Đây là khẳng định của ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại hội thảo Lấy ý kiến doanh nghiệp Dự thảo Luật sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 20/02/2019.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, sự ra đời của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đã tháo gỡ và tối giản ở mức cao nhất các điều kiện kinh doanh. Năm 2018 có gần 3.000 điều kiện kinh doanh được bãi bỏ khẳng định tính đúng đắn của hai luật này.
Đồng thời, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, số lượng doanh nghiệp cũng tăng lên nhanh chóng, hiện nay có khoảng 750 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, trong 3 năm gần đây kể từ khi Luật Doanh nghiệp ra đời, số lượng doanh nghiệp tăng khoảng 65%-70%. Còn với Luật Đầu tư, sau hơn 3 năm Luật đi vào thực thi, giai đoạn 2016-2018 là giai đoạn thăng hoa, năm 2018 giải ngân đầu tư nước ngoài đạt gần 20 tỷ USD cao nhất từ trước đến nay. Điều này khẳng định, 2 luật này đã có tác động bước đầu và có hiệu quả.
Đồng ý với ý kiến trên, ông Vũ tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp là hai đạo luật quan trọng trong hệ thống pháp luật về kinh doanh của nước ta, tác động trực tiếp đến sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp và sự thuận lợi của môi trường đầu tư kinh doanh.
Đặc biệt, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2014 đã mạnh mẽ trong việc thể chế Hiến pháp 2013 bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân. Tư tưởng quan trọng này góp phần không nhỏ tạo nên thuận lợi đối với môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp của nước ta.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng có những chương trình cắt giảm và đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, chuyển trọng tâm quản lý nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm, liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính… Do đó, môi trường kinh doanh và đầu tư của nước ta đã có những chuyển biến tích cực, thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho rằng, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp vẫn còn những vướng mắc, khó khăn cần tháo gỡ, như: trong quá trình thực thi 2 luật này vẫn còn không ít vướng mắc phát sinh, có sự vênh nhau giữa một số quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp với quy định của các luật chuyên ngành khác như Luật Môi trường...
Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp có quy mô và mức độ cải cách lớn trong nhiều ngành, lĩnh vực và được triển khai trong bối cảnh một số luật khác được ban hành theo cách tiếp cận khác nhau nên quá trình thực hiện đã không tránh khỏi một số vướng mắc phát sinh từ sự thiếu đồng bộ về phạm vi điều chỉnh giữa các luật liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh.
Mặc dù đã có nhiều cải cách theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh nhưng một số quy định của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp còn thiếu cụ thể, chưa thật sự bảo đảm tính khả thi.
Do đó, “trong bối cảnh kinh tế thế giới, khu vực và trong nước có nhiều thay đổi cùng với việc nhiều hiệp định thương mại tự do được thực thi thì yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa một số quy định của các luật này, cũng như sửa đổi một số điều kiện của 2 luật này để phù hợp hơn”, Thứ trường Vũ Đại Thắng nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày một số nội dung cơ bản của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp. Đồng thời, cũng đã nhận được các ý kiến đóng góp, trao đổi thẳng thắn của nhiều đại biểu đại diện cho các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là ý kiến của các doanh nghiệp. Đa số các ý kiến đều cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp là cần thiết để tiếp tục tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng./.
Tác giả: Hồng Ánh
Nguồn tin: kinhtevadubao.vn)
Ý kiến bạn đọc