Sở Kế hoạch và Đầu tư

https://sokhdt.laichau.gov.vn


Phong Thổ: Đẩy mạnh công tác quy hoạch phát triển kinh tế vùng

(BLC) - Trong những năm qua, phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở huyện Phong Thổ phát triển mạnh. Quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã hình thành những vùng chuyên canh hàng hóa, thu hút được nhiều thương lái, khách hàng đến thu mua, từng bước hình thành thị trường tại chỗ. Để có được kết quả trên, huyện Phong Thổ đã chú trọng đẩy mạnh công tác quy hoạch, hình thành các vùng sản xuất tập trung từng bước khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương về sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân trong huyện.
Người dân xuất khẩu chuối qua Cửa khẩu Quốc gia Ma Lù Thàng (huyện Phong Thổ).

Những kết quả ban đầu

Một trong những điểm nổi bật trong phát triển nông nghiệp nông thôn của huyện Phong Thổ thời gian qua là huyện đã đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng cường và nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ, nhất là thị trường xuất khẩu. Trong đó, tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp vùng cao, biên giới, tạo chuyển biến mạnh mẽ về thu nhập cho Nhân dân trong vùng từ sản xuất nông nghiệp hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững. Cùng với đó, vận động người dân đẩy mạnh chuyển đổi phương thức chăn nuôi theo hình thức nuôi nhốt, hỗ trợ trồng cỏ và làm chuồng trại, phát triển nuôi trồng thủy sản ở những nơi có điều kiện. Đặc biệt huyện đã quan tâm, chỉ đạo các phòng chức năng triển khai thí điểm hiệu quả nhiều mô hình cây, con giống mới ứng dụng vào điều kiện thực tế ở địa phương.

 

Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong huyện, sản xuất nông nghiệp của huyện đạt nhiều kết quả tích cực. Tổng diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt 8.406ha; sản lượng đạt 35.213 tấn, diện tích trồng rau các loại 730ha, sản lượng đạt hơn 6.600 tấn (đạt 100% so với kế hoạch đề ra). Dự án trồng cây cao su tiếp tục được triển khai, mở rộng ở những vùng có điều kiện sinh thái phù hợp, sử dụng giống chịu lạnh, cải tiến quy trình canh tác, đưa diện tích toàn huyện đạt trên 1.449,48ha, đến nay đã có 400ha đang trong giai đoạn cho thu hoạch. Phát triển chăn nuôi đại gia súc, các loại cây công nghiệp ngắn ngày cũng tiếp sức cho kinh tế của Phong Thổ từng bước phát triển bền vững. Tổng diện tích thảo quả hiện có 930ha, đạt 100% so với kế hoạch, tăng 24,8ha so với cùng kỳ năm trước. Tổng diện tích cây ăn quả đạt 2085ha đạt 123,7% kế hoạch (trong đó, diện tích cây chuối 1.788ha; diện tích cây ăn quả lâu năm khác 307ha), sản phẩm đầu ra thuận lợi nên Nhân dân tận dụng quỹ đất, chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng chuối.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, đã từng bước chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang hình thức chăn nuôi tập trung theo quy mô trang trại và áp dụng khoa học – kỹ thuật. Đến nay, tổng đàn gia súc gia cầm là 15.276 con, tốc độ tăng trưởng đàn đại gia súc 5,11% đạt 102,2% kế hoạch.

Bên cạnh đó, với diện tích mặt nước lớn cùng hệ thống sông, suối tạo  tiềm năng cho huyện phát triển nuôi trồng thủy sản. Vì vậy, nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản có giá trị cao như cá hồi, cá tầm trong môi trường nước lạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao đã được thí điểm nhân rộng. Hiện tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện đạt 40,05ha; tổng sản lượng nuôi trồng và đánh bắt 73 tấn (sản lượng nuôi trồng là 59 tấn; sản lượng đánh bắt là 5 tấn); sản lượng nuôi cá nước lạnh là 9 tấn đạt 100% kế hoạch, tăng 7 tấn so với cùng kỳ năm trước…

Chú trọng phát triển kinh tế vùng

Xác định sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực mũi nhọn của huyện, Đảng bộ, chính quyền huyện Phong Thổ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp bảo đảm phát triển theo hướng hàng hóa tập trung gắn với xây dựng nông thôn mới. Định hướng phát triển các ngành kinh tế được huyện thực hiện thông qua việc cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ bằng các Đề án, Nghị quyết, Chương trình hành động của Huyện ủy trong giai đoạn 2016-2020. Khuyến khích và tạo điều kiện tích tụ đất nông nghiệp, tăng cường thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực nông - lâm nghiệp. Thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm mới và giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu trong ngành nông nghiệp phù hợp với từng vùng kinh tế trên địa bàn huyện. Tạo điều kiện, cơ chế thuận lợi cho kinh tế tập thể, kinh tế hộ, kinh tế trang trại và doanh nghiệp ở nông thôn phát triển. Thực hiện việc liên doanh, liên kết giữa người dân và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị với các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của địa phương. Tăng cường thu hút đầu tư, xúc tiến đầu tư, ưu tiên hợp tác với các huyện trong tỉnh và các tỉnh lân cận trên các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của vùng, của huyện.

Trên cơ sở đó, huyện cũng đã tập trung phát triển 3 vùng kinh tế trọng điểm của huyện, cụ thể: Kinh tế khu vực các xã vùng thấp: Do có nguồn thức ăn xanh như bãi cỏ, cây ngô… và nguồn thức ăn tinh phong phú như ngô, đỗ tương, cùng với điều kiện về bãi chăn thả nên chăn nuôi vùng bãi có nhiều lợi thế để phát triển, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, ưu tiên đưa các loại giống lúa đặc sản địa phương vào sản xuất gắn với chế biến, xây dựng thương hiệu trên thị trường như Tả cù, Séng cù, Tẻ dâu… Phát triển các loại rau màu thực phẩm cung cấp cho thị trường, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hình thức trang trại. Chăm sóc diện tích cây cao su hiện có, đưa vào khai thác mủ. Phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, thủy điện, công nghiệp chế biến theo quy hoạch. Đẩy mạnh các loại hình dịch vụ, du lịch cộng đồng văn hóa dân tộc truyền thống, văn hóa ẩm thực dân tộc.

Kinh tế khu vực 8 xã vùng cao biên giới: Tập trung thâm canh, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để tăng vụ, tăng năng suất, phát triển cây rau màu, cây ăn quả và một số cây trồng phù hợp khác. Phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hình thức nuôi nhốt, trồng cỏ và làm chuồng trại; phát triển nuôi trồng thủy sản cá nước lạnh. Khoanh nuôi tái sinh rừng, bảo vệ rừng, trồng rừng gắn khôi phục diện tích cây thảo quả. Quản lý, phát triển chợ biên giới, tăng cường giao lưu hàng hóa.

Khu kinh tế cửa khẩu: Quản lý, tổ chức tốt các hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh; ưu tiên phát triển các dịch vụ kho bãi, vận tải, bốc xếp, chế biến, sản xuất hàng xuất khẩu. Đẩy mạnh phát triển sản xuất các loại nông sản có lợi thế xuất khẩu như: chuối, ngô, sắn, cao su... phát triển dịch vụ du lịch.

Đồng chí Hoàng Ngọc – Bí thư huyện chia sẻ: Định hướng đã nêu dựa trên cơ sở thực tế thế mạnh của huyện,thời giới tới, huyện xác định sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình cơ bản, hoàn thành xây dựng xây dựng cụm công nghiệp. Tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đến đầu tư, góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh của huyện, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống của Nhân dân.

Một mùa xuân mới đang về, với những quyết sách đã và đang triển khai, của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong huyện, tin rằng trong tương lai không xa, huyện Phong Thổ sẽ có thêm những mùa xuân ấm no, hạnh phúc, trở thành vùng kinh tế động lực của của tỉnh.


 

Tác giả: Minh Anh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down