Không chỉ ghi nhận những nỗ lực cải cách thể chế kinh tế thị trường, Hội nghị Đánh giá giữa kỳ quan hệ đối tác phát triển Việt Nam 2015 (VDPF 2015) khai mạc sáng 23/6 tại Hà Nội còn đánh giá cao những kết quả tích cực mà Việt Nam đạt được trong phát triển kinh tế tư nhân.
Điểm đáng chú ý là lần đầu tiên, công tác đánh giá giữa kỳ được VDPF 2015 các bộ, ngành của Việt Nam và các đối tác phát triển thực hiện ở 4 lĩnh vực. Đó là Giảm nghèo và Giảm nghèo ở nhóm dân tộc ít người, Quản lý môi trường, Đào tạo nghề và Tăng cường kỹ năng, Sự tham gia của khu vực tư nhân vào cung cấp dịch vụ công. Đặc biệt, các vấn đề liên quan đến sự tham gia của khu vực tư nhân vào cung cấp dịch vụ công (cấp nước, môi trường nông thôn, đô thị và nông nghiệp) được VDPF 2015 quan tâm nhiều hơn cả.
Trong bối cảnh ngân sách nhà nước không đủ để thực hiện các dự án thì sự vào cuộc của khu vực kinh tế tư nhân đang trở nên sôi động hơn. Điều này đã được bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cùng Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương đề cập tại VDPF 2015.
Theo dự báo của Bộ Xây dựng, trong lĩnh vực cấp nước và vệ sinh môi trường đô thị, khu vực tư nhân chiếm tỷ trọng vốn huy động cao nhất (khoảng 46,8%). Tại nhiều đô thị đã đã xuất hiện dự án đầu tư kinh doanh nước sạch do doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân phối hợp đầu tư. Trong số này, có Dự án Đầu tư Nhà máy nước Sông Đà (do Tổng Công ty cổ phần Vinaconex đầu tư, công suất 300.000 m3/ngày đêm tại Hà Nội), Dự án Nhà máy nước Kênh Đông và Thủ Đức với công suất 540.000 m3/ngày đêm (TP.HCM), Dự án Nhà máy nước Dĩ An giai đoạn 2 (Bình Dương), Dự án Nhà máy nước Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu)... được huy động từ nguồn vốn khu vực tư nhân.
Tương tự, trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải đô thị cũng xuất hiện nhiều dự án đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT). Đó là Dự án Nhà máy xử lý nước thải thuộc lưu vực kênh Tham Lương – Bến Cát (TP.HCM) công suất 343.000 m3/ngày đêm; Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở (Hà Nội), công suất 200.000 m3/ngày đêm; Nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây - Đầm Bẩy, công suất 22.800 m3/ngày đêm…
Việc thu hút doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) cũng có kết quả đáng khích lệ. Tính riêng năm 2014, cả nước đã xây dựng được trên 16.000 công trình cấp nước tập trung nông thôn, trong đó mô hình trung tâm nước sạch vệ sinh môi trường và doanh nghiệp tư nhân quản lý hoạt động có hiệu quả hơn cả. Với sự hỗ trợ của Unicef, Bộ NN &PTNT đang triển khai mô hình “xây dựng hướng dẫn thí điểm về khả năng tham gia của khối tư nhân trong hoạt động thúc đẩy xử lý và trữ nước an toàn hộ gia đình tại 7 tỉnh là An Giang, Kon Tum, Ninh Thuận, Điện Biên, Đồng Tháp, Gia Lai, Lào Cai.
Tuy vậy, phần lớn dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị vẫn chủ yếu sử dụng vốn nhà nước. Chẳng hạn, trong lĩnh vực cấp nước, vốn nhà nước chiếm 87%, khu vực tư nhân chiếm 13%. Đối với lĩnh vực xử lý chất thải rắn và sinh hoạt đô thị, tuy tư nhân đã đầu tư nhiều hơn so với lĩnh vực cấp thoát nước đô thị, nhưng vốn nhà nước vẫn chiếm khoảng 80% (trong đó vốn ngân sách chiếm khoảng 35%, vốn ODA chiếm 45%), vốn của doanh nghiệp tư nhân chiếm 20%.
Thực trạng trên đòi hỏi phải có giải pháp phù hợp hơn để huy động tối đa nguồn vốn tư nhân cho phát triển hệ thống cấp thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị, qua đó giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Trong bối cảnh đó, việc thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trở nên cấp thiết bởi việc đẩy mạnh công tác này sẽ thu hút thêm nhà đầu tư tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài.
Nhiều biện pháp nhằm khuyến khích sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân vào các lĩnh vực này đang được Chính phủ, Bộ, Ban, Ngành thực hiện. Một số địa phương như Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Sơn La… cũng đã chủ động ban hành các chính sách thu hút tư nhân bằng các hình thức ưu đãi về sử dụng đất, thuê đất, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tạo nguồn nước, đầu tư công trình ưu đãi thuế, vốn vay ưu đãi, bù giá…
Mặc dù vậy, đại diện lãnh đạo Bộ NN&PTNN thừa nhận, do khung pháp lý chưa hoàn chỉnh nên chưa đủ hấp dẫn để thu hút tư nhân tham gia. Hiện nhiều tỉnh đã có chính sách hỗ trợ, nhưng không đủ nguồn lực để hỗ trợ khu vực tư nhân bởi không phải doanh nghiệp tư nhân nào cũng đủ năng lực tham gia dự án. Một số ý kiến tại VPDF 2015 cho rằng, bên cạnh các giải pháp và sự vào cuộc tích cực hơn của Chính phủ, của các bộ, ban, ngành, các địa phương thì sự ủng hộ và hỗ trợ kỹ thuật từ các nhóm đối tác phát triển sẽ góp phần quan trọng hút nhà đầu tư tư nhân tham gia lĩnh vực này.
Riêng trong lĩnh vực này, bà Victoria Kwakwa nhận định: “Khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng để đảm bảo thành công, nhưng cũng cần có sự tuân thủ trong việc thực hiện mô hình TPP. Tôi nghĩ xét cho cùng không phải là ban hành một văn bản thông tư nào mà việc thực hiện mới là quan trọng. Do đó phía Việt Nam cần có hành động ý nghĩa hơn”.
Phương nhận xét, việc tổng kết kết quả thực hiện những hành động chính sách VPDF 2013, trên cơ sở đó xác định những vấn đề tồn tại là rất cần thiết để tiếp tục cải cách về chính sách trong 4 lĩnh vực nêu trên. Theo Thứ trưởng, về cơ bản, việc triển khai các hành động chính sách VPDF 2013-2014 đang đi đúng hướng và sẽ đạt kết quả tích cực trong thời gian tới.
Tác giả: Anh Vũ
Nguồn tin: www.baodautu.vn
Ý kiến bạn đọc