Sở Kế hoạch và Đầu tư

https://sokhdt.laichau.gov.vn


Những chính sách hợp với lòng dân

(laichau.gov.vn) Dành các chính sách ưu tiên, lồng ghép các nguồn lực để khai thác triệt để tiềm năng, lợi thế của địa phương, đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn của tỉnh trong đó có đồng bào dân tộc La Hủ... là định hướng, mục tiêu quan trọng mà tỉnh Lai Châu đã và đang chỉ đạo tổ chức thực hiện.
Người dân La Hủ (huyện Mường Tè) dùng màng lưới bảo vệ hạt Sâm giống.

Huyện Mường Tè có 14 dân tộc, trong đó dân tộc La Hủ là dân tộc đặc biệt khó khăn của tỉnh Lai Châu với 2.940 hộ, 12.270 khẩu, chiếm 26% dân số toàn huyện. Địa bàn rộng, địa hình bị chia cắt phức tạp, nhiều núi cao, sông, suối... Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước, tỉnh Lai Châu đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho sản xuất trên địa bàn các huyện nói chung và đồng bào dân tộc La Hủ nói riêng như Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình 30a, 135, Quyết định số 1672/QĐ-TTg... Hiện nay, 100% xã vùng đồng bào dân tộc La Hủ sinh sống đều có đường giao thông đến trung tâm xã; 100% xã được sử dụng điện lưới Quốc gia và các nguồn điện khác; 100% bản, khu phố được đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt, công trình thủy lợi; 100% xã có trạm y tế được xây dựng kiên cố; 92,86% xã có nhà văn hóa xã; 76,6% bản, khu phố có nhà văn hóa/nhà sinh hoạt cộng đồng. Bình quân giai đoạn 2016 - 2021, tỷ lệ hộ nghèo của dân tộc La Hủ giảm 4 - 5%/năm…

Với mục tiêu tìm ra những giải pháp nhằm thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào dân tộc La Hủ, thu hẹp khoảng cách với các dân tộc khác, giữa tháng 12/2022, UBND tỉnh Lai Châu đã tổ chức Hội thảo về thực trạng và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc Mảng, La Hủ trên địa bàn tỉnh với sự tham gia của các chuyên gia, giáo sư, lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể tỉnh nhằm lắng nghe các ý kiến phân tích, đánh giá về thực trạng trong vùng đồng bào dân tộc, từ đó đưa ra các giải pháp để thực hiện. Tại Hội thảo này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu Tống Thanh Hải cho rằng: "Phải kiên trì thực hiện đồng bộ các giải pháp và có cách tiếp cận khác so với trước kia. Việc xây dựng đề án cho vùng đồng bào dân tộc La Hủ phải có cách làm mới, dài hơi; xây dựng được các mô hình kinh tế, những “Thủ lĩnh” ở những vùng đồng bào 2 dân tộc”.

Đồng chí Tống Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại Hội thảo về thực trạng và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc Mảng, La Hủ trên địa bàn tỉnh.

Không chỉ vậy, từ các chính sách hỗ trợ đồng bào các dân tộc La Hủ bước đầu đã dựa vào các tiềm năng lợi thế của địa phương tạo ra vùng sản xuất như quế, riềng, cây sa nhân, thảo quả dưới tán rừng và đặc biệt đưa một số cây có giá trị như Sâm Lai Châu vào trồng tại các xã Bum Tở, Pa Vệ Sủ, Tá Bạ… Riêng đối với cây Sâm, tỉnh Lai Châu đã ban hành Kế hoạch số 1452/QĐ-UBND ngày 9/11/2022 ban hành Kế hoạch phát triển Sâm Lai Châu giai đoạn 2022 - 2030 và định hướng đến năm 2045 trong đó nêu rõ: “Rà soát cơ chế, chính sách phát triển cây dược liệu nói chung và cây Sâm Lai Châu; nghiên cứu đề xuất ban hành chính sách đặc thù cho phát triển Sâm Lai Châu. Trong đó, tập trung nghiên cứu, đề xuất các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu sản phẩm Sâm Lai Châu; hỗ trợ đầu tư phát triển cây Sâm Lai Châu; chính sách về thuế, đất đai, nguồn vốn, tiếp cận tín dụng; khuyến khích sử dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường trong nuôi trồng, chế biến Sâm Lai Châu...”.

Cùng với đó, UBND tỉnh cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp về định hướng, giải pháp phát triển Sâm Lai Châu trong đó đã mời nhiều các giáo sư, chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực cùng tham gia, coi phát triển Sâm là nhiệm vụ chiến lược của địa phương trong công cuộc phát triển kinh tế lâu bền của tỉnh. Mới đây nhất, ngày 28/2/2023, tỉnh Lai Châu đã tổ chức “Diễn đàn Mùa Xuân về phát triển Sâm Lai Châu”. Tại đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Trọng Hải cho biết: "Hiện tại, tỉnh đã triển khai rà soát, đánh giá và xác định được trên 30.000ha có điều kiện đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho phát triển Sâm Lai Châu, trong đó có 17.000ha rất thích hợp để phát triển. Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Lai Châu sẽ tập trung phát triển vùng trồng Sâm khoảng 3.000ha gắn với chế biến, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm chế biến từ Sâm Lai Châu. Để thực hiện điều đó, mỗi hộ gia đình và doanh nghiệp trồng Sâm Lai Châu đang đồng lòng, nỗ lực và thể hiện niềm tin, khát vọng, biến mong muốn đó thành hiện thực".

Được ví như “Cánh chim đầu đàn” trong khát vọng trồng Sâm Lai Châu, Trưởng bản Sín Chải B Chừ Và Hừ nói: “Từ những năm 2018, mình đã trồng Sâm vì biết được giá trị của cây Sâm Lai Châu, nhưng chỉ là tự gieo hạt để trồng ít một. Sau đó, mình được Nhà nước hỗ trợ giống Sâm, hỗ trợ cả kỹ thuật, hỗ trợ vay vốn… nên mình tự tin tìm hiểu, học kinh nghiệm và dành thời gian cho cây Sâm. Không chỉ mình mà bà con trong bản cũng được hỗ trợ các chính sách. Bản mình bớt nghèo cũng là nhờ được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ, đến nay mình đã có hơn 2.000m2 trồng Sâm đang sinh trưởng và phát triển rất tốt”.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng và đại diện lãnh đạo một số sở, ngành kiểm tra vườn ươm giống Sâm Lai Châu.

Có thể nói, cùng với Kế hoạch phát triển Sâm Lai Châu, nhiều chương trình, đề án, chính sách được Đảng, Nhà nước đầu tư, hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng, tác động trực tiếp đến mọi mặt đời sống xã hội, vật chất, tinh thần, là động lực lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc La Hủ. Các chính sách hợp lòng dân nên được bà con đón nhận, đồng bào La Hủ đã từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp và thay đổi phương thức sản xuất cũ, lạc hậu bằng phương thức sản xuất mới dựa trên cơ sở tiến bộ khoa học kỹ thuật; đã dần thay đổi truyền thống canh tác phụ thuộc nhiều vào tự nhiên; từ bỏ tập quán du canh, du cư, đốt nương làm rẫy, tham gia chăm sóc, bảo vệ rừng để hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; canh tác lúa nước, ổn định có năng suất, nhiều hộ dân đã đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, dần xoá bỏ những tập tục lạc hậu đang là rào cản đối với sự phát triển của đồng bào dân tộc La Hủ.

Cũng trong chuyến công tác tại huyện Mường Tè, thăm vùng trồng Sâm của đồng bào dân tộc La Hủ tại xã Pa Vệ Sủ, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng phấn khởi khi thấy những thanh niên La Hủ dám nghĩ, dám làm, biết đào sâu nghiên cứu, tìm tòi để có kinh nghiệm trồng, phát triển những vườn Sâm có giá trị tiền tỷ. Trong buổi làm việc với UBND huyện, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, với diện tích hiện có của huyện khoảng trên 100ha, huyện Mường Tè cần đưa cây Sâm thành cây chủ lực, phấn đấu trở thành thủ phủ của loài cây mang giá trị này. Và với định hướng đó, vùng núi Pu Si Lung - Nơi đồng bào dân tộc La Hủ sinh sống sẽ ngày một khởi sắc bởi từ “Những chính sách hợp với lòng dân”!

Nguồn: Nguyễn Chanh/laichau.gov.vn/
Cập nhật 20h52 ngày 07/3/2023

Tác giả: Quản trị

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down