Tiếp và làm việc với Đoàn công tác về phía tỉnh ta có đồng chí Hà Trọng Hải – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh.
Việc triển khai thực hiện các Chương trình MTQG tiếp tục được các cấp ủy Đảng, chính quyền và tổ chức chính trị xã hội từ tỉnh đến cơ sở quan tâm chỉ đạo quyết liệt, xác định là nhiệm chính trị trọng tâm, thường xuyên để chỉ đạo triển khai, thực hiện. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững được tỉnh ban hành đồng bộ và kịp thời.
Phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới được các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh tích cực hưởng ứng sâu rộng, lan tỏa khắp các vùng nông thôn. Vai trò chủ thể của người dân ngày càng phát huy, thể hiện ở sự đồng thuận, tích cực hưởng ứng tham gia hiến đất, công sức, tiền của, trí tuệ để thực hiện giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Tiêu chí nông thôn mới của các xã trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến đáng kể, đến nay không còn xã dưới 5 tiêu chí, bình quân tiêu chí đạt 14,76 tiêu chí/xã; tỷ lệ giảm nghèo toàn tỉnh ước còn 20,7%, thu nhập bình quân của thành viên thuộc hộ nghèo đạt 640.000 đồng/tháng. Hạ tầng kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn được đầu tư đồng bộ, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ phát triển sản xuất và đời sống của người dân.
Hệ thống đường giao thông nông thôn toàn tỉnh có tổng chiều dài 5.207km, trong đó đã cứng hóa 3.633km. Tính đến ngày 30/9/2019 có 959 công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương có tổng chiều dài hơn 2.000km. Tổng số nhà ở dân cư trên địa bàn nông thôn là 62.399 nhà, trong đó số nhà đạt chuẩn 51.295 nhà (đạt 82%), 3.238 nhà tạm, dột nát.
Thời gian qua, đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh xây dựng bản, làng văn hóa, xóa dần các tập tục văn hóa không phù hợp với cộng đồng dân cư. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đảm bảo, tệ nạn xã hội được kiềm chế và giảm hàng năm. Không có các điểm nóng phức tạp về an ninh trật tự, không còn tình trạng dân di cư tự do, chủ quyền biên giới được giữ vững.
3 tháng cuối năm 2019, UBND tỉnh đề ra một số mục tiêu phấn đấu và thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình MTQG như: duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí về nông thôn mới của 29 xã đã đạt chuẩn; phấn đấu hoàn thành 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo 3,89%; nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành thực hiện các Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; tiếp tục tuyên truyền sâu rộng, tạo phong trào xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững mạnh mẽ, rộng khắp trên địa bàn tỉnh; huy động, lồng ghép và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực vào thực hiện các chương trình; tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ban, ngành liên quan thông tin thêm với Đoàn công tác về kết quả thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới cũng như những khó khăn trong quá trình triển khai, kiến nghị, đề xuất một số vấn đề: Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm giao kế hoạch chi tiết nguồn vốn bổ sung 158.752 triệu đồng phần vốn dự phòng chung ngân sách Trung ương cho các huyện thoát nghèo và giao bổ sung kế hoạch vốn để triển khai thực hiện. Trung ương cân đối bố trí đủ kế hoạch vốn theo kế hoạch trung hạn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tăng mức hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương trong thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới. Cần có cách chính sách ban hành kịp thời thực hiện các chương trình, dự án; hỗ trợ tỉnh xây dựng công nghệ xử lý rác thải…
Đoàn công tác ghi nhận, đánh giá cao những kết quả Lai Châu đạt được trong thực hiện Chương trình MTQG; tiếp nhận, tổng hợp những ý kiến, kiến nghị của UBND tỉnh và sẽ đề xuất Chính phủ, Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành liên quan xem xét, điều chỉnh phù hợp với đặc thù địa phương.
Tác giả: Bạch Dương
Nguồn tin: www.baolaichau.vn
Ý kiến bạn đọc