Tại đây, Thụy Sỹ cam kết hỗ trợ 92 triệu USD vốn ODA không hoàn lại cho Việt Nam để thực hiện các dự án hợp tác ưu tiên của 2 phía.
Theo sát tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh chóng của Việt Nam, Thụy Sỹ tiếp tục điều chỉnh chính sách viện trợ ODA cho Việt Nam. Theo đó, Thụy Sỹ sẽ kết thúc các chương trình hợp tác song phương trong lĩnh vực quản trị công và xóa đói, giảm nghèo do SDC (Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sỹ) thực hiện, thay vào đó đẩy mạnh hợp tác phát triển kinh tế trong khuôn khổ hỗ trợ của SECO (Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ).
Trên cơ sở kinh nghiệm rút ra quá trình thực hiện các chương trình hợp tác tại Việt Nam trước đó, cũng như tham vẫn Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng các đối tác từ khu vực tư nhân, cơ quan nghiên cứu và các tổ chức xã hội dân sự, Chiến lược Hợp tác phát triển giai đoạn 2017-2020 của SECO với Việt Nam sẽ hỗ trợ 3 mục tiêu chính: (1) Tăng cường thể chế và chính sách kinh tế hiệu quả; (2) Phát triển khu vực tư nhân sử dụng nguồn lực hiệu quả và có khả năng cạnh tranh; (3) Thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân sử dụng nguồn lực hiệu quả và có khả năng cạnh tranh.
Cụ thể, Chiến lược sẽ tập trung vào các lĩnh vực gồm: quản trị tài chính công, tăng cường ngành tài chính, tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thúc đẩy các tiêu chuẩn môi trường và xã hội bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch, các điều kiện khung để phát triển thương mại bền vững, môi trường kinh doanh lành mạnh, quy hoạch đô thị hợp nhất, cũng như tiếp cận các dịch vụ công đáng tin cậy để nâng cao đời sống cho người dân Việt Nam.
Phát biểu tại lễ công bố Chiến lược, bà Marie Gabrielle Ineichen Fleisch cho biết, hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Thụy Sỹ được thành lập năm 1971 và hỗ trợ vốn ODA cho Việt Nam bắt đầu vào năm 1992. Tính đến năm 2015, Thụy Sỹ đã cam kết 467 triệu phờ - răng Thụy Sỹ (tương đương 488 triệu USD) để hỗ trợ chương trình cải cách và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam thông qua hai cơ quan phát triển là SDC và SECO, với các công cụ và chương trình bổ sung cho nhau.
Bà Marie Gabrielle Ineichen Fleisch cho biết, mục đích của quan hệ đối tác phát triển này là nhằm hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội thông qua hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, cũng như là nâng cao năng lực. Đến nay, Việt Nam – Thụy Sỹ đã đạt được những kết quả quan trọng trong việc cải thiện môi trường làm việc cho lao động, trong việc sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh và cung cấp vốn cho khu vực tư nhân. Đặc biệt, sau hơn 20 năm cải cách và đổi mới, Việt Nam đã thành công ra nhập nhóm nước có thu nhập trung bình.
Tuy nhiên, bà Marie Gabrielle Ineichen Fleisch lo lắng, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức về kinh tế - xã hội và môi trường, cùng với những mục tiêu hết sức tham vọng trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2016-2020, đòi hỏi Việt Nam phải có cải cách mạnh mẽ hơn nữa. Để thực hiện những mục tiêu này, chính phủ Thụy Sỹ cam kết sẽ tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình đổi mới bằng việc ưu tiên cung cấp nguồn vốn OAD cho Việt Nam.
Tại lễ công bố, đánh giá cao sự hỗ trợ và đồng hành của chính phủ Thụy Sỹ trong suốt hơn 20 năm qua, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho biết, trong quá trình chuyển mình, Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ của nhiều nước, trong đó có Thụy Sỹ. Đặc biệt là, các dự án ODA do Thụy Sỹ tài trợ đều có hiệu quả thiết thực, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của Việt Nam.
Theo đó, Thứ trưởng Phương nhấn mạnh: “Công bố Chiến lược Hợp tác phát triển của Thụy Sỹ với Việt Nam giai đoạn 2017-2020 là 1 sự kiện quan trọng đánh giá sự hợp tác toàn diện, liên tục trong suốt thời gian vừa qua giữa 2 nước, nhất là trong lĩnh vực kinh tế”.
Thứ trưởng Phương hy vọng, Thụy Sỹ sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam thông qua các chương tình hợp tác song phương, đa phương và khu vực. Các cơ quan hợp tác phát triển của Thụy Sỹ tại Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan Trung ương, địa phương của Việt Nam, các nhà tài trợ khác... triển khai thành công Chiến lược Hợp tác phát triển giai đoạn 2017-2020, để những cam kết về tài chính của Thụy Sỹ thực sự hiệu quả, mang lại lợi ích cho nhân dân Việt Nam và đáp ứng được mối quan tâm và lợi ích chung của hai nước.
Ngoài ra, bên cạnh việc hỗ trợ về kỹ thuật, thời gian tới, Thứ trưởng Phương cũng mong muốn, Thụy Sỹ đẩy mạnh các dự án đầu tư vào Việt Nam, từ đó giúp Việt Nam học hỏi được các kỹ năng quản lý tiên tiến, tiếp cận được các trang thiết bị công nghệ hiện đại, từ đó thúc đẩy hợp tác kinh tế của hai nước./.
Sáng nay, ngày 11/10/2016, Bà Marie Gabrielle Ineichen Fleisch cùng đoàn doanh nghiệp Thụy Sỹ cũng đã có buổi thăm và làm việc tại Cơ quan đăng ký kinh doanh TP. Hà Nội. Mục đích của buổi làm việc là nhằm nắm bắt những kết quả của Chương trình cải cách đăng ký kinh doanh ở Việt Nam do Chính phủ Thụy Sỹ tài trợ, đồng thời, để đoàn doanh nghiệp Thụy Sỹ tìm hiểu về môi trường kinh doanh Việt Nam, thủ tục khởi sự kinh doanh ở Việt Nam cũng như các cơ hội đầu tư tiềm năng trên địa bàn Thủ đô Hà Nội./.
Tác giả: Kim Hiền
Nguồn tin: kinhtevadubao.vn
Ý kiến bạn đọc