Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa - chìa khóa để phát triển nền kinh tế tự chủ

Chủ nhật - 09/07/2017 22:05 270 0
Chỉ với 30 năm cuối thế kỷ 20, Hàn Quốc đã tiến bước dài, từ nền kinh tế kém phát triển, trở thành nền kinh tế tự chủ, có thứ hạng cao trên thế giới. Ðiều đó cho Việt Nam bài học quý giá về chiến lược và bước đi xây dựng một nền kinh tế tự chủ, trong đó có bài học quan trọng về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chìa khóa cho sự tự chủ

Từ cuối những năm 70 thế kỷ 20, Hàn Quốc đã coi phát triển DNNVV là quốc sách trong phát triển kinh tế. Hàn Quốc xây dựng một hệ thống hỗ trợ DNNVV rộng lớn, gồm nhiều tổ chức quan trọng như Quỹ Bảo lãnh tín dụng (thành lập năm 1976) nhằm cung cấp vốn để ứng dụng công nghệ cho các DNNVV; Viện Phát triển công nghiệp Hàn Quốc (thành lập năm 1970), Trung tâm năng suất Hàn Quốc (thành lập năm 1957) nhằm đào tạo, tư vấn, chuyển giao công nghệ cho DNNVV…

Chính sách phát triển DNNVV của Hàn Quốc chủ yếu được thực hiện thông qua các biện pháp hỗ trợ có lựa chọn theo các chương trình, như: Hiện đại hóa thiết bị và công nghệ sản xuất; ổn định và nâng cao năng lực quản trị cho chủ DNNVV; thiết lập mạng lưới ngân hàng có sự đầu tư của Chính phủ để có cơ chế phục vụ phù hợp với đặc điểm của DNNVV… Mô hình hỗ trợ này đã giúp DNNVV của một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Xin-ga-po... phát triển đáng kể, trở thành nền tảng cho việc hình thành, phát triển một nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Hiện nay, ở nhiều quốc gia, DNNVV có tác động ngày càng lớn và trực tiếp hơn đến tăng trưởng kinh tế, thông qua thúc đẩy tinh thần kinh doanh, tính sáng tạo và năng động kinh tế, tạo ra chuỗi giá trị gắn kết với các doanh nghiệp lớn. DNNVV còn đóng góp vào tăng trưởng theo các kênh gián tiếp, thông qua phát triển thị trường tài chính (nhất là tài chính vi mô), phát triển xã hội cân bằng và ổn định...

Các khảo sát và nghiên cứu đều khẳng định vai trò quan trọng này, xuất phát từ những lợi thế rất rõ ràng của DNNVV, như: DNNVV có khả năng quản lý năng động, phản ứng kinh doanh nhanh chóng để tận dụng các cơ hội mới và sẵn sàng chấp nhận rủi ro; DNNVV dễ dàng bắt kịp những nhu cầu mới và công nghệ mới trong thị trường biến đổi nhanh chóng... Từ đó đem lại khả năng nhận biết để thích ứng nhanh chóng với sự thay đổi của môi trường bên ngoài. Cũng do vậy mà DNNVV thường thể hiện tính hiệu quả cao hơn và chịu đựng bền bỉ hơn trong các cuộc khủng hoảng.

Cần chính sách và hành động hỗ trợ hiệu quả DNNVV

Phân loại theo quy mô lao động và tài sản kinh doanh thì 97% số doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa. Ðây là hiện trạng phổ biến, tuy nhiên, khoảng cách về quy mô của DNNVV tư nhân so với các doanh nghiệp khác lại khá lớn; vốn bình quân chỉ bằng 1,5% mức vốn bình quân của một doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và 8% của doanh nghiệp FDI; tài sản cố định bình quân chỉ khoảng bốn đến bảy tỷ đồng/DN, bằng 1% của DNNN và 5% của DN FDI. Mặc dù chiếm đến hơn 97% về số lượng, nhưng DNNVV chiếm chưa đến 40% tổng tài sản; trong khi các doanh nghiệp quy mô lớn chiếm chưa đến 3% nhưng nắm giữ đến 60% tổng tài sản của toàn bộ khối doanh nghiệp.

Việt Nam cũng như các quốc gia khác, ngày càng nhận thấy rõ vai trò quan trọng của DNNVV trong phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành và cố gắng thực thi nhiều chính sách, chương trình trợ giúp DNNVV. Nếu điểm theo chính sách, thì nội dung hỗ trợ đã thể hiện tính toàn diện và đa dạng, từ hoàn thiện về môi trường kinh doanh thông qua cải cách các lĩnh vực đầu tư, thương mại, hải quan, thuế... đến các chính sách hỗ trợ cụ thể về tài chính, tín dụng, công nghệ, xúc tiến thương mại, phát triển nguồn nhân lực… Tuy nhiên, kết quả hỗ trợ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Tác động của chính sách, của hành động trợ giúp vẫn chưa thật sự rõ, chưa tạo ra những chuyển biến và thay đổi cho nền kinh tế.

Những yêu cầu khách quan và chủ quan trong thực hiện hỗ trợ DNNVV cho thấy, chúng ta cần có những đổi mới trong chính sách cũng như phương thức trợ giúp phát triển DNNVV nhằm nâng cao hiệu quả hỗ trợ. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa XII, về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đã thể hiện chủ trương nhất quán về phát triển kinh tế tư nhân. Luật Hỗ trợ DNNVV được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ ba vừa qua sẽ là bước triển khai nền tảng quan trọng để thực hiện Nghị quyết này. Ðây là luật nhận được rất nhiều kỳ vọng, sẽ tạo sự chuyển biến trong quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển nền kinh tế tự chủ trong thời gian tới.

Có thể nói, đây là luật đầu tiên ở Việt Nam chuyên về vấn đề hỗ trợ DNNVV, tạo khung pháp lý có hiệu lực cao nhất hiện nay, làm căn cứ cho triển khai hoạt động hỗ trợ DNNVV trên toàn quốc. Luật đã thể hiện một cách có hệ thống, theo nhu cầu của DN về tám nội dung hỗ trợ chung, xác định ba trọng tâm hỗ trợ có mục tiêu, đồng thời giao nhiệm vụ rõ ràng cho các cơ quan trung ương cũng như địa phương; tạo sự đồng bộ, thống nhất, có định hướng trọng tâm trong hỗ trợ DNNVV. Luật đã thể hiện sự thay đổi căn bản quan điểm từ Chính phủ quản lý, sang Chính phủ hỗ trợ, kiến tạo; khẳng định sự tham gia của các hiệp hội DN với trách nhiệm cụ thể; thể hiện luật, chính sách do Nhà nước ban hành, nhưng có sự tham dự tích cực của đối tượng chịu sự điều chỉnh.

Bên cạnh đó, Luật được xây dựng không chỉ nhằm đến đối tượng sử dụng ngân sách nhà nước, mà còn nhằm mục đích tạo khung pháp lý để khuyến khích các tổ chức ngoài Nhà nước tham gia tài trợ, hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển DNNVV, hình thành quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Luật cũng thể hiện quan điểm thị trường trong hỗ trợ DNNVV (chỉ hỗ trợ DN đáp ứng và có tiềm năng phát triển tốt nhất trong điều kiện nguồn lực hạn chế); thay đổi cung cách thực hiện (sử dụng ngân sách nhà nước nhưng không giao tổ chức sự nghiệp nhà nước cung cấp dịch vụ, mà sẽ đấu thầu lựa chọn các tổ chức dịch vụ trên thị trường để cung cấp dịch vụ hỗ trợ DN).

Hiện nay, Ðảng và Nhà nước đã có những định hướng chiến lược cơ bản như, đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, tái cơ cấu ba lĩnh vực trọng tâm… Các hoạt động triển khai cụ thể những nội dung này đều đi đến và tập trung hướng tới phát triển nền kinh tế dựa trên hệ thống DN mạnh của chính Việt Nam, qua đó mới bảo đảm sự bền vững, chủ động. Việc triển khai nghiêm túc Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) và Luật hỗ trợ DNNVV theo tinh thần mới, nội dung mới, nền kinh tế Việt Nam sẽ có "trụ đế" vững chắc cho định hướng độc lập và tự chủ.

PGS, TS HỒ SỸ HÙNG - Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư)

 

Nguồn tin: www.nhandan.ogr.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

128/QĐ-SKHĐT

Quyết định ban hành Quy chế thực hiện dân chủ của Sở Kế hoạch và Đầu tư

Thời gian đăng: 25/01/2024

lượt xem: 660 | lượt tải:3193

105/QĐ-SKHĐT

Quyết định Công khai dự toán thu, chi ngân sách năm 2022

Thời gian đăng: 14/02/2023

lượt xem: 768 | lượt tải:332

78/NQ-CP

Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 20 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ chuyên đề về phòng, chống dịch COVID-19.

Thời gian đăng: 26/07/2021

lượt xem: 2498 | lượt tải:281

01/QĐ-SKHĐT

QĐ về việc ban hành Lịch tiếp công dân năm 2021 của Sở Kế hoạch và Đầu tư

Thời gian đăng: 04/08/2021

lượt xem: 2011 | lượt tải:266

114/QĐ-SKHĐT

QĐ công khai dự toán thu, chi NS năm 2021

Thời gian đăng: 22/08/2021

lượt xem: 2219 | lượt tải:262
Đường dây nóng
  • Đang truy cập71
  • Hôm nay18,919
  • Tháng hiện tại317,423
  • Tháng trước:639,542
  • Tổng lượt truy cập15,729,851
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down