Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc thu hẹp Danh mục là phù hợp với yêu cầu, thực tiễn quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề này và bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan.
Xóa bỏ rào cản trong đầu tư, kinh doanh
Theo quy định của Luật Đầu tư, Việt Nam hiện có 243 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, theo khảo sát, nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), trên thực tế vẫn còn rất nhiều điều kiện kinh doanh dưới dạng “con”, “cháu”, “chắt”, tạo ra rào cản pháp luật đối với các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (DN), khiến cho quá trình cải thiện môi trường kinh doanh chưa đáp ứng kỳ vọng.
Với mục tiêu tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, xóa bỏ rào cản trong hoạt động đầu tư, kinh doanh cho người dân, DN, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Vũ Đại Thắng nhấn mạnh: “Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) tiếp tục khẳng định nguyên tắc: Bộ, cơ quan ngang bộ, HĐND và UBND các cấp không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, nhưng áp dụng cơ chế linh hoạt, phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thẩm quyền quy định thủ tục hành chính. Đồng thời, Dự thảo đề xuất bãi bỏ 12 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”.
Một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện điển hình được đề xuất bãi bỏ như: Hoạt động dịch vụ của tổ chức trọng tài thương mại; kinh doanh dịch vụ logistics; sản xuất, sửa chữa chai chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (chai LPG); nhượng quyền thương mại; kinh doanh dịch vụ giới thiệu sản phẩm quảng cáo đến công chúng…
Cụ thể, Dự thảo Luật đề xuất bãi bỏ hoạt động dịch vụ của tổ chức trọng tài thương mại khỏi Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Lý do là, hoạt động dịch vụ của tổ chức trọng tài thương mại không phản ánh bản chất của một ngành, nghề kinh doanh, bởi “trung tâm trọng tài hoạt động không vì mục đích lợi nhuận” (Khoản 2 Điều 27 Luật Trọng tài thương mại). Hơn nữa, đây là cơ quan tài phán, được thành lập với mục đích xét xử.
Về việc bãi bỏ ngành nghề nhượng quyền thương mại, theo Bộ KH&ĐT, đây là phương thức kinh doanh, không phải là ngành, nghề đầu tư kinh doanh. Trường hợp nhượng quyền kinh doanh để kinh doanh trong các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, thì chủ thể thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh phải đáp ứng điều kiện đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó và không áp dụng đối với bên nhượng quyền.
Với ngành nghề kinh doanh dịch vụ giới thiệu sản phẩm quảng cáo đến công chúng, bãi bỏ ngành này khỏi Danh mục vì hoạt động quảng cáo quản lý nội dung từng sản phẩm quảng cáo. Dịch vụ giới thiệu sản phẩm quảng cáo đến công chúng chỉ đơn thuần là việc giới thiệu sản phẩm quảng cáo đã được chấp thuận đến công chúng...
Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo Luật cũng đề xuất sửa đổi 19 ngành, nghề và bổ sung 6 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để phù hợp với yêu cầu, thực tiễn quản lý nhà nước. Ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” được bỏ ra khỏi Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, bổ sung vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.
Như vậy, Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) mới nhất rút ngắn còn 236 ngành, nghề.
Thúc đẩy cải cách môi trường kinh doanh
"Một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện điển hình được đề xuất bãi bỏ như: Hoạt động dịch vụ của tổ chức trọng tài thương mại; kinh doanh dịch vụ logistics; sản xuất, sửa chữa chai chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (chai LPG); nhượng quyền thương mại; kinh doanh dịch vụ giới thiệu sản phẩm quảng cáo đến công chúng…" |
Nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ, ngành liên quan thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh.
Thủ tướng Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan xây dựng Dự thảo Kế hoạch cắt giảm quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025 trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 1/2020.
Tác giả: Trung Hiếu
Nguồn tin: baodauthau.vn
Ý kiến bạn đọc