Sở Kế hoạch và Đầu tư

https://sokhdt.laichau.gov.vn


Luật Quy hoạch phải xóa được tình trạng "tân quan, tân quy hoạch"

Ngày 21/11, thảo luận tại Hội trường đóng góp ý kiến cho Dự án Luật Quy hoạch, đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) cho rằng, cần khắc phục triệt để lợi ích nhóm trong quy hoạch bằng việc xác lập các chế tài ràng buộc đối với người phê duyệt, trách nhiệm là liên tục, kể cả khi đã về hưu.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình thêm một số vấn đề về dự án Luật Quy hoạch

Đại biểu quốc hội "mong" Luật Quy hoạch xóa lợi ích nhóm 

Đỗ Ngọc Thịnh - Khánh Hoà cho rằng, trong thời gian, quy hoạch ở Việt Nam còn quá lạc quan và tương lai vẽ ra nhiều viễn cảnh tươi đẹp. Tuy nhiên, khi thực hiện lại không được như vậy dẫn đến lãng phí tài nguyên nhà nước, ví dụ nhiều khu đô thị không có người ở, những người nông dân thì mất đất vẫn chưa tìm được sinh kế mới, trong khi bất động sản tồn đọng rất nhiều.

Trong khi, đáng lẽ quy hoạch được hiểu là bài toán phát triển sao cho sử dụng tiết kiệm nhất các nguồn lực eo hẹp gây ảnh hưởng ít nhất về nghèo đói và ô nhiễm môi trường trên nguyên tắc tạo được sự đồng thuận xã hội cao, dựa vào cơ chế chia sẻ lợi ích hợp lý từ thụ hưởng kết quả đầu tư.

“Vì vậy, chúng tôi đề xuất bổ sung thêm 2 từ "tiết kiệm" vào khái niệm và nguyên tắc để làm kim chỉ nam cho các cơ quan, tổ chức khi lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch và phải cân nhắc kỹ lưỡng”, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh chỉ rõ.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) nhất trí với những quy định và hành vi bị cấm trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, theo vị đại biểu này, quy định như vậy vẫn chưa đủ.

Trên thực tế, thời gian qua, đã xảy ra tình trạng xây dựng, quy hoạch kém chất lượng, quy hoạch bị lái theo lợi ích nhóm, hoặc bị điều chỉnh một cách tùy tiện, làm thiệt hại cho Nhà nước và doanh nghiệp, gây bất bình trong nhân dân.

“Ví dụ, có những con đường đang thẳng mà được quy hoạch, điều chỉnh để biến thành cong và cong mềm mại thì thời gian qua đã xảy ra”, đại biểu Hạ dẫn chứng.

Vì vậy, vị đại biểu này đề xuất, Luật Quy hoạch cần tập trung vào việc ngăn cấm những hành vi lũng đoạn quy hoạch, lợi dụng quy hoạch để trục lợi, điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, nhiệm kỳ sau điều chỉnh quy hoạch của nhiệm kỳ trước đây là tư duy nhiệm kỳ.

“Khắc phục triệt để lợi ích nhóm trong quy hoạch bằng việc xác lập các chế tài ràng buộc đối với người phê duyệt, trách nhiệm là liên tục, kể cả khi đã về hưu vẫn bị xử lý như tinh thần của kỳ họp này đã xác định”, đại biểu Hạ quyết liệt.

Đồng tình với quan điểm của đại biểu Hạ, đại biểu Phạm Quang Dũng (Phạm Văn Nấng) - Nam Định nhấn mạnh, Luật Quy hoạch sẽ phải giải quyết được tình trạng lãng phí trong quy hoạch.

 Quy hoạch không chỉ dừng lại ở việc sử dụng đất đai, tài nguyên mà phải tính toán sử dụng có hiệu quả các nguồn nhân lực, tài nguyên khác, các yêu tố văn hóa truyền thống, đặc điểm dân cư.

 “Luật Quy hoạch cần khắc phục tình trạng quy hoạch cho có, có quy hoạch nhưng không dùng được, làm trái quy hoạch hoặc điều chỉnh quy hoạch tràn lan vì lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ trong quy hoạch hoặc tân quan tân quy hoạch", vị đại biểu này nói.

Nhiều vấn đề còn băn khoăn trong

Vẫn còn nhiều băn khoăn về dự thảo Luật Quy hoạch

Phát biểu về thời kỳ quy hoạch, đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) đề xuất, cần quy định thời kỳ quy hoạch dài hơn so với dự thảo, cụ thể thời kỳ quy hoạch tối thiểu chung cho các loại quy hoạch là 20 năm, tầm nhìn là 30, quy hoạch ngành, vùng phải có tầm nhìn 50 năm. Đặc biệt, quy hoạch tổng thể quốc gia phải có tầm nhìn từ 50 đến 70 năm.

Theo đại biểu Tiến, quy hoạch có dài hơn như vậy mới đảm bảo tính ổn định cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong điều hành nền kinh tế và trong đầu tư phát triển không bị động, không sợ thay đổi.

“Quy định dài như vậy cũng tạo áp lực cho các cơ quan lập quy hoạch phải có những dự báo đánh giá dài hạn, đồng thời phải có sự đầu tư công phu cho công tác lập quy hoạch, tránh tình trạng dò dẫm, cóp nhặt, chắp vá”, đại biểu Tiến lý giải thêm cho đề xuất của mình.

Đại biểu Tiến cũng chỉ ra rằng, thực tế cho thấy, việc lập và phê duyệt, triển khai quy hoạch ở nước ta thường rất chậm. Có những quy hoạch cho một thời kỳ, nhưng khi được phê duyệt đã đi được một phần ba thời kỳ phê duyệt xong đã không còn phù hợp và phải điều chỉnh.

“Khi điều chỉnh các dự án phải chờ đợi, đó là lý do vì sao nhiều quy hoạch treo không được thực hiện và nhiều công trình thực hiện dở dang phải tạm dừng đợi điều chỉnh quy hoạch, hoặc nếu cứ triển khai thì rơi vào tình trạng không theo quy hoạch và bị xử lý gây lãng phí lớn cho xã hội”, vị đại biểu này chỉ rõ.

Về nội dung quản lý nhà nước về quy hoạch, đại biểu Tiến đề nghị, Nhà nước ban hành bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn quy hoạch chung cho quốc gia để tạo sự đồng bộ, thống nhất trong các quy hoạch.

Về mối quan hệ giữa các loại quy hoạch, theo đại biểu Phùng Đức Tiến, quy hoạch cấp dưới phải phù hợp với cấp trên, đảm bảo tính thống nhất trong quy hoạch tránh chồng chéo, chắp vá.

Để nâng cao chất lượng quy hoạch, theo vị đại biểu này, Luật Quy hoạch cần quy định các tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể trong việc lựa chọn các nhà đầu tư trong lập quy hoạch, tư vấn lập quy hoạch, đơn vị lập quy hoạch. Đặc biệt, đối với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng và quy hoạch cấp tỉnh.

Đồng thời, Luật quy hoạch cũng cần có quy định mang tính nguyên tắc về việc có chính sách của Nhà nước đối với việc quan tâm đầu tư phát triển hệ thống các cơ quan, đơn vị quy hoạch và đội ngũ cán bộ quy hoạch có tầm, có tâm để đảm bảo công tác quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng lãnh thổ, đây là công việc mà bất cứ quốc gia nào cũng rất quan tâm.

“Nhiều quy hoạch được lập và phê duyệt nhưng khi triển khai lại không khả thi gây lãng phí ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến các doanh nghiệp. Nguyên nhân do công tác tư vấn lập quy hoạch chưa đảm bảo. Do vậy, cần có thêm quy định về trách nhiệm Hội đồng thẩm định, các cơ quan liên quan trong khi thực hiện thẩm định quy hoạch”, vị đại biểu này đề xuất.

Thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật Quy hoạch, song đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) băn khoăn về điều khoản chuyển tiếp. Theo đại biểu Lợi, nếu quy định như trong dự thảo Luật là có thể chưa phù hợp và thiết tính khả thi, sẽ gây khó khăn cho việc triển khai, thực hiện, vì các luật hiện hành của chúng ta vẫn đang quy định các nội dung liên quan đến quy hoạch. Đặc biệt là các luật vừa mới thông qua và sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/7/2016 như Luật Tài nguyên môi trường biển và Luật Khí tượng thủy văn.

Đại biểu Lợi cũng đề nghị xem xét lại việc bỏ Điều 66, bởi, nếu bỏ Điều này sẽ gây khó khăn và bất cập trong thực hiện Luật Quy hoạch.

Giải trình thêm một số vấn đề về dự án Luật Quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, Luật Quy hoạch ra đời nhằm giải quyết vấn đề bất cập trong công tác quy hoạch hiện nay trong bối cảnh hội nhập quốc tế, ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế vừa được thông qua.

“Đây là một cơ hội để chúng ta sắp xếp lại để chúng ta phát triển nhanh và bền vững hơn, không thể chậm trễ được hơn, không thể lùi lại được nữa”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng khẳng định rằng, Luật này ra đời sẽ khắc phục được những tồn tại, hạn chế, như: thiếu tầm nhìn, kém chất lượng về quy hoạch gây thất thoát lãng phí, cản trở sự phát triển của đất nước, phân tán không hiệu quả dẫn đến tùy tiện, chia cắt, cát cứ và xung đột lợi ích giữa các ngành, địa phương.

Luật Quy hoạch sẽ trở thành nội dung cũng như một công cụ quan trọng để chúng ta thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế trong một khuôn khổ đồng bộ và thống nhất nhằm thực hiện hiệu quả hơn việc sắp xếp, cơ cấu lại các nguồn lực của kinh tế hướng tới mục tiêu tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Về phạm vi điều chỉnh, theo Bộ trưởng, Luật không điều chỉnh quy hoạch cấp huyện, cấp xã. Bởi, đó là các quy hoạch hết sức chi tiết, cụ thể và đã được điều chỉnh quy định rõ trong Luật Quy hoạch đô thị và xây dựng nông thôn.

Về đề xuất cần quy hoạch bầu trời, Bộ trưởng Dũng chia sẻ là “không hình dung là quy hoạch bầu trời là quy hoạch thế nào”, vì thế “Chúng tôi thấy quy hoạch bầu trời rất khó, chúng tôi sẽ tiếp thu để nghiên cứu tiếp”.

Về quản lý nhà nước, Bộ trưởng cho biết, sẽ thiết kế một chương riêng về công tác quản lý nhà nước.

“Xây dựng quy hoạch đã khó, nhưng giữ quy hoạch khó hơn. Song, nếu giữ mà cứng nhắc, không thể linh hoạt khi cuộc sống đòi hỏi để đáp ứng được yêu cầu phát triển, thì đấy lại là cản trở của sự phát triển”, Bộ trưởng Dũng chia sẻ thêm./.

Tác giả: Phương Anh

Nguồn tin: kinhtevadubao.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down