Sở Kế hoạch và Đầu tư

https://sokhdt.laichau.gov.vn


Triển vọng cây mắc-ca tại Lai Châu

Cây mắc-ca được đưa vào trồng thử nghiệm tại Lai Châu từ năm 2011, sau sáu năm phát triển tại một số hộ gia đình, cây đang cho thu hoạch với giá trị kinh tế cao. Với việc cam kết cùng vào cuộc của Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và người trồng; loại cây này đang mở ra triển vọng cho việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp Lai Châu, tạo hướng đi mới cho đồng bào các dân tộc nơi đây.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Lai Châu và Hiệp hội Mắc-ca Việt Nam đưa các hộ nông dân tham quan vườn ươm cây mắc-ca giống của một doanh nghiệp tại huyện Phong Thổ

Kết quả bước đầu

Gia đình chị Nguyễn Khánh Hòa, bản Chin Chu Chải, xã Sang Thành, thành phố Lai Châu là hộ đầu tiên phát triển cây mắc-ca. Sau gần sáu năm trồng và chăm sóc, đến nay 200 cây mắc-ca của gia đình chị đã cho thu hoạch với khoảng gần một tấn quả/vụ. Với giá bán 80 nghìn đồng cho 1 kg quả tươi tại vườn, mỗi vụ gia đình chị Hòa cũng thu về được một khoản tiền khá. Theo lời chị Hòa, khi mới trồng, chị cũng băn khoăn về sự phù hợp của loại cây này. Tuy nhiên sau hơn ba năm chăm sóc, cây bắt đầu ra quả, những vụ sau quả rất sai.

Tương tự gia đình chị Hòa, gia đình ông Nguyễn Văn Cận, bản Đông Phong, xã Then Sin, huyện Tam Đường có hơn 100 gốc mắc-ca trồng xen trên nương chè. Sau hơn ba năm trồng, đến nay cây đã cho quả, khá sai, ông Cận đang hy vọng với giá thị trường như hiện nay, gia đình ông sẽ có thu nhập tương đối. Với việc mắc-ca cho trái sai mà không ảnh hưởng đến sản lượng vườn chè nhà mình, ông Cận cho rằng cây mắc-ca phù hợp với đất quê ông. Ông Cận nói: “Đây chính là một hướng đi mới của gia đình tôi cũng như bà con trong xã, nó sẽ giúp chúng tôi thoát nghèo và vươn lên làm giàu”.

Hiện nay, toàn tỉnh Lai Châu đang có hơn 240 ha mắc-ca. Diện tích này được trồng tập trung ở các huyện Tam Đường, Phong Thổ, Sìn Hồ, Nậm Nhùn. Trong đó, khoảng 100 ha đã cho thu hoạch với sản lượng bình quân khoảng 800 kg quả tươi/ha. Theo tính toán của các chủ hộ, trừ chi phí, hiện tại bình quân mỗi héc-ta mắc-ca cho lãi khoảng 50 triệu đồng. Với đà tăng sản lượng theo từng năm, số tiền thu được từ một héc-ta cây mắc-ca sẽ còn tiếp tục tăng lên.

Qua thăm, kiểm tra khảo sát các vườn cây của một số bà con tại thành phố Lai Châu, huyện Tam Đường, Phong Thổ, ông Nguyễn Lân Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc-ca Việt Nam đánh giá: Xét về điều kiện khí hậu, thời tiết và chất đất vùng Tây Bắc nói chung, Lai Châu nói riêng, đây là vùng có thể phát triển tốt loại cây này.

Hỗ trợ hiệu quả người dân

Theo định hướng phát triển của UBND tỉnh Lai Châu, từ nay đến năm 2030, trên địa bàn toàn tỉnh sẽ phát triển 10.000 ha cây mắc-ca. Trong đó có 5.000 ha trồng xen trên nương chè và 5.000 ha trồng thuần. Để cây mắc-ca phát triển ổn định bền vững, tỉnh Lai Châu, Hiệp hội Mắc-ca Việt Nam, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt và nhiều tổ chức, doanh nghiệp khác đã cam kết đồng hành cùng người trồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Lê Trọng Quảng cho biết: Tỉnh sẽ hỗ trợ cho người trồng mắc-ca trên địa bàn số tiền khoảng 110 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách. Các đối tượng được hỗ trợ là cơ sở sản xuất giống, hộ gia đình, cá nhân trồng từ 1 ha tập trung trở lên; doanh nghiệp, hợp tác xã trồng từ 50 ha tập trung trở lên. Việc hỗ trợ sẽ được thực hiện từ nay cho đến năm 2030. Về cơ chế, theo Phó Chủ tịch Lê Trọng Quảng, đối với việc trồng xen trên nương chè mức hỗ trợ là 6 triệu đồng/ha cho hộ nông dân. Trồng xen và thay thế nương sả ở hai xã Ka Lăng, Thu Lũm huyện Mường Tè, mức hỗ trợ sẽ là 20 triệu đồng/ha. Đối với hộ nông dân trồng thuần từ một đến 50 ha, mức hỗ trợ mỗi héc-ta là 10 triệu đồng. Các doanh nghiệp tham gia trồng mắc-ca có quy mô từ 50 ha trở lên sẽ được hỗ trợ 15 triệu đồng/ha.

Ngoài ra, để thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư chế biến sản phẩm mắc-ca trên địa bàn, UBND tỉnh Lai Châu cũng cam kết sẽ tạo điều kiện bằng việc cho thuê đất, miễn giảm tiền thuê đất, hỗ trợ tích tụ đất đai, đặc biệt là dưới hình thức góp đất liên kết làm ăn giữa nông dân và doanh nghiệp…

Hiệp hội Mắc-ca Việt Nam và Tập đoàn Him Lam cũng cam kết sẽ hỗ trợ kỹ thuật và kiến thức khoa học giúp Lai Châu và người trồng mắc-ca ở đây trong suốt quá trình phát triển. Nếu người trồng không có hoặc không tìm được “đầu ra” tốt, hai đơn vị này cam kết sẽ thu mua lâu dài toàn bộ sản phẩm cho bà con bằng 90% giá thị trường của nước Ô-xtrây-li-a. Ngân hàng Bưu điện Liên Việt cho biết, đơn vị này đã bố trí gói tín dụng ưu đãi không giới hạn cho người trồng mắc-ca tại Lai Châu. Đơn vị sẽ hỗ trợ toàn bộ quá trình làm hồ sơ thủ tục, cho vay trong thời hạn dài, đến khi người trồng được thu hoạch ổn định mới thu hồi cả lãi lẫn gốc.

Hiện nay đã có một số doanh nghiệp tại Lai Châu liên kết với các hộ dân tại một số địa phương để phát triển cây mắc-ca. Với giá trị kinh tế cùng với việc cây phát triển phù hợp tại một số địa phương của tỉnh, sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng; sự vào cuộc đồng hành của nhà khoa học và cơ chế mở của Lai Châu, hy vọng trong tương lai không xa, cây mắc-ca sẽ góp phần làm thay đổi nhanh bộ mặt nông thôn ở tỉnh Lai Châu.

 

Tác giả: Trần Tuấn

Nguồn tin: www.baonhandan.org.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down