Tuần qua đã ghi dấu ấn về sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với việc phát triển doanh nghiệp ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Trong đó, sự kiện quan trọng nhất là ngày 6/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Nghị quyết 19-2017/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020.
Theo các chuyên gia, với 250 chỉ tiêu và tương ứng là từng ấy nhiệm vụ cụ thể giao cho các bộ ngành, địa phương, Nghị quyết 19-2017/NQ-CP có nhiều điểm mới, bắt nguồn chính từ yêu cầu của Chính phủ với những cải thiện mạnh mẽ hơn về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia.
Nghị quyết 19 năm 2017 có cách tiếp cận mở rộng, toàn diện hơn, bao trùm hơn, tiếp cận đồng bộ 4 vấn đề: Môi trường kinh doanh (theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới); năng lực cạnh tranh quốc gia (theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới); đổi mới sáng tạo (theo đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới WIPO); và Chính phủ điện tử (theo đánh giá của Liên Hợp quốc).
Nghị quyết lần đầu tiên đề cập 10 chỉ tiêu về Chính phủ điện tử, 85 chỉ tiêu về đổi mới sáng tạo, 114 chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh quốc gia, với một trong những mục tiêu là thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, hướng nền kinh tế tới một giai đoạn phát triển cao hơn.
Cũng trong ngày 6/2, tại TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam nhằm tìm giải pháp để phát triển ngành nuôi, chế biến tôm thành ngành kinh tế nông nghiệp trọng điểm, thích ứng với biến đổi khí hậu trong thời gian tới.
Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra mục tiêu, tầm nhìn, chỉ đạo những giải pháp cụ thể để phát triển ngành này. Theo đó, Việt Nam, trước hết là Đồng bằng sông Cửu Long, sẽ là thủ phủ của ngành công nghiệp nuôi và chế biến tôm chất lượng cao trên toàn thế giới. Việt Nam phấn đấu trở thành một công xưởng sản xuất tôm của thế giới.
Đây là hội nghị chuyên đề đầu tiên về phát triển một ngành kinh tế cụ thể được Thủ tướng triệu tập kể từ khi nhậm chức và có lẽ cũng là hội nghị tương tự đầu tiên từ trước tới nay được tổ chức. Những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị đã nhận được sự ủng hộ rất cao từ các chuyên gia, doanh nghiệp và người dân.
Được tổ chức sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn nút khởi động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ngay dịp đầu năm mới Đinh Dậu, với hội nghị này, có thể nói, ngành tôm đã được xác định là “mũi nhọn của mũi nhọn’, “đột phá của đột phá” trong phát triển kinh tế-xã hội.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngày 9/2, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đã chủ trì cuộc họp chuẩn bị cho việc tổ chức Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp lần thứ hai, dự kiến trong tháng 3/2017.
Tại đây, tình hình triển khai Nghị quyết số 35 của Chính phủ - được ban hành sau Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp lần thứ nhất – đã được sơ kết và thảo luận một cách thẳng thắn.
Trước thực trạng mà nhiều ý kiến chỉ ra, là việc triển khai Nghị quyêt đang “trên nóng, dưới lạnh”, ‘tinh thần hừng hực trong Chính phủ, một số bộ, ngành nhưng chưa chuyển được xuống cấp cơ sở, các cán bộ công chức”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các đánh giá sâu về hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN, bao nhiêu bộ ngành thực hiện cam kết và có chương trình hành động Nghị quyết 35, những nơi làm chậm, thậm chí không làm phải có địa chỉ cụ thể.
Đặc biệt, theo Phó Thủ tướng, tinh thần thực hiện phát triển doanh nghiệp trong giai đoạn mới không chỉ là “hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn” nữa mà phải là tạo thuận lợi thương mại cho đầu tư, kinh doanh, phù hợp với mong muốn chi phí sản xuất thấp, ít rủi ro về pháp lý của cộng đồng doanh nghiệp.
Cũng trong ngày 9/2, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành về những kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của Bộ Công Thương – đơn vị được đánh giá là đã rất nỗ lực và triển khai có hiệu quả việc hoàn thiện thể chế thời gian qua.
Cụ thể, Bộ Công Thương đã kiến nghị một số nội dung trong lĩnh vực cải cách hành chính, thủ tục, điều kiện kinh doanh, giao dịch điện tử và chữ ký số…
Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình đánh giá cao những kết quả về cải cách hành chính mà Bộ Công Thương đạt được trong thời gian qua, đồng thời cho ý kiến về các kiến nghị này, từ đó, tạo cơ sở cho Bộ Công Thương cùng các bộ ngành khác tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Như vậy, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, lãnh đạo Chính phủ đã bắt tay ngay vào việc hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Những yêu cầu được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại phiên họp Chính phủ thường kỳ cuối tuần trước, như tổ chức hội nghị về phát triển ngành tôm, về chuẩn bị cho Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp… đã được triển khai ngay trong tuần này.
Mặt khác, những chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng thể hiện nhiều tư tưởng, tầm nhìn mới, với yêu cầu cao hơn về hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đưa nền kinh tế bước vào giai đoạn phát triển cao hơn.
Tác giả: Hà Chính
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc