WISE hướng đến 5 mục tiêu cơ bản, đó là: (1) Đào tạo kỹ năng số cơ bản cho sinh viên và đối tượng mới gia nhập thị trường lao động; (2) xây dựng một thị trường năng động, chất lượng về đào tạo nâng cao và đào tạo lại về kỹ năng số; (3) thúc đẩy đổi mới các sản phẩm tài chính sáng tạo cho giáo dục; (4) nâng cao năng lực cho các tổ chức, doanh nghiệp tham gia phát triển nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; (5) xây dựng, vận hành hiệu quả Chương trình Đối tác phát triển nguồn nhân lực đổi mới sáng tạo và cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông tin tưởng, WISE sẽ đạt được các mục tiêu đề ra, bởi Việt Nam có lực lượng lao động trẻ, số lượng sử dụng internet cao, tiếp cận nhanh với công nghệ. Đây là lợi thế để Việt Nam có thể nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo và công nghệ số, giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào nền kinh tế số, tận dụng được những thành quả của cuộc CMCN lần thứ tư.
Giám đốc USAID Việt Nam Ann Marie Yastishock cho biết, hoạt động của USAID WISE thể hiện cam kết của Chính phủ Hoa Kỳ trong việc hợp tác với Việt Nam trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế.
WISE được tài trợ bởi USAID với ngân sách khoảng 2 triệu USD, triển khai bởi Công ty Nathan, MBI và các đối tác trên cơ sở hợp tác với Chính phủ Việt Nam. Hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ Tăng trưởng Kinh tế ở châu Á của USAID (US-SEGA).
Thông qua WISE, USAID sẽ hỗ trợ các mô hình có thể mở rộng, theo định hướng thị trường và bền vững nhằm xây dựng nguồn nhân lực của Việt Nam sẵn sàng cho cuộc CMCN lần thứ tư, thông qua các quan hệ đối tác với khu vực tư nhân. Hoạt động sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực cho NIC và kết nối các cơ quan của Chính phủ nhằm hỗ trợ nâng cao hoặc đào tạo lại có hiệu quả nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo.
Một trong những hoạt động quan trọng là phát triển kỹ năng của cuộc CMCN lần thứ tư cho mọi thành phần trong xã hội, đặc biệt tập trung ưu tiên cho phụ nữ và các nhóm yếu thế nhằm thu hẹp khoảng cách kỹ năng số tại Việt Nam.
Tại phiên thảo luận của Chương trình, Giám đốc, Nhà sáng lập đến từ các công ty như OhmniLabs, Học viện FPT Software Education, TopCV, FUNiX đã chia sẻ quan điểm về nhu cầu nguồn lực của doanh nghiệp cho đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tại Việt Nam.
Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, Báo cáo về xếp hạng chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2021 được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố mới đây, Việt Nam xếp thứ 44 trên 132 quốc gia/nền kinh tế. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và có nhiều tác động khó lường, ảnh hưởng lớn đến kinh tế-xã hội, khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo trên toàn cầu, việc Việt Nam vẫn duy trì được vị trí trong Top 50 quốc gia dẫn đầu là một nỗ lực rất lớn./.
(Nguồn: Minh Ngọc/www.chinhphu.vn
Cập nhật: 15h08, ngày 02/10/2021)
Ý kiến bạn đọc