Phát biểu tại Diễn đàn, đại diện Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết trong chính sách thu hút FDI, lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, công nghiệp chế biến nông lâm thủy hải sản và phát triển nông thôn được coi là lĩnh vực khuyến khích và đặc biệt khuyến khích đầu tư. Tuy nhiên thực tế chỉ ra đầu tư vào lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp tại Việt Nam còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và ý nghĩa quan trọng của lĩnh vực này trong nền kinh tế, chưa tạo được bước phát triển nhanh trong sản xuất hàng hóa với chất lượng cao như mong muốn. Tính đến tháng 10/2014, có 516 dự án FDI trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3,656 tỷ USD, chiếm 3% tổng số dự án và 1,49% tổng vốn đầu tư đăng ký, đứng thứ 10 trong số 18 ngành kinh tế đã có đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Sau những năm 2000, nguồn vốn đầu tư nước ngoài được thu hút khá đồng đều vào lĩnh vực trồng trọt, lâm sản, mía đường, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rừng, sản xuất nguyên liệu giấy.
Sự kiện nhằm hưởng ứng ngày môi trường thế giới và cuộc vận động dùng hàng Việt Nam, triển khai Quyết định số 800/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020. Đối với Việt Nam, nông nghiệp không chỉ là một ngành kinh tế quan trọng, cung cấp lương thực thực phẩm, nguyên liệu cho công nghiệp, mà còn là chỗ dựa vững chắc cho công nghiệp hóa, đảm bảo an sinh xã hội. Cùng người nông dân xây dựng nông thôn mới trong quá trình hội nhập là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó có vai trò to lớn của cộng đồng doanh nghiệp. Diễn đàn là cơ hội để các nhà quản lý, các chuyên gia, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp cùng thảo luận, tìm ra những giải pháp, hướng đi đúng để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật an toàn trong phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, hỗ trợ người nông dân hướng tới phát triển kinh tế nông nghiệp xanh, đẩy mạnh công cuộc xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là dịp khẳng định vị thế cho những doanh nghiệp, thương hiệu, sản phẩm uy tín và chất lượng được đông đảo nhân dân tin và dùng, đồng thời quảng bá thương hiệu sản phẩm ngành nông nghiệp nước ta đến với bạn bè quốc tế.
Thời gian qua, đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp đã bước đầu đạt được một số thành tựu đáng khích lệ. Các dự án FDI đã đem vào Việt Nam nhiều thiết bị, công nghệ tiên tiến, nhiều giống cây, giống con có năng suất và chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhiều dự án đã là những mô hình làm ăn kiểu mới có hiệu quả cao để nông dân và các doanh nghiệp Việt Nam noi theo. Các doanh nghiệp FDI đã tạo thêm việc làm cho hàng chục ngàn lao động nông nghiệp và hàng chục vạn lao động sản xuất nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và nhiều loại hình dịch vụ khác. Sản phẩm của doanh nghiệp FDI được tiếp thị ở thị trường quốc tế, góp phần giới thiệu nông sản hàng hóa của Việt Nam trên thị trường thế giới, tạo điều kiện cho nông sản Việt Nam thâm nhập thị trường, góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu chung của ngành.
Tuy nhiên, đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng cũng như nhu cầu thu hút FDI của Việt Nam vào lĩnh vực này. Tỷ trọng vốn FDI trong nông nghiệp là rất thấp trong cơ cấu ngành kinh tế và có xu hướng giảm, cách đây 15 năm, FDI vào nông lâm ngư nghiệp chiếm 15% trong tổng vốn đầu tư FDI của cả nước, đến 3 năm gần đây chỉ chiếm chưa đến 0,5%. Bên cạnh đó, chất lượng của các dự án FDI nông nghiệp chưa cao, phần lớn là các dự án quy mô nhỏ (xấp xỉ 50% quy mô vốn đầu tư bình quân một dự án FDI). Phân bổ vốn FDI trong nông nghiệp cũng không đồng đều, chủ yếu tập trung vào các dự án thu hồi vốn nhanh như trồng rừng và chế biến gỗ (chiếm 78%), trong khi các ngành chế biến nông thủy sản còn rất khiêm tốn. Hơn nữa, các dự án FDI nông nghiệp chủ yếu đến từ các nhà đầu tư khu vực Châu Á có nền công nghệ chưa thực sự phát triển cao, các nước phát triển cao như Mỹ, Nhật Bản, EU… còn ít.
Tham luận của TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) về việc lựa chọn mô hình phát triển và tăng trưởng xanh cho thấy thúc đẩy tăng trưởng và công nghiệp hóa không thể thành công nếu thiếu thể chế biết dựa vào thị trường và sự liên kết với kinh tế thế giới. Trong khi đó, các mô hình phát triển truyền thống chưa có tính cân bằng, bao trùm, sáng tạo và bền vững; thiếu tính cạnh tranh toàn cầu và sự gia tăng liên kết quốc tế; chưa tính đến sự phát triển nhanh chóng của nhiều nền kinh tế mới nổi, quy mô thế giới ảo và sự tương tác của nó đối với thế giới thực và cách vận hành riêng cùng rủi ro gia tăng của thế giới ảo. Từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, đến nay Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình thấp với một nền kinh tế mở và công nghiệp hóa hơn, song cũng đang đứng trước nguy cơ rơi vào “bẫy chi phí lao động thấp” và tồn tại nhiều vấn đề về phát triển bền vững (góc độ bảo vệ môi trường và sử dụng, khai thác tài nguyên). Do vậy, chỉ tiêu đến năm 2020, Việt Nam phát triển tập trung hơn vào năng suất, tiết kiệm năng lượng, nguồn nhân lực và tăng trưởng thân thiện với môi trường.
Về tiềm năng phát triển ngành nông, ngư nghiệp Việt Nam, ông Matsuyama, Tổng Giám đốc Ngân hàng Tokyo-Mitsubishi UFJ Việt Nam cho rằng dân số lao động trong ngành nông nghiệp Việt Nam chiếm đến 70%, song tổng tỷ lệ đóng góp cho GDP từ nông, lâm, ngư nghiệp chỉ chiếm 20%, do vậy phát triển ngành nông nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng để giúp Việt Nam phát triển hơn nữa. Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, Việt Nam cần chú trọng nâng cấp cơ sở hạ tầng các khu vực nông thôn lân cận. Qua đó, Ngân hàng Tokyo đưa ra đề xuất hỗ trợ tài chính các dự án cơ sở hạ tầng cho ngành nông nghiệp và hỗ trợ tài chính cho ngành nông nghiệp Việt Nam, ưu tiên tỉnh Lâm Đồng (Đà Lạt) và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long./.
Tác giả: Nguyễn Hương
Nguồn tin: www.mpi.gov.vn
Ý kiến bạn đọc