Tham dự Hội nghị tại đầu cầu Trung ương có các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại diện lãnh đạo khối các cơ quan Đảng, cơ quan Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Văn phòng Chủ tịch nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, Hội Luật gia Việt Nam; các đại biểu Đại biểu Quốc hội…
Tham dự Kỳ họp tại điểm cầu tỉnh Lai Châu có các đồng chí: Giàng Páo Mỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh; Chu Lê Chinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Hoàng Quốc Khánh - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Lai Châu; Hà Trọng Hải - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đại biểu Quốc hội tỉnh; đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh; đại diện lãnh đạo Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng quán triệt, chỉ đạo việc triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Ngày 1/10/2021, Bộ Chính trị thông qua Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khoá XV và ban hành Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 về Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV.
Tại Kết luận, Bộ Chính trị nêu rõ, mục tiêu của công tác xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV là hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, tạo lập khung khổ pháp lý để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, 12 định hướng phát triển đất nước, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược đã được Đại hội XIII của Đảng đề ra.
Trong quá trình triển khai thực hiện định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Bộ Chính trị lưu ý việc xây dựng, ban hành luật phải thận trọng, chắc chắn, làm tốt từng khâu, đặt yêu cầu cao về chất lượng, không chạy theo số lượng, phải bám sát và kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Những vấn đề cấp bách, đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh, có sự thống nhất cao thì mới xây dựng, ban hành luật; những vấn đề tuy cấp bách, cần thiết, nhưng là vấn đề mới, chưa đạt đồng thuận cao thì có thể quy định thực hiện thí điểm.
Trước mắt, chưa triển khai xây dựng những dự án luật có nội dung phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau, cần có thêm thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng. Chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, ổn định, công khai, minh bạch, có sức cạnh tranh quốc tế; lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm; tăng cường giám sát, kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước; thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Bộ Chính trị giao Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ, các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, cụ thể hoá nội dung Đề án vào chương trình công tác, chương trình xây dựng pháp luật hàng năm; lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện có chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV; thường xuyên rà soát, kịp thời điều chỉnh, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ lập pháp bảo đảm phù hợp với đường lối Đại hội XIII của Đảng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đồng thời, các đại biểu cũng nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đã trình bày Báo cáo tổng quan về Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và dự kiến Kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị.
Theo đó, trên cơ sở 8 nhóm định hướng lớn nêu trên và 70 định hướng cụ thể, căn cứ vào quỹ thời gian thực tế và khả năng thực hiện, Đảng đoàn Quốc hội và các cơ quan thống nhất xác định 137 nhiệm vụ lập pháp cần phải thực hiện trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV trên tổng số 193 nhiệm vụ do các cơ quan, tổ chức đề xuất, bao gồm: 12 nhiệm vụ đã có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2021 và 2022; 88 nhiệm vụ nghiên cứu, rà soát các văn bản luật hiện hành và 37 nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng văn bản mới. Đề án đã dự kiến phân công cơ quan, tổ chức thực hiện và thời hạn hoàn thành việc rà soát, nghiên cứu. Trong số 137 nhiệm vụ lập pháp nêu trên, đến nay các cơ quan đã hoàn thành việc nghiên cứu, rà soát đối với 16 nhiệm vụ, trong đó đã có 13 dự án luật được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các năm 2021 và 2022; 3 dự án luật đang được đề nghị xem xét, bổ sung vào Chương trình năm 2022.
Tại Hội nghị, đại diện một số cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, địa phương đã có nhiều ý kiến tham gia phát biểu vào Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV.
Kết luận Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận các ý kiến tham gia phát biểu của đại diện một số cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, địa phương vào Đề án. Đồng thời yêu cầu Đảng Đoàn đại biểu Quốc hội có trách nhiệm lãnh đạo thực hiện có hiệu quả Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV sau khi được Bộ Chính trị thông qua và có Kết luận chỉ đạo; lãnh đạo, chỉ đạo việc lập và triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm, bảo đảm chất lượng và tiến độ; chỉ đạo nghiên cứu, rà soát đối với các định hướng, nhiệm vụ lập pháp thuộc trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, trong phạm vi lĩnh vực phụ trách có trách nhiệm chủ động nghiên cứu, rà soát các văn bản, pháp lệnh, nghị quyết thuộc phạm vi phụ trách của cơ quan mình và theo sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; phối hợp tham gia ý kiến với các cơ quan của Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc nghiên cứu, rà soát các văn bản, pháp lệnh, nghị quyết.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm khẩn trương triển khai các giải pháp để đảm bảo thực hiện hiệu quả các định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đã được xác định; đề cao trách nhiệm, nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, hoàn thành nhiệm vụ lập pháp được giao; thường xuyên rà soát, kịp thời điều chỉnh, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ lập pháp để đảm bảo phù hợp với chủ trương, định hướng được đề ra trong các văn kiện mới của Đảng, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế...
(Nguồn: Thu Hoài/www.laichau.gov.vn
Cập nhật: 13h50, ngày 03/11/2021)
Ý kiến bạn đọc