Luật Đầu tư đang vướng luật chuyên ngành

Thứ ba - 12/01/2016 02:51 539 0
(Chinhphu.vn) – Theo Bộ KHĐT, đang có vướng mắc trong việc áp dụng Luật Đầu tư và một số văn bản pháp luật liên quan, trong đó có nhiều luật chuyên ngành.
Đang có vướng mắc trong việc áp dụng Luật Đầu tư và các Luật chuyên ngành về thẩm quyền quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh.
Đang có vướng mắc trong việc áp dụng Luật Đầu tư và các Luật chuyên ngành về thẩm quyền quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh.

Luật Đầu tư đã cải cách mạnh mẽ thủ tục đầu tư theo hướng thay thủ tục thẩm tra cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với lĩnh vực đầu tư có điều kiện bằng thủ tục đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và không yêu cầu lấy ý kiến thẩm tra của các Bộ, ngành; đầu mục hồ sơ đăng ký đầu tư cũng giảm thiểu đáng kể theo hướng không yêu cầu nhà đầu tư phải chuẩn bị các tài liệu như: giải trình kinh tế - kỹ thuật, giải trình đáp ứng điều kiện.

Tuy nhiên, một số văn bản pháp luật được ban hành trước thời điểm Luật Đầu tư có hiệu lực vẫn yêu cầu thực hiện một số thủ tục khác trong quá trình cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Gây khó cho cả DN và cơ quan quản lý

Cụ thể, theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật Bảo vệ môi trường, quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường là căn cứ để cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư hoặc cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

Theo Bộ KHĐT, việc yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường trước thời điểm quyết định chủ trương đầu tư hoặc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là không phù hợp với thực tế triển khai dự án đầu tư vì tại thời điểm này, nhà đầu tư mới đề xuất địa điểm và chưa có dự án đầu tư được phê duyệt nên không có đủ căn cứ để lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường.

“Điều này tạo rủi ro rất lớn về chi phí đầu tư cho nhà đầu tư trong trường hợp dự án đầu tư không được chấp thuận vì những lý do không liên quan đến môi trường hoặc buộc phải thay đổi địa điểm thực hiện dự án”, Bộ KHĐT đánh giá trong báo cáo mới đây gửi Chính phủ.

Trường hợp thứ hai là theo Điều 33 Nghị định 73/2012/NĐ-CP ngày 26/9/2012 về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đầu tư bao gồm giải trình kinh tế - kỹ thuật; đề án tiền khả thi; và theo Điều 34 Nghị định này, việc lấy ý kiến của các Bộ, Sở ngành có liên quan là một trong các thủ tục phải thực hiện để thẩm tra điều kiện cấp Giấy chứng nhận đầu tư. 

Tương tự, theo Điều 5 Nghị định 23/2007/NĐ-CP, Cơ quan đăng ký đầu tư phải lấy ý kiến của Bộ Công Thương và chỉ cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan đến mua bán hàng hóa nếu được Bộ Công Thương chấp thuận bằng văn bản.

“Điều này dẫn đến xung đột giữa các văn bản pháp luật, gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và cơ quan đăng ký đầu tư”, Bộ KHĐT đưa quan điểm về các trường hợp nói trên.

Vướng mắc điều kiện kinh doanh

Cũng liên quan đến việc triển khai thi hành Luật Đầu tư, Bộ KHĐT cho biết trong quá trình rà soát điều kiện đầu tư kinh doanh đã phát sinh vướng mắc liên quan đến việc áp dụng Luật Đầu tư và các Luật chuyên ngành về thẩm quyền quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh.

Theo quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư, điều kiện đầu tư kinh doanh phải được quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định. Tuy nhiên, Luật ban hành văn quy phạm pháp luật 2008 và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi năm 2015 (có hiệu lực ngày 01/7/2016) đều quy định: “trong trường hợp văn bản có điều, khoản, điểm mà nội dung liên quan đến quy trình, quy chuẩn kỹ thuật và những nội dung khác cần quy định chi tiết thì ngay tại điều, khoản, điểm đó có thể giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định chi tiết”.

Theo phân tích của Bộ KHĐT, như vậy, trường hợp Luật chuyên ngành giao thẩm quyền cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quang ngang Bộ ban hành các quy định về điều kiện kinh doanh thì việc ban hành này liệu có trái với quy định của Luật Đầu tư không? Trong trường hợp này có được áp dụng quy định tại khoản 3 Điều 156 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật hay không?

Mặt khác, Chính phủ chỉ có thẩm quyền ban hành Nghị định để quy định các nội dung quy định tại Điều 19 Luật ban hành văn bản quy phạm. Như vậy, trong trường hợp Luật Đầu tư đã quy định là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện nhưng Luật chuyên ngành chưa có quy định cụ thể về ngành nghề kinh doanh có điều kiện hoặc không giao thẩm quyền cho Chính phủ quy định chi tiết điều kiện kinh doanh liệu thì có thể áp dụng quy định tại khoản 3 Điều 19 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hay không?

Theo Bộ KHĐT, đây là những vấn đề cần sự thống nhất giữa các Bộ, ngành trong quá trình rà soát các điều kiện đầu tư kinh doanh.

Nhiều vướng mắc đang được tháo gỡ

Cũng theo Bộ KHĐT, bên cạnh các giải pháp cải cách thủ tục hành chính về thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất đã được luật hóa trong một số Luật (như Luật đất đai, Luật bảo vệ môi trường, Luật xây dựng), nhiều giải pháp khác quy định tại Nghị quyết 43/NQ-CP ngày 06/6/2014 của Chính phủ (về một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách thủ tục hành chính trong hình thành và thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất để cải thiện môi trường kinh doanh)  đã không còn phù hợp do quy định tương ứng tại các Luật nêu trên đã có sự thay đổi. Ngoài ra, việc thi hành các Luật này cũng bắt đầu phát sinh các vướng mắc mới, đòi hỏi phải xem xét giải quyết để bảo đảm tính khả thi và thống nhất của hệ thống pháp luật.

Với lý do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn số 7167/BKHĐT-PC ngày 2/10/2015 đề nghị Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính và UBND cấp tỉnh rà soát, đánh giá việc thực hiện các quy định về thủ tục đầu tư, đất đai, quy hoạch, xây dựng, môi trường đang thực hiện theo Nghị quyết số 43/NQ-CP để đề xuất phương án hoàn thiện quy định về triển khai dự án đầu tư theo hướng đảm bảo tính liên thông, đồng bộ giữa các thủ tục về đất đai, quy hoạch, xây dựng, môi trường với thủ tục về đầu tư, tiếp tục cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư thực hiện.

Một nhiệm vụ khác cũng đang được triển khai. Theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết số 59/NQ-CP về triển khai Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Bộ Công Thương đang tiến hành nghiên cứu sửa đổi quy định về thẩm quyền và thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh, Giấy phép lập cơ sở bán lẻ của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo Nghị định số 23/2007/NĐ-CP và soạn thảo Nghị đinh công bố lộ trình thực hiện hoạt động mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá theo cam kết tại các Điều ước quốc tế để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật đầu tư.

Bộ KHĐT, với vai trò là cơ quan chủ trì theo dõi, giám sát việc triển khai thi hành Luật Đầu tư, cũng kiến nghị Chính phủ giao các bộ ngành khẩn trương xử lý các vướng mắc trên đây theo thẩm quyền được giao./.

 

Tác giả: Thanh Hằng

Nguồn tin: www.canhtranhquocgia.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

128/QĐ-SKHĐT

Quyết định ban hành Quy chế thực hiện dân chủ của Sở Kế hoạch và Đầu tư

Thời gian đăng: 25/01/2024

lượt xem: 659 | lượt tải:3192

105/QĐ-SKHĐT

Quyết định Công khai dự toán thu, chi ngân sách năm 2022

Thời gian đăng: 14/02/2023

lượt xem: 766 | lượt tải:332

78/NQ-CP

Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 20 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ chuyên đề về phòng, chống dịch COVID-19.

Thời gian đăng: 26/07/2021

lượt xem: 2496 | lượt tải:281

01/QĐ-SKHĐT

QĐ về việc ban hành Lịch tiếp công dân năm 2021 của Sở Kế hoạch và Đầu tư

Thời gian đăng: 04/08/2021

lượt xem: 2010 | lượt tải:266

114/QĐ-SKHĐT

QĐ công khai dự toán thu, chi NS năm 2021

Thời gian đăng: 22/08/2021

lượt xem: 2219 | lượt tải:262
Đường dây nóng
  • Đang truy cập200
  • Hôm nay12,135
  • Tháng hiện tại305,524
  • Tháng trước:639,542
  • Tổng lượt truy cập15,717,952
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down