Sở Kế hoạch và Đầu tư

https://sokhdt.laichau.gov.vn


Thúc đẩy DN Việt tham gia hệ thống phân phối nước ngoài

(Chinhphu.vn) - Dù có nhiều kết quả khả quan, nhưng theo đánh giá chung của các chuyên gia, việc tiếp cận các hệ thống phân phối nước ngoài của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam vẫn còn gặp những khó khăn nhất định, bởi muốn đưa hàng vào hệ thống hiện đại đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm bảo đảm chất lượng hàng hóa luôn ổn định.
Hệ thống siêu thị Big C đẩy mạnh tiêu thụ hàng nông sản Việt. Ảnh: VGP/Lê Anh

Theo ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương), thời gian qua, các DN Việt Nam thường xuất khẩu qua nhiều đại lý, dẫn đến khó nắm bắt được tận gốc nhu cầu của người tiêu dùng nước sở tại. Cũng do xuất hàng qua đại lý nên không có sự bền vững, chất lượng hàng hóa khó tiếp cận được với các thị trường khó tính. Hơn nữa, việc xuất qua đại lý khiến các DN không thể phát triển được thương hiệu.

Do đó, xuất khẩu trực tiếp qua các hệ thống phân phối nước ngoài là một trong những giải pháp quan trọng. Tuy nhiên, cần phải có giải pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ người sản xuất đáp ứng được các tiêu chuẩn do các hệ thống phân phối đặt ra.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam Chất lượng cao cho rằng, mấu chốt để hàng hóa của các DN sản xuất tại Việt Nam vào được các hệ thống phân phối là chất lượng phải bảo đảm và ổn định bền vững, truy suất đúng nguồn gốc. Bởi có một thực tế đó là đa phần các DN Việt Nam chất lượng sản phẩm thường không đồng đều và thiếu tính ổn định.

Ông Hải cho biết, để đẩy mạnh đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối nước ngoài, Bộ Công Thương đang tích cực triển khai Đề án Thúc đẩy các DN Việt Nam trực tiếp tham gia các mạng phân phối nước ngoài đến 2020 với mục tiêu nhằm xây dựng được cơ sở dữ liệu về các DN xuất khẩu; hỗ trợ các DN tăng cường xúc tiến thương mại; nâng cao năng lực sản xuất để tham gia kết nối với các hệ thống phân phối, đồng thời thúc đẩy các hệ thống phân phối nước ngoài đầu tư, tham gia chuỗi phân phối…

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ là cầu nối giúp cho các nhà sản xuất và hệ thống phân phối gặp nhau, từ đó, các hệ thống phân phối sẽ hỗ trợ về mặt tài chính, kỹ thuật; đào tạo trực tiếp để các nhà sản xuất bảo đảm theo tiêu chuẩn mà nhà phân phối đề ra.

Cam kết đẩy mạnh thu mua sản phẩm

Tại hội thảo triển khai Đề án Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trực tiếp vào mạng phân phối nước ngoài do Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 26/5 tại TPHCM, các hệ thống phân phối đã cam kết đẩy mạnh hỗ trợ tiêu thụ hàng nội địa.

Đánh giá về quá trình hợp tác với các DN Việt Nam trong thời gian qua, ông Nishitoghe Yasuo, Tổng Giám đốc Aeon Việt Nam cho biết, chất lượng hàng hóa của các nhà cung cấp Việt Nam ngày càng được cải thiện so với trước đây.

Lãnh đạo Aeon Việt Nam cho hay, hiện có 1.675 nhà cung cấp Việt Nam đang cung cấp hàng cho hệ thống của Aeon trên cả nước. Trong thời gian qua, Aeon đã rất tích cực xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam qua các cửa hàng của Aeon tại châu Á và Nhật Bản. Những sản phẩm hàng hóa của Việt Nam được khách hàng ưa chuộng là cá tra, hàng may mặc, giày dép… Riêng trong năm 2016, hệ thống đã nhập 200 triệu USD hàng hóa của Việt Nam để xuất đi các thị trường, trong đó hàng may mặc chiếm tới 69%, thực phẩm khoảng 20%.

“Kế hoạch của Aeon Việt Nam là xây dựng hệ thống logistic và dây chuyền đông lạnh. Đẩy mạnh ký kết hợp tác với các đơn vị cung cấp nội địa nhằm đưa các sản phẩm hàng Việt chất lượng với giá cả phù hợp vào tiêu thụ trong các hệ thống phân phối của Aeon tại Việt Nam cũng như toàn bộ hệ thống siêu thị”, ông Nishitoghe Yasuo nói.

Chia sẻ kinh nghiệm để các DN Việt Nam có thể xâm nhập vào các hệ thống siêu thị Auchan toàn cầu, ông Albin Bertrand, Giám đốc thu mua thực phẩm Auchan Retail Việt Nam cho rằng, các nhà cung cấp Việt Nam ngoài vấn đề hàng hóa bảo đảm chất lượng, DN cần nắm rõ xu hướng thị trường tiềm năng là như thế nào để có kế hoạch sản xuất phù hợp.

Ông Albin Bertrand cho biết, Auchan Retail Việt Nam tin tưởng vào sự phát triển ngày càng lớn mạnh của thị trường bán lẻ Việt Nam, chính vì vậy, trong thời gian tới, công ty sẽ xây dựng trung tâm thu mua để hỗ trợ các DN xuất khẩu Việt Nam đưa hàng dễ dàng hơn vào hệ thống phân phối toàn cầu của tập đoàn.

Trong những năm gần đây, hệ thống siêu thị Big C đã tích cực hỗ trợ đưa hàng Việt vào tiêu thụ trong hệ thống tại các nước châu Âu với giá trị hàng hóa lên tới vài chục triệu USD. Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Đối ngoại và Pháp lý Tập đoàn Central Group, cho biết, khi Big C thuộc sở hữu của Central Group, các hệ thống siêu thị vẫn tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt, tổ chức tuần lễ hàng Việt Nam trong toàn hệ thống siêu thị. Đặc biệt, gần đây, Central Group đã thành lập một công ty  riêng biệt chuyên phục vụ cho việc thu mua hàng hóa xuất khẩu.

“Do các DN sản xuất nội địa chủ yếu là các DN nhỏ và vừa, hạn chế về vốn, do đó, phía Central Group cũng sẽ phối hợp, cam kết với ngân hàng để hỗ trợ các DN bán hàng cho Central Group tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng nhằm đảm bảo nguồn lực tài chính để duy trì ổn định sản xuất”, ông Hải cho biết

 

Tác giả: Lê Anh

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down