Luật sửa 9 luật: Kỳ vọng đẩy nhanh tiến độ dự án ODA

Thứ sáu - 25/02/2022 02:05 824 0
.
Luật sửa 9 luật: Kỳ vọng đẩy nhanh tiến độ dự án ODA
(BĐT) - Từ ngày 1/3/2022, nhiều bước trong quy trình thực hiện dự án ODA sẽ được đơn giản hóa, phân cấp, phân quyền mạnh hơn theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật. Những sửa đổi này được kỳ vọng giúp các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài thực hiện, giải ngân nhanh hơn trong thời gian tới.
Những quy định về quản lý dự án ODA đã được sửa đổi theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, tinh giản quy trình, thủ tục. Ảnh: Lê Tiên

Báo cáo giải ngân vốn đầu tư công của các địa phương năm 2021 cho thấy, việc triển khai thực hiện nguồn vốn ODA tại nhiều địa phương đạt rất thấp. Bên cạnh nguyên nhân chủ quan, theo phản ánh của nhiều địa phương, việc triển khai thủ tục về đầu tư, đấu thầu các dự án ODA thường kéo dài. Với quy định tại Luật Đầu tư công, các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ phải trình Thủ tướng 2 lần để xem xét, phê duyệt đề xuất dự án và quyết định chủ trương đầu tư. Trong trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư, các dự án này cũng phải trình Thủ tướng phê duyệt trước khi cơ quan chủ quản điều chỉnh quyết định đầu tư. Quy trình này phù hợp với dự án đầu tư nhóm A với quy mô lớn, có tính chất liên ngành, liên vùng, thường có tỷ lệ cho vay lại cao và phải thực hiện theo yêu cầu, điều kiện chặt chẽ của hiệp định được ký kết. Tuy nhiên, đối với các dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đã nước ngoài nhóm B và C - nhóm dự án có số lượng nhiều, quy mô không lớn, chủ yếu do địa phương là cơ quan chủ quản thì không phù hợp. Nguyên nhân là dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đã nước ngoài nhóm B và C thường có đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư trong quá trình thực hiện. Nếu có điều chỉnh, các dự án này sẽ phải trình Thủ tướng tới 3 lần, gồm xem xét, phê duyệt đề xuất chương trình, dự án; quyết định chủ trương đầu tư; quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Từ ngày 1/3/2022, những quy định này sẽ được thay đổi khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự (gọi tắt là Luật sửa đổi 9 luật) có hiệu lực thi hành.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, những quy định về quản lý dự án ODA đã được sửa đổi theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, tinh giản quy trình, thủ tục dự án ODA.

Cụ thể, Luật đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công theo nguyên tắc phân quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho người đứng đầu cơ quan chủ quản đối với các dự án đầu tư nhóm B và nhóm C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư do cơ quan, tổ chức mình quản lý. Dự án nhóm A là những dự án có quy mô lớn, nguồn vốn, nguồn lực lớn, ảnh hưởng rất nhiều đến kinh tế đất nước, trong khi đó, năng lực, kinh nghiệm ở các tỉnh, địa phương có quy mô kinh tế nhỏ còn chưa theo kịp. Do vậy, trước mắt, mạnh dạn đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đối với các dự án thuộc nhóm B, C và từng bước mở rộng phân cấp dần đối với các dự án thuộc nhóm A nếu qua thực tiễn vận hành, triển khai bảo đảm an toàn và có những dấu hiệu tích cực.

Đồng thời, quy định của Luật Đấu thầu đối với dự án ODA cũng được sửa đổi, cho phép triển khai một số hoạt động thực hiện trước. Cụ thể, việc lập, trình duyệt, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, xác định danh sách ngắn đối với các hoạt động mua sắm của dự án ODA, vốn vay ưu đãi được thực hiện trước khi ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi. Theo đánh giá của nhiều nhà tài trợ, việc cho phép triển khai hoạt động thực hiện trước sẽ rút ngắn thời gian giải ngân khoản vay đầu tiên của dự án ODA được ít nhất là 1 năm tính từ khi phê duyệt khoản vay.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện nhiều ban quản lý dự án đánh giá, những điểm mới của Luật sửa đổi 9 luật liên quan đến dự án ODA sẽ giúp tiến độ thực hiện các dự án ODA nhanh hơn rất nhiều, bởi thực tế mỗi điều chỉnh hiện nay dù không làm thay đổi tổng mức đầu tư nhưng vẫn phải trải qua các thủ tục, trình tự thẩm định, phê duyệt thêm 3 - 6 tháng so với các dự án vốn trong nước thuộc thẩm quyền phê duyệt của địa phương. Không chỉ giảm được rất nhiều thời gian, việc phân cấp này cũng giúp tăng tính chủ động, tăng trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan chủ quản đối với các dự án.

(Nguồn: Minh Thư/www.baodauthau.vn
Cập nhật: 10h00, ngày 15/02/2022)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

128/QĐ-SKHĐT

Quyết định ban hành Quy chế thực hiện dân chủ của Sở Kế hoạch và Đầu tư

Thời gian đăng: 25/01/2024

lượt xem: 738 | lượt tải:3613

105/QĐ-SKHĐT

Quyết định Công khai dự toán thu, chi ngân sách năm 2022

Thời gian đăng: 14/02/2023

lượt xem: 840 | lượt tải:347

78/NQ-CP

Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 20 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ chuyên đề về phòng, chống dịch COVID-19.

Thời gian đăng: 26/07/2021

lượt xem: 2654 | lượt tải:291

01/QĐ-SKHĐT

QĐ về việc ban hành Lịch tiếp công dân năm 2021 của Sở Kế hoạch và Đầu tư

Thời gian đăng: 04/08/2021

lượt xem: 2093 | lượt tải:275

114/QĐ-SKHĐT

QĐ công khai dự toán thu, chi NS năm 2021

Thời gian đăng: 22/08/2021

lượt xem: 2258 | lượt tải:265
Đường dây nóng
  • Đang truy cập114
  • Hôm nay18,802
  • Tháng hiện tại331,234
  • Tháng trước:580,744
  • Tổng lượt truy cập16,324,406
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down