Phát biểu tại Diễn đàn, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hanoisme cho biết, việc kết nối giữa doanh nghiệp và ngân hàng đã được đề cập nhiều, song hiện nay, việc tiếp cận của các doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Do đó, Diễn đàn này không chỉ là dịp để các doanh nghiệp gặp gỡ, kết nối giao thương, mà còn là dịp để các doanh nghiệp chia sẻ, tìm ra các giải pháp hữu ích nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn, thị trường cũng như hỗ trợ các hoạt động tư vấn quản trị doanh nghiệp.
Theo ông Mạc Quốc Anh, hiện các nguồn vốn cho vay vẫn tương đối lớn
Cũng theo ông Mạc Quốc Anh, hiện nay, đối với DNNVV các nguồn vốn cho vay vẫn tương đối lớn và mặt bằng lãi suất lại giảm hơn so với trước đây. Đặc biệt, ngày 30/12/2016, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, trong đó, có hỗ trợ lãi suất cho một số lĩnh vực ưu tiên, như: nông nghiệp, nông thôn; kinh doanh hàng xuất khẩu; DNNVV; ngành công nghiệp hỗ trợ; và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, Nhà nước cũng đã ban hành nhiều chính sách để tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Đại diện cho phía ngân hàng, theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội, hiện mặt bằng lãi suất đang có xu hướng giảm xuống. Theo số liệu hoạt động trên địa bàn TP. Hà Nội, tổng huy động của các ngân hàng là trên 3 triệu tỷ đồng, trong đó, tổng dư nợ cho vay khoảng 1,9 triệu tỷ đồng. Điều này cho thấy, nguồn vốn của ngân hàng rất dồi dào. Vì vậy, ngân hàng luôn muốn tiếp cận các doanh nghiệp và giúp doanh nghiệp đưa nguồn vốn vào sản xuất, kinh doanh.
Đồng quan điểm, bà Đỗ Thị Bích Mai, Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần VietinBank, Chi nhánh Hoàng Mai cũng cho biết, việc tiếp cận nguồn vốn của các DNNVV gặp khó khăn là do các DNNVV, doanh nghiệp mới thành lập thiếu thông tin, nên các doanh nghiệp thường tiếp cận nguồn vốn tín dụng thông qua các tổ chức trung gian. Bên cạnh đó, sổ sách, báo cáo tài chính chưa đầy đủ, ngại tiếp cận với ngân hàng cũng là những khó khăn mà DNNVV gặp phải.
Ông Lê Văn Quân, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Sở Kế hoạch Đầu tư TP. Hà Nội bổ sung thêm, không chỉ gặp khó khăn về vốn mà các doanh nghiệp hiện nay còn gặp phải những khó khăn khác, như: các thủ tục hành chính, mặt bằng hoạt động, thuế và đặc biệt là kiến thức chuyên môn nhiều doanh nghiệp chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu.
Do đó, để khắc phục tình trạng này các vị đại biểu cho rằng, về phía Nhà nước, cần có những chính sách cải cách hợp lý, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp, như: hoàn thiện khung pháp lý, cải cách thủ tục hành chính, các thiết chế về quyền sử dụng đất, thuế…
Còn đối với các ngân hàng, cố gắng tiếp cận với các doanh nghiệp, quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhất là DNNVV, doanh nghiệp mới thành lập với các ưu đãi về lãi suất và các hình thức thế chấp đơn giản hơn.
Bà Đỗ Thị Bích Mai cho biết, hiện VietinBank đang có các gói hỗ trợ, các doanh nghiệp sẽ được mức lãi suất ưu đãi so với mức thông thường, hoặc các gói hỗ trợ cho vay đối với các doanh nghiệp làm về lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, các nhà phân phối cho đơn vị bán hàng theo chuỗi, kinh doanh trong làng nghề… Ngoài ra, VietinBank dự kiến sẽ phối hợp với các quỹ hỗ trợ, như: Quỹ phát triển khoa học công nghệ, Quỹ hỗ trợ DNNVV, Quỹ phát triển môi trường đô thị... để hỗ trợ các doanh nghiệp trong các hoạt động cắt giảm năng lượng, thu chi hộ./.
Tác giả: Hồng Ánh
Nguồn tin: kinhtevadubao.vn
Ý kiến bạn đọc