Dự án dự kiến đầu tư 2 tuyến đường kết nối với cao tốc Nội Bài – Lào Cai gồm tuyến nối từ Lai Châu và tuyến nối từ Nghĩa Lộ (Yên Bái).
Cụ thể, tuyến nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài – Lào Cai bắt đầu từ Km34+800, Quốc lộ 4D, thành phố Lai Châu và kết thúc tại nút giao IC.16 Km 198 +730, cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Tuyến có chiều dài 137 km được xây dựng theo quy mô đường cấp III miền núi, trong đó có 16 km xây mới, 121 km sẽ được nâng cấp mở rộng.
Tuyến nối Nghĩa Lộ với cao tốc Nội Bài – Lào Cai bắt đầu từ Km 209+500, Quốc lộ 32, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái và kết thúc tại nút giao IC14, Km 149+705, cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Tuyến có chiều dài 52,2 km, được xây dựng theo quy mô đường cấp IV miền núi.
Tổng mức đầu tư Dự án là 7.300 tỷ đồng, trong đó phần vốn vay của ADB là 6.600 tỷ đồng (tương đương 300 triệu USD); vốn đối ứng từ ngân sách Nhà nước là 700 tỷ đồng (35 triệu USD).
Do Dự án không có khả năng thu hồi vốn nhưng có tác động lan tỏa cho cả vùng Tây Bắc nên PMU2 đề nghị Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ chấp thuận áp dụng cơ chế ngân sách cấp phát vốn vay 100% để thực hiện.
Việc xây các tuyến kết nối này sẽ góp phần nâng cao hệ thống cơ sở hạ tầng cho khu vực Tây Bắc, đồng thời phát huy hiệu quả đầu tư của tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai.
Dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm Chủ đầu tư và quản lý, được khởi công ngày 25/4/2009 và thông xe toàn tuyến ngày 21/9/2014. Đây là tuyến đường bộ cao tốc dài nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay (245km), đi qua 5 tỉnh/thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai.
Từ khi đưa vào khai thác đến nay, tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai giúp các phương tiện giảm một nửa thời gian lưu thông từ Hà Nội đi Lào Cai xuống còn 3,5 giờ so với 7 giờ trước đây, từ Hà Nội đi Yên Bái chỉ còn hơn 2 giờ, đồng thời cũng rút ngắn một nửa thời gian đi lại giữa các tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ,… Ngay cả một tỉnh lân cận như Lai Châu, từ khi cao tốc Nội Bài – Lào Cai đưa vào khai thác, lượng khách du lịch, hàng hóa và thu ngân sách của tỉnh đều tăng cao; giảm đáng kể thời gian lưu thông từ Hà Nội đi Lai Châu chỉ mất 6 tiếng đồng hồ so với trước đây khoảng 10 – 11 tiếng. Các doanh nghiệp vận tải tiết kiệm được 20-30% chi phí, giúp hạ giá thành sản phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa; ước tính 1 năm làm lợi cho xã hội khoảng 1.800 tỷ đồng từ tiết kiệm về mặt thời gian, nhiên liệu, chi phí hao mòn…