Số ODA ký kết có xu hướng giảm dần
Theo Bộ Tài chính, con số 22 tỷ USD thực chất là vốn cam kết, không phải là vốn thực tế nhà tài trợ đã ký với Chính phủ Việt Nam. Thực tế cho thấy, luôn có sự chênh đáng kể giữa con số cam kết của các nhà tài trợ và con số giải ngân.
Theo Báo cáo về tình hình thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ 6 tháng đầu năm 2016, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt khoảng 2,564 tỷ USD, tăng 61% so với cùng kỳ năm 2015.
Số liệu thống kê cho thấy, tổng giá trị các hiệp định ký kết có chiều hướng giảm kể từ năm 2013 đến nay. Theo Bộ KH&ĐT, đây là xu thế chung hiện nay khi Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình thấp từ năm 2010, đồng thời phù hợp với chính sách huy động nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi đặt trọng tâm vào chất lượng và hiệu quả sử dụng nguồn vốn này để đảm bảo nợ công bền vững. Ngoài ra, tình hình này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác như: công tác chuẩn bị danh mục, xây dựng và phê duyệt văn kiện chương trình, dự án của các bộ, ngành và địa phương còn nhiều chậm trễ; chất lượng văn kiện dự án thấp, không đáp ứng yêu cầu đề ra về hiệu quả đầu tư; một số bộ, ngành, địa phương chưa sẵn sàng áp dụng mô hình viện trợ mới như phương thức tài trợ chương trình,…
Khi chuyển đổi từ Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) sang Diễn đàn Đối tác phát triển, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT khi đó cũng đã nhấn mạnh, Diễn đàn sẽ không thảo luận về vấn đề cam kết vốn ODA như Hội nghị CG để tập trung vào đối thoại chính sách hiệu quả hơn. Chính phủ Việt Nam vẫn rất coi trọng mức ODA cam kết của các nhà tài trợ, nhưng trong bối cảnh mới, tư vấn về chính sách là rất cần thiết. Hỗ trợ ODA xét về tài chính là rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là chia sẻ, tư vấn về kinh nghiệm phát triển, để Việt Nam “tự đi trên đôi chân của mình”.
Nhiều ý kiến cho rằng, có 3 việc cần kiên quyết hơn nữa trong quản lý dự án ODA. Đó là kiên quyết trong việc đưa vào danh sách đen các nhà thầu, dự án yếu kém dẫn đến chây ỳ, chậm trễ trong triển khai để tuyệt đối không cho tham gia các gói thầu khác; kiên quyết hơn trong đánh giá năng lực các ban quản lý, trường hợp yếu kém không giao dự án mới; và kiên quyết hơn trong xây dựng, hoàn thiện chính sách, thể chế theo hướng đơn giản hóa, hài hòa quy trình, thủ tục với các nhà tài trợ. |
Tác giả: Việt Thắng
Nguồn tin: www.baodauthau.vn
Ý kiến bạn đọc