Ngày 25/9, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình và đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Lai Châu về tình hình KT-XH và công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và tội phạm trên địa bàn.
Báo cáo đoàn công tác về tình hình địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Đỗ Ngọc An cho biết năm 2016, tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 6.861 tỷ đồng; thu ngân sách đạt khá với 1.865 tỷ đồng (tăng 87% so với cùng kỳ). Cả tỉnh có 1.188 doanh nghiệp, 295 hợp tác xã đang hoạt động, kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư với 100% xã có đường ô tô đến trung tâm…
Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, năm 2016 giảm còn 34,8% (giảm 5,59% so với năm 2015 theo chuẩn nghèo đa chiều). Các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo và cải thiện đời sống nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Các công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả… có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng trong việc phát triển KT-XH, giữ vững quốc phòng-an ninh, bảo đảm an sinh xã hội…
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đánh giá cao các cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh Lai Châu đã nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH, thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo, giữ vững quốc phòng an ninh. Đặc biệt, tỉnh đã thực hiện tốt việc tổ chức hoạt động giao lưu hữu nghị quốc phòng Việt Nam - Trung Quốc, qua đó, đóng góp cho quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng thẳng thắn nêu rõ Lai Châu vẫn là một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước; kinh tế phát triển chưa bền vững, quy mô nhỏ, kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, đời sống nhân dân còn thấp, mặt bằng dân trí chưa cao, văn hoá-xã hội có mặt chưa đáp ứng yêu cầu…
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh đến một số nhiệm vụ, giải pháp lớn mà tỉnh cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.
Cụ thể là tỉnh cần chỉ đạo quyết liệt trong việc phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển KT-XH đã đề ra. Lai Châu cũng cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao chất lượng giống cây trồng vật nuôi, hướng tới sản xuất nông nghiệp hàng hoá và chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đó, cần mở rộng thâm canh tăng vụ, phát triển một số cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm cây chè, tập trung khoanh nuôi, tái sinh, trồng và bảo vệ, nâng cao chất lượng rừng.
Phó Thủ tướng và phu nhân trao xe đạp, học bổng cho các cháu học sinh xã Bản Giang. Ảnh: VGP/Lê Sơn
“Kinh nghiệm của các tỉnh khác như Quảng Nam là cần kêu gọi được nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư, tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ. Muốn vậy phải có môi trường đầu tư kinh doanh tốt để doanh nghiệp yên tâm làm ăn, thực hiện minh bạch, công khai và cải cách hành chính có hiệu quả. Tỉnh cần kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực mà tỉnh có thế mạnh, làm tốt thương hiệu sản phẩm hàng hoá như rau quả, chè, cam, tam thất để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị hàng hoá của sản phẩm nông nghiệp gắn với cơ cấu lại nông nghiệp gắn với thị trường và nhà doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Một trong những vấn đề lớn được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ quan tâm là tháo gỡ “nút thắt” cho Lai Châu, theo đó cần đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường nối thành phố Lai Châu với đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai tạo động lực quan trọng để phát triển KT-XH cho tỉnh trong thời gian tới. Bởi kết cấu hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông vận tải của tỉnh Lai Châu chưa tương xứng với yêu cầu cũng như tiềm năng phát triển của địa phương và khu vực. Việc phát triển hạ tầng giao thông, nhất là tuyến đường nối Lai Châu với cao tốc Hà Nội-Lào Cai, hướng đến kết với các địa phương trong vùng là hết sức cần thiết.
Lai Châu quan tâm phát triển công nghiệp khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng và các dự án giao thông kết nối hạ tầng du lịch, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm thúc đẩy một số ngành nghề thủ công mỹ nghệ mà tỉnh có lợi thế về nguyên liệu, phát huy các tiềm năng, lợi thế so sánh của tỉnh, đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng liên kết nhằm tạo ra chuỗi giá trị của sản phẩm hàng hoá. Trong đó, cần kêu gọi được nhà đầu tư chiến lược đối với các mỏ đất hiếm trên địa bàn tỉnh, chế biến sâu và bảo vệ môi trường.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực, tỉnh cần chú trọng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá đồng bào các dân tộc, đi đôi với việc giải quyết tốt các vấn đề văn hoá-xã hội, tạo việc làm và nâng cao đời sống người dân để đồng bào các dân tộc thiểu số có điều kiện hơn trong việc giữ gìn bản sắc văn hoá riêng của dân tộc mình trong quá trình hội nhập và phát triển mạnh mẽ hiện nay. Đặc biệt, tạo điều kiện tốt nhất để đồng bào các dân tộc được tiếp cận các nguồn lực phát triển, thụ hưởng các dịch vụ và phúc lợi xã hội, thực hiện các giải pháp trong việc giảm khoảng cách và chênh lệch về đời sống người dân các vùng miền trong tỉnh.
“Tỉnh tập trung giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nhất là đào tạo nghề, giải quyết việc làm, phát triển y tế, giáo dục và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tiếp tục có giải pháp giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ.
Tỉnh cần quan tâm đến công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, tham nhũng, chống buôn lậu và gian lận thương mại, giải quyết khiếu nại và tố cáo, cải cách hành chính. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ đảng và người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng và Nhà nước trong việc triển khai các nhiệm vụ phát triển KT-XH trên địa bàn, góp phần quan trọng nhằm thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, kế hoạch KT-XH thời gian tới.
Đồng thời, thực hiện có hiệu quả việc giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, kiên quyết không để xảy ra bất kỳ tình huống bị động, bất ngờ nào, ngăn chặn việc lợi dụng chính sách dân tộc, tôn giáo xâm phạm an ninh trật tự, giữ vững cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Về các kiến nghị của tỉnh Lai Châu, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình yêu cầu các bộ ngành Trung ương giải trình, nghiên cứu và đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi để Lai Châu phát triển nhanh và bền vững.
Ảnh: VGP/Lê Sơn
* Cũng trong chuyến thăm và làm việc tại Lai Châu, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Chủ tịch danh dự Quỹ bảo trợ học sinh dân tộc thiểu số, học sinh nghèo của Báo Công an nhân dân đã trao tặng 50 xe đạp và 150 phần quà trị giá 150 triệu đồng cho các cháu học sinh nghèo, dân tộc thiểu số Trường Tiểu học và THCS xã Bản Giang, huyện Tam Đường.
Tác giả: Lê Sơn
Nguồn tin: www.chinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc