hát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT tiếp thu các ý kiến và dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ theo tinh thần tập trung mạnh vào tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành nhằm tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả hơn nữa nhiệm vụ về xây dựng kết cấu hạ tầng-một trong những khâu đột phá chiến lược, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Thủ tướng cũng yêu cầu trong Chỉ thị có nêu rõ Bộ TN&MT chủ trì Đề án giải phóng mặt bằng, trong đó phải giải quyết được những vướng mắc đặt ra trong công tác này.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Nghị quyết 13 đã được các Bộ, ngành, địa phương quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Công tác quản lý đầu tư công hiệu quả, tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; bên cạnh đó vốn đầu tư từ xã hội cũng đã được huy động mạnh cho xây dựng kết cấu hạ tầng. Trong khó khăn chung, điều đáng mừng là bộ mặt thành thị, nông thôn thay đổi rất lớn nhờ đầu tư hạ tầng thời gian qua. Những thành quả chúng ta đạt được có thể lượng hóa và có thể đo đếm được.
Những kết quả đạt được trong thực hiện đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an ninh-quốc phòng của đất nước trong thời gian qua.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Huy động các nguồn lực để làm tốt, làm nhanh hơn nữa
Thủ tướng nói: “Nếu không có hạ tầng thì chúng ta khó đạt tăng trưởng 6% như vừa rồi. Rõ ràng đây là một chủ trương hết sức đúng đắn, được nhân dân đồng tình ủng hộ và qua thực hiện đã đạt được những kết quả tích cực. Chúng ta phải tiếp tục làm tốt hơn nữa chủ trương này đồng thời phải chắt chiu, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để làm tốt hơn nữa, nhanh hơn nữa”.
Vì vậy, để tiếp tục làm tốt hơn nhiệm vụ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, trước hết phải khắc phục cho được những hạn chế, yếu kém, nhất là hạn chế liên quan đến thể chế, cơ chế, chính sách; yêu cầu đặt ra là phải rà soát, tiếp tục cải cách để hoàn thiện thể chế, đơn giản hóa thủ tục, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp song vẫn đảm bảo quản lý chặt chẽ, chống tiêu cực.
Đồng thời tiến hành rà soát, tiếp tục cải cách để hoàn thiện thể chế, đơn giản hóa thủ tục để làm sao trong công tác đầu tư huy động vốn ngoài xã hội được nhiều hơn, sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn vốn huy động được, trước hết là sử dụng có hiệu quả nguồn vốn nhà nước, đảm bảo cho chất lượng công trình tốt hơn, không để xảy ra tiêu cực…
Cùng với đó là phải khắc phục cho được những hạn chế trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Tiếp tục hoàn thiện, cập nhật quy hoạch, đảm bảo chất lượng quy hoạch.
Toàn cảnh cuộc họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta quản lý bằng quy hoạch, cái nào trái quy hoạch thì không cho, nhưng nếu quy hoạch “trên trời” thì không được, hoặc nếu quy hoạch không sát thực thế thì tính khả thi sẽ không cao. Tất cả các lĩnh vực liên quan đến đầu tư kết cấu hạ tầng đều phải rà soát lại để quy hoạch cho sát, cho chất lượng”. Từ quy hoạch đưa ra dự án, xây dựng cơ chế chính sách khả thi trong thực hiện đầu tư, thu hút đầu tư hạ tầng.
Để người dân quản lý sẽ có lợi nhiều mặt
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu rõ bên cạnh vốn ngân sách, phải huy động mạnh mẽ hơn nữa vốn đầu tư từ xã hội; tạo mọi điều kiện về cơ chế, chính sách cho người dân, cho xã hội, cho nước ngoài đầu tư vào hạ tầng, trong đó có đầu tư vào các dự án mới và các công trình hiện có để Nhà nước lấy vốn về đầu tư cho các công trình khác.
“Bây giờ dân làm thì không mất đi đâu cả, để người dân quản lý sẽ có lợi nhiều mặt, một mặt nguồn vốn ta bán ta sẽ thu lại để làm cái khác; mặt khác người dân sẽ quản lý tốt hơn vì đó là tiền của họ, đồng tiền đi liền khúc ruột; rồi chúng ta còn giảm được biên chế và nhiều thứ khác nữa, của tư nhân thì sẽ không có tiêu cực, còn của Nhà nước thì dễ phát sinh tiêu cực”, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng lưu ý các Bộ, ngành, địa phương quản lý thật chặt chẽ vốn đầu tư công; coi việc thực hiện đột phá chiến lược về đầu tư cho kết cấu hạ tầng là một nhiệm vụ trọng tâm và phải tập trung chỉ đạo quyết liệt, nhất là trong hoàn thiện thể chế, cân đối, tính toán, huy động các nguồn vốn cho đầu tư hạ tầng.
Bộ KH&ĐT chịu trách nhiệm tính toán nguồn vốn đầu tư công từ 3 nguồn là ngân sách tập trung, trái phiếu Chính phủ và ODA trong 5 năm tới để làm kế hoạch trung hạn, đây là việc phải chủ động làm ngay, đồng thời các Bộ, ngành, địa phương cũng phải rà soát đưa ra được các dự án, lĩnh vực kêu gọi đầu tư theo hình thực hợp tác công-tư, kêu gọi xã hội hóa.
Tác giả: Nguyễn Hoàng - Nhật Bắc
Nguồn tin: www.chinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc