Dự thảo báo cáo định hướng xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và vốn đầu tư năm 2018 của tỉnh dự kiến một số chỉ tiêu quan trọng như: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn 6,45%; GRDP bình quân đầu người trên 25 triệu đồng; tổng sản lượng lương thực có hạt 215 nghìn tấn; diện tích cây chè 5.500 ha; tỷ lệ che phủ rừng 48,4%; năm 2018 có thêm 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt lên 26 xã, đạt tổng số 27% số xã của toàn tỉnh; thu ngân sách trên địa bàn 1.900 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu hàng địa phương 6,2 triệu USD; 100% xã có đường ô tô mặt đường được cứng hóa; 86% bản có đường xe máy, ô tô đi lại thuận lợi; 93% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 90% dân số đô thị được sử dụng nước sạch; 80,5% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh... Bàn và thảo luận về vấn đề này, các đại biểu đã tập trung phân tích những tiềm lực, hạn chế và giải pháp thực hiện trong đó có cả các mục tiêu về y tế, giáo dục, đào tạo nghề, tỷ lệ giảm nghèo của tỉnh. Đại biểu cho rằng hiện nay việc ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh vẫn còn hạn chế, công tác quản lý, điều hành vẫn còn thủ công, chưa tiếp cận với công nghệ thông tin. Tại các xã và trong một số đơn vị vẫn chưa ứng dụng công tác quản lý, điều hành trên máy tính; Internet đã đến các xã nhưng nhu cầu sử dụng không nhiều... và đại biểu đề nghị sớm ứng dụng chữ ký số tại các cơ quan hành chính nhà nước. Với những chỉ tiêu khó đạt, các đại biểu cũng đưa nhiều ý kiến bàn các giải pháp như duy trì, tăng trưởng phát triển nông nghiệp; xây dựng các xã đạt chuẩn nông thôn mới; việc đảm bảo thu ngân sách trên địa bàn. Nhấn mạnh nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ngành cần xác định dư địa tăng trưởng để tính toán hợp lý, xác định những mảng, ngành có thể mạnh để thúc đẩy phát triển. Cũng cần bám sát các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội để có kế hoạch thực hiện cho phù hợp.
Đối với dự thảo định hướng về xây dựng dự toán thu – chi ngân sách năm 2018 và kế hoạch tài chính – ngân sách 03 năm 2018-2020, các đại biểu cơ bản đồng ý giữ nguyên dự kiến thu ngân sách trên địa bàn là 1.900 tỷ đồng, tuy nhiên nên điều chỉnh một số khoản thu cho phù hợp. Đại biểu đề nghị quá trình xây dựng kế hoạch cần bám sát tình hình thực tế của địa phương, vừa để đảm bảo khả năng thu theo kế hoạch, vừa làm cơ sở để tiếp tục xây dựng dự toán thu chi cho những năm tiếp theo. Đồng chí Đỗ Ngọc An, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu đối với chỉ tiêu thu ngân sách từ nay tới cuối năm ngành thuế phải có giải pháp phối hợp với các ngành, địa phương tập trung thu gần 200 tỷ đồng nợ thuế và thu ngân sách trên địa bàn. Đối với chi ngân sách nhà nước, phiên họp cũng bàn thảo luận đề nghị có sự chỉ đạo để tăng chi đầu tư, phát triển, kiềm soát chi sự nghiệp, chi thường xuyên.
Đại biểu cũng dành nhiều thời gian để bàn ý kiến vào Đề án thành lập trung tâm hành chính công của tỉnh. Cơ bản các đại biểu đồng thuận cao với đề án và cho rằng đây là mô hình mới để nhằm đáp ứng nhiệm vụ cải cách hành chính, giảm thiểu thủ tục hành chính, tạo sự thông thoáng cho các tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch. Thực hiện tốt Trung tâm hành chính công sẽ góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính. Tuy nhiên, để trung tâm hành chính công của tỉnh đi vào hoạt động thì việc bố trí sắp xếp nhân sự, chính sách đào tạo nâng cao năng lực; hỗ trợ kinh phí thực hiện nhiệm vụ cho đội ngũ cán bộ công chức... cần phù hợp, có lộ trình thực hiện. Để Trung tâm hoạt động cũng cần có hệ thống phần mềm tin học thích hợp cho các ngành, tạo sự kết nối liên thông cho các ngành để tạo điều kiện giải quyết nhanh cho công dân, tổ chức đến giao dịch. Chủ tọa phiên họp nhấn mạnh việc thành lập Trung tâm hành chính công của tỉnh là cần thiết phải thực hiện, trên cơ sở đề án được trình tại phiên họp, thủ trưởng các ngành cần sớm có văn bản tham gia ý kiến gửi Sở Nội vụ tổng hợp, hoàn thiện Đề án trình Bộ Nội vụ trước ngày 25/7. Giao cho Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Xây dựng phối hợp tổ chức tốt việc đảm bảo hệ thống hạ tầng thông tin, hệ thống trang thiết bị; sắp xếp chuyên viên thực hiện; nhanh chóng hoàn thiện và ra mắt được Trung tâm hành chính công của tỉnh trong thời gian sớm nhất.
Đối với Chương trình phát triển đô thị tỉnh Lai Châu giai đoạn 2017-2030, đại biểu nhất trí cho rằng việc triển khai phát triển hệ thống đô thị tỉnh Lai Châu cần được thực hiện theo lộ trình phù hợp với quá trình phát triển của tỉnh; không nên nôn nóng phát triển đô thị mà cần phải tính toán thật kỹ, nâng cấp từng bước để đảm gắn với bảo bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, tính đến việc phát triển đô thị thông minh...
Riêng tờ trình chấp thuận bổ sung danh mục dự án phải thu hồi đất, mức vốn bồi thường, giải phóng mặt bằng và thông qua danh mục dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ sang mục đích khác phát sinh trong năm 2017 trên địa bàn tỉnh, gồm 86 dự án với tổng diện tích trên 295 ha. Trong đó: Đất nông nghiệp trên 214 ha; đất phi nông nghiệp 68,79 ha; đất chưa sử dụng 12,25 ha chủ tọa phiên họp giao sở Tài nguyên Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp rà soát lại cụ thể các dự án tại các huyện, thành phố, nếu liên quan đến rừng phải đưa ra khỏi diện tích đất thu hồi. Sau rà soát tổng hợp trình phiên họp tháng 8 để đại biểu tiếp tục tham gia ý kiến./.
Tác giả: Nguyễn Chanh
Nguồn tin: www.laichau.gov.vn
Ý kiến bạn đọc