì chờ thủ tục. Nhiều khi nhanh một ngày là doanh nghiệp sống được, chậm một ngày là mất đối tác, mất hợp đồng, thậm chí bị phạt. Dân có vội dân lội dân sang, nhưng người dân không thể lội qua thủ tục hành chính đó”, ông Lộc ví von.

 

Tác giả: Thanh Hằng

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

128/QĐ-SKHĐT

Quyết định ban hành Quy chế thực hiện dân chủ của Sở Kế hoạch và Đầu tư

Thời gian đăng: 25/01/2024

lượt xem: 737 | lượt tải:3612

105/QĐ-SKHĐT

Quyết định Công khai dự toán thu, chi ngân sách năm 2022

Thời gian đăng: 14/02/2023

lượt xem: 839 | lượt tải:347

78/NQ-CP

Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 20 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ chuyên đề về phòng, chống dịch COVID-19.

Thời gian đăng: 26/07/2021

lượt xem: 2650 | lượt tải:291

01/QĐ-SKHĐT

QĐ về việc ban hành Lịch tiếp công dân năm 2021 của Sở Kế hoạch và Đầu tư

Thời gian đăng: 04/08/2021

lượt xem: 2092 | lượt tải:275

114/QĐ-SKHĐT

QĐ công khai dự toán thu, chi NS năm 2021

Thời gian đăng: 22/08/2021

lượt xem: 2256 | lượt tải:265
Đường dây nóng
  • Đang truy cập32
  • Hôm nay15,939
  • Tháng hiện tại323,675
  • Tháng trước:580,744
  • Tổng lượt truy cập16,316,847
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down