Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết cùng với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (theo Quyết định 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010), đề án “Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” được coi là hai cuộc cách mạng của nông nghiệp, nông thôn nước ta.
DN đầu tư vào nông nghiệp đã có thành công nhưng còn chưa tương xứng với tiềm năng
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm chỉ đạo hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, trong 2 năm 2014, 2015, Chính phủ đã ban hành 2 Nghị quyết số 19/NQ-CP nhằm thúc đẩy mạnh hơn nữa việc cải thiện môi trường kinh doanh.
Ông Cao Đức Phát cho biết, Bộ NN&PTNT đã thành lập Nhóm thu hút đầu tư nông nghiệp, nông thôn với sự tham gia của các cơ quan quản lý thuộc Bộ và 30 DN nòng cốt đầu tư trong nông nghiệp.
Từ những nỗ lực của Chính phủ và DN, đầu tư từ khu vực tư nhân vào nông nghiệp, nông thôn trong thời gian gần đây đã tăng đáng kể. Cụ thể, năm 2013, đầu tư của tư nhân trong nước vào nông nghiệp, nông thôn đã tăng 1,9 lần so với năm 2009.
Số DN đầu tư vào nông nghiệp tăng từ con số 2.397 năm 2007 tăng lên 3.635 DN năm 2013, tăng bình quân 13,8%/năm; trong đó DN ngoài Nhà nước chiếm phần lớn (khoảng 89%), tạo việc làm cho 265 nghìn lao động.
Đã có nhiều nhà đầu tư thành công và trở thành những đầu tàu về ứng dụng khoa học công nghệ cao, phát triển thị trường, tạo động lực phát triển cho nhiều vùng, địa phương như Vinamilk, Minh Phú, TH Truemilk, Hoàng Anh Gia Lai… Hiện cũng có nhiều DN, tập đoàn lớn tìm hiểu cơ hội và mong muốn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như Vingroup, Himlam, Viettel, FLC…
Tuy nhiên, theo ông Cao Đức Phát, đầu tư tư nhân vào nông nghiệp, nông thôn thời gian qua còn rất hạn chế và chưa tương xứng với tiềm năng, cũng như nhu cầu phát triển của ngành. Đầu tư của DN trong nước còn thấp, thiếu ổn định với tỷ trọng DN đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn rất thấp. Năm 2014, DN đầu tư vào lĩnh vực này chỉ chiếm 1,01% trong tổng số DN của cả nước, phần lớn lại có quy mô nhỏ (quy mô vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm 55%).
Cũng tại hội nghị này, nhiều chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) và đại diện các DN lớn đánh giá ngành Nông nghiệp Việt Nam đã có sự phát triển ấn tượng trong thời gian qua. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc và bất cập cần được sớm giải quyết để tạo thuận lợi cho DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đại diện nhiều DN đã đưa ra những kiến nghị, đề xuất cụ thể về đất đai, cơ sở hạ tầng, tín dụng, thuế, phí, xúc tiến thương mại và phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã gợi mở, chia sẻ với từng đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Ảnh: VGP/Công Việt
Những chia sẻ của Phó Thủ tướng
Hội nghị đã kéo dài hết cả buổi sáng ngày Chủ nhật với rất nhiều phát biểu tâm huyết, thẳng thắn của đại diện các DN, nên phải đến giữa trưa, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải mới có thời gian chia sẻ với cộng đồng DN.
Phó Thủ tướng đồng tình rằng sau 30 năm đổi mới, ngành nông nghiệp nước nhà đúng là đã có sự phát triển ấn tượng như chuyên gia của WB nhận định. Tuy nhiên, bước vào một giai đoạn mới với hàng loạt hiệp định thương mại tự do đã, đang và sẽ được ký kết, thách thức đối với ngành lớn hơn trước rất nhiều và bối cảnh để phát triển cũng đã khác trước. Để bảo đảm sự thành công trong phát triển nông nghiệp, cần nỗ lực, quyết sách mới và trên hết là sự tham gia mạnh mẽ của DN.
Phó Thủ tướng đánh giá cao Bộ NN&PTNT đã thành lập Nhóm hành động về tái cơ cấu, thực hiện tiếp xúc với DN, tập hợp được 30 nhóm vấn đề với 40 kiến nghị cụ thể. Phó Thủ tướng cho biết khó khăn và thách thức nhất đối với DN là vấn đề đất đai, giải phóng mặt bằng. Tới đây, các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu, đề xuất xử lý vấn đề này.
Tuy nhiên, nước ta đất chật người đông nên bình quân đất sản xuất trên đầu người rất thấp. Do đó, bên cạnh việc xin cấp đất thì DN cần liên kết với nông dân và nên coi đó là giải pháp ưu tiên.
Về vấn đề vốn đầu tư cho nông nghiệp, Phó Thủ tướng đề nghị phải có nhóm công tác để làm việc với từng dự án, bởi “không thể tham làm hết tất cả mọi thứ cùng lúc được” mà cần tập trung vào một số ngành hàng cụ thể và phát triển tiếp lên nữa nếu thành công.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết Chính phủ sẽ tập trung đầu tư về cơ sở hạ tầng như thủy lợi, giao thông nông thôn… để phục vụ nông nghiệp. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng không phải việc gì cũng đợi Nhà nước khi mà rất nhiều mô hình, dự án thực hiện theo hình thức đối tác công-tư (PPP) đã thành công. Thế nên, DN cần phát huy sáng tạo, tìm ra hướng đi để phát triển bởi “không có con đường nào trải sẵn cả”.
Phó Thủ tướng lý giải sự thất bại nhiều khi đến từ việc thiếu liên kết giữa các DN nên vai trò của các hiệp hội ngành nghề là rất quan trọng. Dù đã 30 năm đổi mới nhưng một tư duy cũ vẫn còn phổ biến là một DN phải làm “từ a tới z” mà thiếu sự liên kết giữa các DN với nhau. Theo Phó Thủ tướng, trong nền kinh tế thị trường, chỉ nên làm những điều mình giỏi nhất, có thể làm tốt nhất, bởi những thứ mà người khác làm giỏi hơn mình mà mình vẫn cố làm thì thật khó thành công.
Phó Thủ tướng đề nghị cần thí điểm giao cho các hiệp hội thực hiện một số chức năng mà trước đây vẫn được coi là chức năng quản lý Nhà nước, bởi nhiều nước trên thế giới đã làm như vậy và làm rất tốt. Do đó, trước mắt có thể thí điểm, khi thành công sẽ triển khai rộng trên nhiều lĩnh vực.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng khẳng định công tác quản lý thị trường cần được quan tâm và nỗ lực hơn nữa, bởi việc quản lý yếu kém sẽ “giết chết sự sáng tạo, nỗ lực và làm xói mòn cố gắng, lòng tin của các DN muốn làm tốt”. Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ nỗ lực hơn nữa trong công tác này, để việc thực thi pháp luật, bảo vệ quyền lợi của DN làm ăn chân chính được bảo đảm. Mặt khác, các DN cũng phải thay đổi tư duy, thay vì chỉ bán được hàng mà cần quan tâm tới lợi ích của cộng đồng, để đưa ra thị trường những sản phẩm tốt, chất lượng, tạo được sự tin tưởng đối với người tiêu dùng.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải một lần nữa khẳng định việc cải thiện môi trường kinh doanh đang được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm chỉ đạo. Thủ tướng đã đích thân chỉ đạo các Bộ, ngành và các Bộ, ngành đều phải có chương trình hành động, thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ.
Khẳng định những góp ý của DN là hoàn toàn đúng và Chính phủ dù nỗ lực thế nào đi nữa cũng còn chưa đủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh “sẽ tiếp tục công tác cải cách hành chính để chứng minh cho DN thấy Chính phủ hết sức nghiêm túc, mong muốn bằng việc làm này để đồng hành với DN trong tiến trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn nước ta”.
Tác giả: Công Việt
Nguồn tin: www.chinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc