Tháo gỡ những vướng mắc của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam

Thứ tư - 19/10/2016 22:43 378 0
Sáng 18/10, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Phòng Thương mại Công nghiệp Nhật Bản đã tổ chức Đối thoại lần thứ tư nhằm giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp Nhật Bản, thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.
Toàn cảnh đối thoại
Toàn cảnh đối thoại

Đối thoại có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, các lãnh đạo và đại diện từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ. Về phía Nhật Bản có sự hiện diện của ông Kobayashi Yoichi, Chủ tịch Ủy ban hợp tác kinh tế Me Kong - Nhật Bản, cùng đại diện các doanh nghiệp thành viên của Phòng Thương mại Công nghiệp Nhật Bản và Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.

Đây là hoạt động thường niên nhằm triển khai Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản được ký kết vào năm 2012 về hợp tác phát triển kinh tế, thúc đẩy đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam.

Tại đối thoại, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đánh giá cao cách làm việc bài bản và chuyên nghiệp từ phía Nhật Bản. Doanh nghiệp Nhật Bản luôn thận trọng, nghiêm túc, tuân thủ pháp luật, tôn trọng văn hóa bản địa khi triển khai các dự án đầu tư.

Thứ trưởng cho biết, Chính phủ Việt Nam luôn mong muốn mở rộng và đẩy mạnh hợp tác kinh tế với Nhật Bản, bao gồm cả các lĩnh vực thương mại, đầu tư. Đối thoại này là cơ hội để giải quyết các vấn đề giữa hai bên một cách hiệu quả và thực chất.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông 

Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp Nhật Bản chính là nhà ngoại giao kinh tế góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương lên tầm cao mới trong thời gian qua.

Kể từ cuộc Đối thoại lần thứ ba, với sự tham gia đóng góp của Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cùng với đại diện các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với tư cách là cơ quan đầu mối của Chính phủ đã tổng hợp các vấn đề vướng mắc của các doanh nghiệp Nhật Bản, phối hợp với các bộ, ban, ngành và địa phương đưa ra các hướng giải quyết cụ thể với mục tiêu ngày càng hoàn thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia.

Những năm qua, quan hệ Việt Nam và Nhật Bản đã và đang phát triển hết sức tốt đẹp. Trên nền tảng quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á, Nhật Bản là đối tác cung cấp ODA lớn nhất, cũng như đối tác FDI lớn thứ 2 của Việt Nam. Trong đó, đã có hơn 3.200 dự án của Nhật Bản với tổng vốn đăng ký vượt 42 tỷ USD, chiếm hơn 14% tổng FDI của Việt Nam.

Đồng tình với quan điểm này, ông Kobayashi Yoichi khẳng định, trong thời gian qua, hoạt động giao thương giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản ngày càng phát triển. Trên cơ sở đó, Ủy ban Nhật Bản khu vực Me Kong đã tiến hành khảo sát đánh giá của các doanh nghiệp thành viên về Việt Nam trên cơ sở so sánh với các nước khác.

Theo đánh giá, so với các nước Thái Lan, Trung Quốc/Singapore, tiếp đến là Indonesia/Ấn Độ, những ưu điểm của Việt Nam là “có lực lượng lao động trẻ dồi dào, cần cù chăm chỉ, ưu tú và chi phí lao động thấp”, tiếp đến là “thị trường nội địa tăng trưởng do kinh tế phát triển ổn định”, “người dân Việt Nam có tình cảm tốt đẹp với Nhật Bản’, “Nhật Bản và Việt Nam có môi quan hệ hết sức tốt đẹp về cả 2 mặt chính trị và kinh tế”.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến nêu lên “điểm yếu của Việt Nam” là “hệ thống chính sách pháp luật về cấp phép, thuế, kinh doanh của doanh nghiệp chưa hoàn thiện”, “thủ tục hành chính thiếu minh bạch”, “hạ tầng giao thông còn cần tiếp tục hoàn thiện, nâng cao”. Về các điểm này, các doanh nghiệp đã đưa ra các kiến nghị cụ thể về 10 vấn đề chính, như đề nghị Chính phủ thúc đẩy thực hiện chính sách công nghiệp, xây dựng và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, có khả năng sử dụng ngoại ngữ...

 

Dựa trên các ý kiến nêu trên của doanh nghiệp Nhật Bản, Việt Nam đã đề xuất một số kiến nghị về các nội dung mà Nhật Bản quan tâm, để ngày càng nhiều các doanh nghiệp Nhật Bản “lựa chọn Việt Nam” làm nơi phát triển kinh doanh trong thời gian tới. Cụ thể:

Đối với vấn đề thúc đẩy chính sách công nghiệp, Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2035 (Quyết định số 879/QĐ-TTg ngày 09/6/2014), trong đó huy động hiệu quả mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế trong nước và từ bên ngoài để phát triển, tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng hiện đại; Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp có kỹ năng, có kỷ luật, có năng lực sáng tạo; Ưu tiên phát triển và chuyển giao công nghệ đối với các ngành, các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh và công nghệ hiện đại, tiên tiến ở một số lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản, điện tử, viễn thông, năng lượng mới và tái tạo, cơ khí chế tạo và hóa dược; Điều chỉnh phân bố không gian công nghiệp hợp lý nhằm phát huy sức mạnh liên kết giữa các ngành, vùng, địa phương để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đối với xây dựng và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp – Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp luật, chính sách nhằm hỗ trợ khối doanh nghiệp này, các chính sách này cũng đã từng bước đi vào cuộc sống. Chính phủ xác định vai trò trọng yếu của khối doanh nghiệp tư nhân gắn với mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh và có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020. Bên cạnh đó, Việt Nam đang xây dựng Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm và thông lệ quốc tế. Đồng thời, nhằm thúc đẩy khu vực doanh nghiệp này đổi mới sáng tạo, phát triển, đóng góp ngày càng cao cho nền kinh tế, các nội dung có trọng tâm, trọng điểm, đột phá liên quan đến các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực canh tranh, liên kết ngành - chuỗi giá trị, hội nhập quốc tế, đồng thời đảm bảo tính đồng bộ pháp lý cao nhất với các Luật Đầu tư, Luật doanh nghiệp đã có hiệu lực.

Đối với phát triển nguồn nhân lực, Chính phủ đã Phê duyệt Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam, trong đó xác định mục tiêu đến năm 2015 sẽ có 55% và năm 2020 sẽ có 70% lao động qua đào tạo,chú trọng xây dựng đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật có năng lượng, khả năng sử dụng ngoại ngữ tốt, đáp ứng đa dạng nhu cầu của các thành phần kinh tế.

Chính phủ Việt Nam cũng đang xem xét, sửa đổi giao thêm quyền tự chủ đối với các Trường đại học trong nước để có thể nâng cao chất lượng đào tạo, tạo đầu ra có chất lượng có thể đáp ứng tốt nhu cầu doanh nghiệp.

Đối với xây dựng và nâng cấp hạ tầng giao thông đô thị, Việt Nam sẽ tiến hành xây dựng, triển khai quyết liệt, thống nhất các giải pháp gồm: huy động các nguồn lực, xã hội hóa (ODA, PPP) đầu tư, phát triển giao thông công cộng, gồm đường sắt đô thị; xe buýt nhanh; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và giảm sát quy hoạch; giảm phương tiện cá nhân...

Việt Nam đã hoàn thiện hệ thống quy phạm phạm luật về đầu tư phát triển hạ tầng, bao gồm Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Nghị định và danh mục dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP. Các địa phương như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang đầu tư và kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân đầu tư vào hệ thống giao thông đô thị như: hệ thống đường sắt đô thị, hệ thống vé điện tử giao thông đô thị, hệ thống vận tải đường thủy nội đô. Đề nghị các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm nghiên cứu, nếu các dự án này được hoàn thành sẽ cơ bản khắc phục tình trạng ùn tắc tại các đô thị lớn.

Đối với việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, Việt Nam đã liên tục sửa đổi, bổ sung các quy định về đầu tư kinh doanh của Việt Nam để phù hợp với tình hình mới. Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành và đang triển khai quyết liệt các Nghị quyết 19, tập trung vào cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực canh tranh quốc gia, tập trung vào cải cách thủ tục bảo hiểm, thuế, hải quan, tiếp cận điện, thành lập và giải thể doanh nghiệp phấn đấu đạt mức bình quân của các nước ASEAN 4 ngay trong năm 2016.

Đối với thủ tục thông quan, đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh, các nội dung về đơn giản hóa thủ tục thuế, hải quan đều là mục tiêu chính trong cải cách thủ tục hành chính đang được Chính phủ triển khai quyết liệt trên tinh thần Nghị quyết số 19 về những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo hướng tập trung loại bỏ các thủ tục không cần thiết, áp dụng triệt để công nghệ thông tin, nâng cao trách nhiệm cán bộ cũng như hạn chế tối đa viêc tiếp xúc trực tiếp với doanh nghiệp.

Đối với việc nới lỏng các điều kiện về nhập cảnh không cần visa, Việt Nam sẽ tiếp tục có các chính sách, cơ chế tạo điều kiện thuận lợi nhất để công dân Nhật Bản đến du lịch, đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Đối với đại diện, chuyên gia của doanh nghiệp Nhật Bản có nhu cầu ra vào Việt Nam nhiều lần, đề nghị doanh nghiệp xin cấp visa (có giá trị ra vào nhiều lần) vào làm việc với doanh nghiệp (thời hạn 1 năm) hoặc visa lao động (thời hạn 2 năm). Việc sử dụng visa đúng mục đích sẽ tạo thuận lợi cho chuyên gia Nhật Bản làm việc tại Việt Nam mà không cần phải xin visa cho mỗi lần nhập cảnh.

Đối với việc làm rõ tiêu chí trong quy định về nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng, Việt Nam đã quy định rõ tại Thông tư 23/2015/TT-BKHCN ngày 12/11/2015 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2016), là Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia/Tiêu chuẩn Quốc gia hoặc Tiêu chuẩn các nước G7 về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Bà Lương Thị Thu Hương, Vụ Đánh giá thẩm định và Giám định công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết thêm, trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp với các bộ, ngành và địa phương để có phương án xử lý nhất quán, thống nhất đối với các trường hợp doanh nghiệp nhập thiết bị đã qua sử dụng vào mục địch đầu tư dự án.

Đối với đề xuất giảm thuế nhập khẩu cho hàng nhập khẩu với mục đích nghiên cứu phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận kiến nghị của JCCI đối với việc áp dụng mức thuế, thủ tục liên quan đến nhập khẩu nguyên liệu và thành phẩm phục vụ thuần túy cho mục tiêu R&D, để có phương án áp dụng - xử lý phù hợp, thúc đẩy và tạo thuận lợi cho các dự án R&D phát triển trong thời gian tới.

Cuối cùng, đối với đề xuất nới lỏng quy định đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ, lưu thông phân phối, trên thực tế Việt Nam đã có quy định nới lỏng điều kiện này theo hướng lập cơ sở bán lẻ có diện tích dưới 500m2 mà phù hợp với quy hoạch thì không phải Kiểm tra Nhu cầu Kinh tế. Quy định này mở cửa dịch vụ phân phối rộng hơn cam kết WTO của Việt Nam và là một bước mới trong tiến trình đơn giản hóa, từng bước tháo dỡ những ràng buộc đối với nhà đầu tưu FDI trong lĩnh vực phân phối./.


 

Tác giả: Trang Trần

Nguồn tin: kinhtevadubao.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

128/QĐ-SKHĐT

Quyết định ban hành Quy chế thực hiện dân chủ của Sở Kế hoạch và Đầu tư

Thời gian đăng: 25/01/2024

lượt xem: 737 | lượt tải:3612

105/QĐ-SKHĐT

Quyết định Công khai dự toán thu, chi ngân sách năm 2022

Thời gian đăng: 14/02/2023

lượt xem: 839 | lượt tải:347

78/NQ-CP

Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 20 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ chuyên đề về phòng, chống dịch COVID-19.

Thời gian đăng: 26/07/2021

lượt xem: 2650 | lượt tải:291

01/QĐ-SKHĐT

QĐ về việc ban hành Lịch tiếp công dân năm 2021 của Sở Kế hoạch và Đầu tư

Thời gian đăng: 04/08/2021

lượt xem: 2092 | lượt tải:275

114/QĐ-SKHĐT

QĐ công khai dự toán thu, chi NS năm 2021

Thời gian đăng: 22/08/2021

lượt xem: 2256 | lượt tải:265
Đường dây nóng
  • Đang truy cập231
  • Hôm nay16,427
  • Tháng hiện tại324,163
  • Tháng trước:580,744
  • Tổng lượt truy cập16,317,335
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down