Dự Hội nghị về phía tỉnh Lai Châu có các đồng chí: Giàng Páo Mỷ - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc Hội tỉnh; Vũ Văn Hoàn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Tiến Dũng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, lực lượng vũ trang, lãnh đạo các huyện, thành phố…
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Giàng Páo Mỷ - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc Hội tỉnh nhấn mạnh: Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị được ban hành năm 2004. Đây là thời điểm tỉnh Lai Châu vừa mới chia tách, thành lập với nhiều khó khăn, thách thức của một tỉnh miền núi biên giới, nghèo nhất cả nước, kinh tế chậm phát triển, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thấp kém; đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao…. Nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt của Nghị quyết 37 đối với vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ nói chung và Lai Châu nói riêng. Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành Tỉnh ủy Lai Châu đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức, học tập, tuyên truyền Nghị quyết tới toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong toàn tỉnh; xây dựng chương trình hành động để triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Đ/c Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW (người ngoài cùng bên trái); đ/c Giàng Páo Mỷ - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc Hội tỉnh cùng các đồng chí lãnh đạo thăm Nhà Truyền thống của Tỉnh uỷ Lai Châu.
Trình bày báo cáo tổng kết tại Hội nghị, đồng chí Trần Tiến Dũng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu khẳng định: Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết, tỉnh Lai Châu đã đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: Lai Châu đã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn và kém phát triển, từng bước rút ngắn khoảng cách phát triển so với các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc và cả nước.
Kinh tế phát triển khá, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao: GRDP bình quân đầu người đạt 33 triệu đồng, tăng 12,7 lần so với năm 2004; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 11,75%/năm; sản lượng lương thực tăng nhanh, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 215 nghìn tấn, bình quân lương thực đầu người đạt 472 kg/người/năm; cơ bản đảm bảo an ninh lương thực, hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung; các cây công nghiệp có lợi thế phát triển mạnh. Các ngành công nghiệp lợi thế được quan tâm phát triển. Thu ngân sách trên địa bàn tăng nhanh, riêng năm 2018 đạt 2.247 tỷ đồng, tăng 62,4 lần so với năm 2004; dịch vụ, thương mại có nhiều khởi sắc. Hệ thống kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư và cải thiện rõ, nhất là hạ tầng giao thông; hệ thống đô thị được xây dựng từng bước khang trang, hiện đại và đồng bộ. Lĩnh vực văn hóa – xã hội tiếp tục phát triển; chất lượng giáo dục, khám chữa bệnh cho Nhân dân từng bước được nâng lên; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Đội ngũ cán bộ các cấp đủ về số lượng và cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức, cơ sở đảng từng bước được nâng lên. Mặt Trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội được củng cố, kiện toàn. Quốc phòng, an ninh và đối ngoại được tăng cường…
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng.
Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đã đặc biệt nhấn mạnh một số kiến nghị và đề xuất góp phần giảm bớt khó khăn, tạo sự bứt phá cho tỉnh, cụ thể là: Tỉnh Lai Châu đề nghị Bộ Chính trị tăng cường nguồn lực hỗ trợ cho các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung và tỉnh Lai Châu nói riêng để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vững chắc. Đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương: Quan tâm sớm đầu tư Sân bay Lai Châu, cải tạo, nâng cấp các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn, các công trình bảo vệ biên giới, dự án ổn định dân cư gắn với xây dựng cơ sở hạ tầng các xã biên giới; nghiên cứu chính sách riêng về thu hút đầu tư, trong đó cần có chính sách riêng cho tích tụ đất đai để thu hút nhà đầu tư phát triển vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp chất lượng cao; có cơ chế đặc thù trong tuyển dụng công chức người dân tộc thiểu số; nghiên cứu ban hành đề án riêng về Quy hoạch tổng thể và thực hiện bố trí, sắp xếp dân cư ra khỏi vùng có nguy cơ thiên tai…
Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu dành thời gian tập trung vào các nội dung như: Việc lồng ghép triển khai Nghị quyết số 37-NQ/TW với phát triển hạ tầng giao thông; xây dựng vùng nông nghiệp hàng hóa tập trung; gắn du lịch với xây dựng nông thôn mới; củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở; xây dựng chiến lược cụ thể cho phát triển du lịch, giảm nghèo,…
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW đã ghi nhận và đánh giá cao về công tác chuẩn bị Hội nghị tổng kết, đặc biệt là những kết quả đạt được của Lai Châu qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW. Là tỉnh có nhiều khó khăn, điểm xuất phát thấp song nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Lai Châu đã vượt mục tiêu do Nghị quyết đề ra.
Để sớm thoát khỏi danh sách một trong những tỉnh nghèo, khó khăn của cả nước, trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Văn Bình đề nghị tỉnh Lai Châu phải đặt mình trong mối liên kết vùng và các tỉnh trong cả nước để xác định thế mạnh, lợi thế của tỉnh và các địa phương lân cận. Lai Châu còn quỹ đất rất lớn, đây là lợi thế để phát triển nông nghiệp; tập trung vào phát triển kinh tế rừng và trồng một số loại cây ăn quả, dược liệu phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương để phát triển kinh tế mũi nhọn, từ đó mới tạo cơ sở thu hút các doanh nghiệp quan tâm đầu tư. Lai Châu cần giúp bà con nông dân phát triển kinh tế hộ, hợp tác xã, đặc biệt phát triển vùng nguyên liệu, tham gia vào quá trình sản xuất hàng hóa; quan tâm đến công tác đào tạo con em là đồng bào dân tộc thiểu số để tạo nguồn lực cho tỉnh; chú ý đến công tác dân tộc, tôn giáo để đảm bảo an ninh chính trị ngay từ cơ sở. An ninh trật tự trên địa bàn phải được xem là vấn đề quan trọng, là nhiệm vụ chính trị của chính quyền các cấp, không được để vùng trắng đảng viên, phải luôn củng cố các cấp chính quyền cơ sở...
Tác giả: Đinh Lan
Nguồn tin: www.laichau.gov.vn
Ý kiến bạn đọc