Điều kiện không phải để gây khó
Luật Đầu tư sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đây và quy định 267 nghành nghề kinh doanh có điều kiện với gần 6.000 giấy phép con nằm rải rác ở rất nhiều cơ quan, bộ, ngành có liên quan. Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá, điều này sẽ hạn chế thu hút đầu tư và hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2015 (VBF), ông Fred Burke đại diện cho Nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại cho biết, các điều kiện đầu tư trong rất nhiều lĩnh vực đầu tư nước ngoài có điều kiện vẫn chưa được quyết định có thể có những trở ngại đối với nhà đầu tư.
Ông Fred Burke đề nghị, trong nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư cần phải làm rõ những luật nào sẽ ưu tiên áp dụng nếu có sự khác biệt giữa Luật Đầu tư và các luật chuyên ngành. Ngoài ra, nếu có thay đổi đối với bất kỳ ngành nghề nào trong 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện này, thì điều quan trọng là phải xác định luật nào, Luật Đầu tư hay luật chuyên ngành sẽ ban hành những thay đổi đó?
Giải đáp vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, điều kiện kinh doanh nhiều hay ít là do nhu cầu phát triển của nền kinh tế, miễn là minh bạch. Tại một số nước phát triển, nhiều lĩnh vực kinh doanh còn có nhiều điều kiện hết sức ngặt nghèo hơn cả Việt Nam. Bộ trưởng Vinh khẳng định, tư tưởng của Luật Đầu tư sửa đổi là thông thoáng và tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp nên không có chuyện gây khó dễ.
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, một xã hội càng phát triển càng có nhiều điều kiện kinh doanh khắt khe, nhất là liên quan đến sức khỏe con người, đến an ninh quốc gia. Phải hiểu rằng đó không phải là gây khó cho doanh nghiệp mà là để bảo đảm kinh doanh minh bạch và bảo vệ người tiêu dùng. Chẳng hạn làm nghề kinh doanh ăn uống thì phải có điều kiện vệ sinh, người kinh doanh có mắc bệnh truyền nhiễm không... Mục tiêu đặt ra cuối cùng cũng là để bảo vệ cho người tiêu dùng.
Bộ trưởng Vinh cũng chia sẻ, chưa có nước nào phải làm việc khó như Việt Nam khi phải hệ thống lại từ xưa đến nay ra bao nhiêu quy định ở các văn bản khác nhau về ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện để sàng lọc lại khi xây dựng Luật Đầu tư sửa đổi. Trước khi hệ thống và rà soát lại, Việt Nam có tới 51 ngành nghề cấm kinh doanh nhưng đến nay Chính phủ và Quốc hội đã thống nhất rút lại chỉ còn 6 ngành nghề. Về điều kiện kinh doanh, trước đây là 386, nay chỉ còn 267 ngành nghề có điều kiện.
Tuy nhiên, Quốc hội và Chính phủ vẫn tiếp tục yêu cầu các bộ, ngành tự chủ động rà soát lại. Tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ là lĩnh vực nào có thể loại bỏ được thì sẽ loại bỏ để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Bộ trưởng cũng cho biết, trong số 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chỉ có khoảng 100 lĩnh vực ngành nghề có điều kiện áp dụng riêng cho nhà đầu tư nước ngoài, số còn lại được áp dụng chung cho cả các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước.
Hiện nay, đối với các quy định về điều kiện kinh doanh, một số ngành nghề kinh doanh mà các bộ chưa kịp đưa ra điều kiện cụ thể, thì Chính phủ cũng đã đôn đốc các cơ quan này sớm hoàn thành để công bố trên cổng thông tin quốc gia.
Từ 1/7 trở đi, ngành nghề kinh doanh có điều kiện chỉ được quy định từ cấp Nghị định trở lên. Trường hợp có sự khác nhau giữa Luật Đầu tư và các luật chuyên ngành khác về ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì áp dụng theo Luật Đầu tư (được chỉ rõ trong khoản 2 Điều 4).
Thêm thủ tục là để bảo vệ nhà đầu tư
Tại Diễn đàn, Nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại cũng bày tỏ quan ngại về việc tới đây, các nhà đầu tư cần phải xin cả Giấy chứng nhận đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Trong khi đó, tư tưởng của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi là các yêu cầu cấp phép mới sẽ đơn giản và hiệu quả hơn so với các quy định trước đây. Ông Fred Burke đặt câu hỏi, làm thế nào việc tăng gấp đôi giấy tờ tài liệu lại phù hợp với chính sách cải cách thủ tục hành chính?
Phản hồi vấn đề này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, với đầu tư nước ngoài thì đây là quy định chung của nhiều nước. Nhà đầu tư khi muốn vào Việt Nam thì ít nhất phải có dự án để chứng minh muốn đầu tư. Khi đó nhà đầu tư sẽ được cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Theo luật quy định trước đây là mất 45 ngày, thì nay nhiều nhất cũng chỉ là 15 ngày, tức giảm 3 lần so với trước.
Ngay sau khi cấp Giấy chứng nhận đầu tư, việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tiếp sau đó sẽ không quá 2 ngày. Cơ quan đăng ký kinh doanh không được yêu cầu nhà đầu tư nộp bất kỳ giấy tờ nào khác ngoài hồ sơ theo quy định của luật và không xem xét lại những nội dung liên quan đến dự án đầu tư đã được cấp trong Giấy chứng nhận đầu tư. Như vậy, nói là 2 nhưng thủ tục rất nhanh chóng, thời gian tới đăng ký qua mạng sẽ còn nhanh hơn nữa.
Bộ trưởng Vinh nhấn mạnh, mục đích là để quản lý tốt hơn và quản lý tốt hơn cũng là để bảo vệ nhà đầu tư tốt hơn./.
Tác giả: Anh Đức
Nguồn tin: www.kinhtevadubao.vn
Ý kiến bạn đọc