Nếu chiều hướng giảm giá trị các hiệp định ký kết được cho là dễ hiểu, bởi từ năm 2010, Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, thì việc giải ngân ODA chậm, chưa đột phá cũng không có gì khó hiểu. Dù đã có nhiều cải thiện, song giải ngân ODA chậm là một thực tế khó có thể chối bỏ trong thời gian qua. Cũng vì giải ngân chậm, nên cho đến nay, vẫn “còn tồn” gần 22 tỷ USD vốn đã được ký kết mà chưa được giải ngân, trong đó phần lớn là nhữngdự án đầu tư của nhóm 6 ngân hàng phát triển với các khoản vay ưu đãi.
Chậm giải ngân, có nguy cơ hàng loạt dự án sử dụng vốn vay của các đối tác phát triển sẽ bị hủy vốn, một khi Việt Nam “tốt nghiệp” vốn vay ưu đãi, lãi suất thấp. Thời điểm “cai” vốn ưu đãi của các nhà tài trợ Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đang tới gần.
Vốn có sẵn mà không thể giải ngân, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đó là một điều đáng tiếc, nhất là trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp như hiện nay. Chính điều này sẽ làm giảm hiệu quả sử dụng vốn vay.
Cũng chính bởi vậy, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh việc “không chấp nhận tình trạng có tiền mà không giải ngân được”, bao gồm cả vốn ODA và vốn đầu tư phát triển nói chung. Nhắc đến con số 22 tỷ USD nói trên, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét các thủ tục giải ngân, báo cáo Thường trực Chính phủ trong tháng này.
Còn tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi, lại một lần nữa, những hối thúc về việc phải làm sao đẩy nhanh giải ngân vốn ODA được đặt ra. Nguyên nhân chậm trễ được chỉ ra là do những vướng mắc về thể chế, pháp lý; do những điều chỉnh trong quá trình thực hiện dự án; do sự khác biệt về quy trình thủ tục giữa Việt Nam và các nhà tài trợ; do vốn đối ứng không được bố trí đầy đủ và kịp thời; do những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng... Và một lý do vô cùng quan trọng, đó là việc chúng ta không cho phép giải ngân vượt kế hoạch được giao theo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 của Quốc hội.
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc này là điều quan trọng trong thời điểm hiện nay. Hơn nữa, trong điều kiện Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, nhiều nguồn tài trợ, vốn hỗ trợ, ưu đãi bị cắt giảm, thì cần quan tâm xây dựng kế hoạch vận động thích hợp cho quá trình chuyển từ vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi sang vốn vay có mức độ ưu đãi kém hơn, đặt trọng tâm vào chất lượng, hiệu quả sử dụng để bảo đảm nợ công bền vững.
Và tất nhiên, như Phó thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã nhấn mạnh tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi, cần quan tâm, sử dụng hiệu quả hơn nữa nguồn vốn vay, trong đó có tiếp tục đẩy mạnh tiến độ giải ngân, bảo đảm tiến độ thực hiện của các dự án; bố trí đủ, kịp thời nguồn vốn đối ứng cho các dự án ODA; thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng; thủ tục hành chính triển khai dự án phải được giảm bớt, nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả…
Làm được như vậy, không chỉ thúc đẩy giải ngân nhanh vốn ODA mà vẫn đảm bảo quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tác giả: Nguyễn Đức
Nguồn tin: www.baodautu.vn
Ý kiến bạn đọc