Tăng cường kiểm soát lạm phát, góp phần tạo sự ổn định kinh tế vĩ mô

Chủ nhật - 11/07/2021 22:53 421 0
.
Tăng cường kiểm soát lạm phát, góp phần tạo sự ổn định kinh tế vĩ mô

Trong 6 tháng đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh vẫn có những diễn biến khó lường, nhiều khu vực trên thế giới có nguy cơ lạm phát tăng cao song việc kiểm soát lạm phát trong nước vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ.

Tuy vậy, việc kiểm soát lạm phát không chỉ thuần túy hướng đến hoàn thành các chỉ tiêu được Quốc hội giao mà cần phải được đặt trong đa mục tiêu về thúc đẩy tăng trưởng, ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phòng chống dịch bệnh; là đòn bẩy cho sản xuất, kinh doanh cũng như ổn định tâm lý người tiêu dùng. Do đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chủ động, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc chức năng theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá, góp phần tạo sự ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong thời gian tới.

Các biện pháp kiểm soát lạm phát đã phát huy hiệu quả

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, mặt bằng giá tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng cao vào đầu năm sau đó giảm trong hai tháng tiếp theo và tăng nhẹ trở lại trong tháng 5 và tháng 6. Chỉ số CPI so với tháng trước của tháng 1/2021 tăng 0,06%, tháng 2/2021 tăng cao 1,52%, tháng 3/2020 giảm 0,27%, tháng 4 giảm 0,04%, tháng 5 tăng 0,16%, tháng 6 tăng 0,19%. CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát cơ bản 6 tháng tăng 0,87%.

Ảnh minh họa: M. Tuấn

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết, trong 6 tháng đầu năm, nhiều khu vực trên thế giới có nguy cơ lạm phát tăng cao song việc kiểm soát lạm phát trong nước vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ và đã được dự báo, đánh giá trong kịch bản điều hành giá do Ban chỉ đạo điều hành giá đề ra ngay từ đầu năm. Các chính sách, biện pháp kiểm soát lạm phát của Chính phủ đã được phát huy hiệu quả; Các biện pháp quản lý, điều hành giá đã được triển khai quyết liệt, phối hợp linh hoạt với các chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại đã giúp cho cung cầu nói chung cơ bản ổn định, ít xảy ra tình trạng khan hiếm và tạo sự ổn định cho nền tảng kinh tế vĩ mô của Việt Nam ở trạng thái tốt, tạo dư địa cho Chính phủ triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy hồi phục tăng trưởng.

Trong vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-BTC ngày 21/12/2020 về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, trong đó chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ về quản lý, điều hành, bình ổn giá cả thị trường và thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo trong dịp Tết Nguyên đán nhằm kịp thời nắm bắt tình hình thị trường và có các biện pháp kịp thời, phù hợp nhằm bình ổn thị trường khi cần thiết. Đồng thời, phối hợp với các Bộ, ngành đánh giá, dự báo tình hình giá cả và tính toán các kịch bản, giải pháp điều hành báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo, quán triệt triển khai đồng bộ, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra .

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ảnh hưởng đến giá cả thị trường, Bộ Tài chính đã có công văn số 4896/BTC-QLG ngày 14/05/2021 đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường trên địa bàn để hỗ trợ cho việc thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, vừa giữ ổn định mặt bằng giá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tránh để xảy ra các biến động bất thường về giá ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã tập trung đẩy mạnh công tác tổng kết, đánh giá thi hành Luật Giá; rà soát để xác định các nội dung chồng chéo, vướng mắc; không còn phù hợp tại các văn bản quy phạm pháp luật về giá, trên cơ sở đó kiến nghị sửa đổi hoàn thiện pháp luật.

Trong 6 tháng đầu năm, các mặt hàng do nhà nước định giá được giữ ổn định nhằm tạo điều kiện cho công tác kiểm soát lạm phát ngay trong nửa đầu năm 2021; một số hàng hóa dịch vụ quan trọng thiết yếu tiếp tục được đề xuất giảm giá để hỗ trợ nền kinh tế như: Mặt hàng điện, Dịch vụ chứng khoán, mặt hàng Xăng dầu, Sách giáo khoa… Trong đó, tiếp tục thực hiện chủ trương giữ ổn định giá điện bán lẻ bình quân để đảm bảo hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp; Mặt khác, qua đánh giá tác động tích cực từ 2 lần hỗ trợ giá điện trong năm 2020, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương để trình Chính phủ phương án giảm giá điện đợt 3. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 55/NQ-CP ngày 02/06/2021 về phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 3 cho khách hàng sử dụng điện như các cơ sở lưu trú du lịch, các cơ sở đang thực hiện cách li, khám bệnh tập trung, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19; ước tính số tiền hỗ trợ giảm đợt 3 khoảng 1.200 - 1.300 tỷ đồng.

Nhằm hỗ trợ các tổ chức, cá nhân liên quan chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19, ngày 14/5/2021 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 30/2021/TT-BTC ngày về việc kéo dài hiệu lực thi hành Thông tư số 14/2020/TT-BTC ngày 18/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 127/2018/TT-BTC ngày 27/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán, áp dụng tại Sở Giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, theo đó tiếp tục kéo dài quy định miễn thu hoặc giảm giá đối với một số dịch vụ chứng khoán.

Đối với mặt hàng Xăng dầu, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương trong việc cập nhật diễn biến giá thế giới, thường xuyên đánh giá tác động giá xăng dầu trong nước đối với mục tiêu kiểm soát lạm phát, đồng thời căn cứ diễn biến tình hình kinh tế xã hội và các giải pháp điều hành vĩ mô của Chính phủ để điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp; trong đó quỹ BOG liên tục được điều hành theo hướng ngừng trích lập và tăng chi sử dụng để hạn chế mức tăng giá xăng dầu trong nước trước biến động tăng của giá thế giới. Trong 6 tháng đầu năm 2021, Liên Bộ đã ban hành 12 văn bản điều hành xăng dầu, trong đó giá xăng có 9 lần tăng, 1 lần giảm và 2 lần giữ ổn định; giá dầu có số lần điều chỉnh tăng ít hơn (7-8 lần tùy loại).

Trong 6 tháng đầu năm, các nhà xuất bản đã thực hiện kê khai giá sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 mới theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Bộ Tài chính đã kịp thời có các công văn đề nghị các Nhà xuất bản thực hiện kiểm soát, tiết giảm các chi phí trong cơ cấu giá thành sách giáo khoa để giảm giá sách giáo khoa theo nguyên tắc kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, chủ động tiết kiệm chi phí, xác định giá sách giáo khoa đảm bảo cân đối hài hòa lợi ích kinh tế NXB và mục đích phục vụ an sinh, xã hội. Đến nay, các Nhà xuất bản đã nhiều lần thực hiện kê khai và kê khai lại điều chỉnh giảm giá các cuốn sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 và lớp 6 mới.

Công tác tổng hợp phân tích được nâng cao

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá, nhờ công tác tổng hợp phân tích dự báo tiếp tục được đẩy mạnh, nâng cao nên các nhà điều hành đã có các giải pháp phù hợp, kịp thời. Ví dụ như mặt hàng thép xây dựng so với đầu năm 2021 thì giá bán hiện tăng khoảng 12-16% tùy theo từng chủng loại và nhà sản xuất. Nguyên nhân giá thép xây dựng tăng trong giai đoạn vừa qua một phần là do tác động của biến động tăng giá phôi thép trên thị trường thế giới, nhất là do nhu cầu từ thị trường Trung Quốc tăng mạnh. Diễn biến mặt hàng thép đã được cập nhật và báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trong quý I/2021. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã có ý kiến chỉ đạo thực hiện một số giải pháp. Hiện Bộ Công Thương đang thành lập đoàn công tác liên ngành kiểm tra tình hình sản xuất, cung cầu sản phẩm thép trên thị trường. Từ đầu tháng 6 đến nay, giá thép có xu hướng hạ nhiệt do giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thép (phôi, phế, quặng sắt, than,...) có xu hướng chững lại và có một số thời điểm biến động giảm, đồng thời nhu cầu tiêu thụ thép cuối tháng 5, đầu tháng 6/2021 có xu hướng giảm so với các tháng trước.

Các mặt hàng khác như thức ăn chăn nuôi, thịt lợn, gạo và các mặt hàng thiết yếu cũng luôn được Cục Quản lý giá cập nhật, theo dõi, phân tích để có các giải pháp điều hành kịp thời tham mưu với Lãnh đạo Bộ và Chính phủ.

Những giải pháp trọng tâm trong 6 tháng cuối năm

Theo ước tính của Cục Quản lý giá, trên cơ sở đánh giá dự báo xu hướng các mặt hàng quan trọng thiết yếu là trọng tâm của công tác quản lý, điều hành giá trong năm 2021, kết hợp với đánh giá về lạm phát cơ bản của Ngân hàng nhà nước, có thể thấy nếu không có những yếu tố quá đột biến xảy ra, việc kiểm soát CPI bình quân cả năm 2021 ở mức khoảng 4% là vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo điều hành giá. Tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn rủi ro đối với công tác kiểm soát lạm phát đến từ tình hình thế giới như xu hướng đầu cơ, tích trữ các mặt hàng chiến lược có thể tạo áp lực lên giá một số nguyên vật liệu trên thị trường quốc tế, từ đó tác động đến thị trường trong nước qua kênh nhập khẩu; dịch bệnh diễn biến phức tạp có thể tác động làm tăng giá cục bộ một số mặt hàng tại một số địa phương bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, việc kiểm soát lạm phát không chỉ hướng thuần túy đến vấn đề chỉ tiêu Quốc hội giao mà cần phải được đặt trong đa mục tiêu về thúc đẩy tăng trưởng, ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phòng chống dịch bệnh, là đòn bẩy cho sản xuất, kinh doanh cũng như ổn định tâm lý người tiêu dùng. Việc kiểm soát CPI bình quân cũng cần hướng đến việc kiểm soát cả CPI cùng kỳ tháng 12 nhằm tạo nền tảng thuận lợi cho việc kiểm soát lạm phát trong năm tới 2022.

Để thực hiện kiểm soát lạm phát theo chỉ tiêu quốc hội giao, công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát 6 tháng cuối năm 2021 cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chủ động, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc chức năng theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá; trong đó, tập trung triển khai 5 biện pháp cụ thể sau:

(1) Theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường các hàng hóa thiết yếu, nguyên, nhiên vật liệu chiến lược trên thế giới; Tính toán, dự báo các tác động đến mặt bằng giá trong nước cũng như các tác động tới sản xuất, kinh doanh nhằm có các biện pháp cân đối cung - cầu, giá cả kịp thời trong trường hợp tiếp tục có các biến động mạnh. Mặt khác, ngăn chặn các hoạt động đầu cơ, thao túng giá, các hành động “tát nước theo mưa” để trục lợi.

(2) Công tác tổng hợp, phân tích, dự báo là nền tảng cho việc xây dựng kịch bản điều hành giá cũng cần được triển khai hiệu quả hơn nhằm tính toán được những thời điểm thuận lợi, đủ điều kiện cho việc triển khai thực hiện lộ trình thị trường đối với giá dịch vụ công nhằm nhanh chóng thực hiện chủ trương của Đảng, nhà nước về đổi mới cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, giải phóng nguồn lực xã hội trong cung cấp dịch vụ công.

(3) Tiếp tục giữ ổn định chính sách tiền tệ, mặt bằng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát cơ bản. Đồng thời tăng cường kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực nóng, tiềm ẩn nhiều rủi ro như chứng khoán, bất động sản. Có các giải pháp điều tiết nhằm tạo sự ổn định cho thị trường bất động sản, không để xảy ra hiện tượng sốt giá, thổi giá.

(4) Tiếp tục đẩy mạnh công tác rà soát, đánh giá thực hiện và sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế chính sách quản lý, điều hành giá cho phù hợp với thực tế hiện nay; xác định rõ cơ quan chủ trì, cơ chế phối hợp và đẩy mạnh công khai minh bạch trong quản lý điều hành giá các mặt hàng.

(5) Chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí thực hiện công tác truyền thông, đảm bảo kịp thời, minh bạch thông tin về giá và công tác điều hành giá của Chính phủ, Ban chỉ đạo điều hành giá, nhất là diễn biến giá cả các vật tư quan trọng, các mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống người dân để ổn định tâm lý người tiêu dùng, kiểm soát lạm phát kỳ vọng.

(Nguồn: Mộc Lan/www.mof.gov.vn
Cập nhật: 17h21, ngày 09/7/2021)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

128/QĐ-SKHĐT

Quyết định ban hành Quy chế thực hiện dân chủ của Sở Kế hoạch và Đầu tư

Thời gian đăng: 25/01/2024

lượt xem: 85 | lượt tải:19

105/QĐ-SKHĐT

Quyết định Công khai dự toán thu, chi ngân sách năm 2022

Thời gian đăng: 14/02/2023

lượt xem: 396 | lượt tải:207

78/NQ-CP

Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 20 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ chuyên đề về phòng, chống dịch COVID-19.

Thời gian đăng: 26/07/2021

lượt xem: 1836 | lượt tải:233

01/QĐ-SKHĐT

QĐ về việc ban hành Lịch tiếp công dân năm 2021 của Sở Kế hoạch và Đầu tư

Thời gian đăng: 04/08/2021

lượt xem: 1567 | lượt tải:199

114/QĐ-SKHĐT

QĐ công khai dự toán thu, chi NS năm 2021

Thời gian đăng: 22/08/2021

lượt xem: 1620 | lượt tải:206
Đường dây nóng
  • Đang truy cập82
  • Hôm nay15,737
  • Tháng hiện tại475,585
  • Tháng trước:447,481
  • Tổng lượt truy cập11,113,653
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down